Đồng chí Trường Chinh - Người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta (Kỳ 2)

02:11, 29/11/2016

[links()]

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP

(Tiếp theo)

    Trong kháng chiến chống Mỹ, với cương vị là Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi sau là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, anh Trường Chinh đã có công lao to lớn là góp phần vào việc soạn thảo và đưa ra những quyết sách chiến lược nhằm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi tới thắng lợi hoàn toàn. Nói riêng về mặt quân sự, anh có những ý kiến đóng góp rất xuất sắc.

    Điểm thứ ba, tôi muốn nói tới những cống hiến của anh Trường Chinh vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

    Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta có những lúc xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh, xa rời thực tiễn, do vậy đến những năm