Đồng chí Đỗ Mười
Nguyên Tổng Bí thư, nguyên Cố vấn
Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đồng chí Trường Chinh, một trong những học trò xuất sắc nhất và bạn chiến đấu gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, có những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh vì độc lập dân chủ và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.
Ngay từ tuổi thanh niên, với bầu nhiệt huyết yêu nước, đồng chí đã là hội viên tích cực của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và trở thành lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đồng chí đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành qua đấu tranh cách mạng gian khổ, khốc liệt, trong thời kỳ ở tù cũng như khi ra tù, trong hoạt động bất hợp pháp và hợp pháp, nửa hợp pháp, trong cao trào cách mạng cũng như lúc thoái trào, trong đấu tranh vũ trang gian khổ cũng như trong xây dựng hòa bình đầy khó khăn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh (bên trái), Phạm Văn Đồng (bên phải), Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên trái) quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954. - Ảnh tư liệu |
Phẩm chất cách mạng và tài năng trí tuệ của đồng chí được thể hiện rõ trong những thời kỳ đấu tranh cách mạng quyết liệt và phức tạp, nhất là ở những bước ngoặt lịch sử quan trọng, đòi hỏi có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng nước ta.
Năm 1941, tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa I) do Bác Hồ triệu tập và chủ trì, đồng chí được bầu giữ trọng trách Tổng Bí thư. Đây là một thời kỳ vô cùng đen tối; dân tộc ta bị đặt trong cảnh một cổ hai tròng dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Nhân dân bị bóc lột, đàn áp dã man; cơ sở cách mạng bị khủng bố, tan rã hàng loạt; cán bộ, đảng viên bị địch bắt bớ, tù đày, bắn giết. Quán triệt tư tưởng chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh đã cùng với Trung ương Đảng động viên lực lượng của toàn Đảng khôi phục và phát triển cơ sở cách mạng, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất nhằm gây dựng và mở rộng phong trào quần chúng tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam lúc này là cứu nước, đánh đổ ách thống trị của Pháp - Nhật, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân. Ngay sau đêm Nhật đảo chính hất cẳng Pháp (9-3-1945) đồng chí đã chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng, ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Với tầm nhìn chiến lược và tư duy khoa học nhạy bén, đồng chí Trường Chinh và Thường vụ Trung ương đã nhận định và phân tích chính xác tình hình, dự báo đúng diễn biến của thời cuộc, kịp thời chuyển hướng khẩu hiệu và phương pháp đấu tranh cách mạng, nhanh chóng dấy lên cao trào chống Nhật cứu nước, kịp thời nắm bắt thời cơ tiến tới Tổng khởi nghĩa, dẫn tới thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám. Những bài xã luận của đồng chí Trường Chinh trên báo Cờ Giải Phóng với lập luận sắc sảo, văn phong sáng sủa, súc tích, ngắn gọn, giàu tính chiến đấu cách mạng đã định hướng kịp thời và có sức động viên mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Đảng và nhân dân ta.
Những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền nhân dân non trẻ của ta giữa vòng vây của các thế lực hung bạo và xảo quyệt, thù trong giặc ngoài, ở thế ngàn cân treo sợi tóc, đồng chí Trường Chinh là một trong những cộng sự gần gũi và tin cậy của Bác Hồ lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh vượt qua bao sóng gió hiểm nguy, giữ vững chính quyền cách mạng, tranh thủ thời cơ chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân xâm lược Pháp. Dưới ngọn cờ yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo chủ yếu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí đã định hướng cho Đảng và nhân dân ta chiến đấu và vững tin vào thắng lợi cuối cùng. Và cuộc kháng chiến trường kỳ đã kết thúc bằng chiến công vang dội Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ, giải phóng hoàn toàn một nửa đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí đã thể hiện lập trường cách mạng kiên định dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và sát cánh cùng Tổng Bí thư Lê Duẩn, Bộ Chính trị Trung ương Đảng tổ chức và động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chiến đấu kiên cường, mưu trí sáng tạo đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Giữa năm 1986, đồng chí Lê Duẩn qua đời, đồng chí Trường Chinh đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhất trí cử làm Tổng Bí thư. Lúc này đất nước ta đang ở trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề. Đảng khẩn trương chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Dự thảo Báo cáo chính trị đã được gửi xuống các cấp lấy ý kiến. Nhưng đồng chí Trường Chinh, với tư duy lý luận sắc sảo và nhạy bén, với kinh nghiệm thực tiễn sống động của cơ sở và các địa phương, đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn thoát ra khỏi những quan niệm và nếp nghĩ quen thuộc cũ, chủ động đề xuất với Bộ Chính trị thảo luận, xem xét lại một số vấn đề trong đường lối kinh tế của Đảng. Đồng chí là người đề xướng công cuộc đổi mới với nội dung khá toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế. Những ý kiến của đồng chí Trường Chinh đã được sự nhất trí rất cao của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cơ sở đó, Báo cáo chính trị đã được sửa đổi, bổ sung khá cơ bản. Báo cáo chính trị do đồng chí Trường Chinh thay mặt Ban Chấp hành Trung ương trình bày trước Đại hội VI đã được toàn Đảng, toàn dân hân hoan đón nhận, tìm thấy ở đây con đường sáng tỏ giải phóng sức sản xuất, khai thác và phát huy mọi tiềm năng to lớn của nhân dân, đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và phát triển đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội VI của Đảng cuối năm 1986 đã đi vào lịch sử và là Đại hội Đổi mới, là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam với những thành tựu rất to lớn được nhân dân ta và các nước trên thế giới ca ngợi, đánh giá rất cao. Đồng chí làm Tổng Bí thư chưa đầy sáu tháng - tại Đại hội VI cuối năm 1986 vì tuổi cao sức yếu, đồng chí đã xin nghỉ - nhưng với việc đề xướng công cuộc đổi mới, đồng chí đã có thêm đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, của dân tộc ta.
Sau khi đồng chí Trường Chinh thôi giữ chức Tổng Bí thư, Đại hội đã cử đồng chí làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí lại được Bộ Chính trị cử làm Trưởng Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh, bản Cương lĩnh này đã được Đại hội lần thứ VII của Đảng thông qua. Đồng chí Trường Chinh là một người cộng sản làm việc đến hơi thở cuối cùng. Do đó, việc đồng chí đột ngột ra đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bè bạn quốc tế.
Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng của một người cộng sản mẫu mực, một chiến sĩ cách mạng kiên cường một lòng một dạ phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, một nhà lãnh đạo mácxít - Lênindit giàu bản lĩnh chính trị vững vàng kết hợp với tính năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Ở đồng chí nổi bật phong cách lãnh đạo sâu sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, có tính nguyên tắc, tôn trọng tập thể, tôn trọng tổ chức, dân chủ với cấp dưới, trung thực, chân thành với đồng chí, đồng đội. Đồng chí có tác phong và lối làm việc cần cù, chu đáo, cẩn thận đến từng chi tiết. Trong suốt cuộc đời mình, đồng chí đã nêu một tấm gương sáng về lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Do đó, đồng chí được đông đảo nhân dân và cán bộ, đảng viên yêu mến, kính phục.
Đối với chúng tôi, lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của các bậc tiền bối, đồng chí Trường Chinh, dưới nhiều bí danh khác nhau ở mỗi thời điểm trong thời kỳ bí mật và kháng chiến vẫn là anh Phương, anh Nhân, anh Thận, anh Năm cởi mở, chân tình, thân thiết.
Hình ảnh đồng chí Trường Chinh sống mãi trong sự nghiệp cách mạng chung của Đảng, của dân tộc ta. Tấm gương của đồng chí luôn cổ vũ, động viên chúng ta trong cuộc trường chinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.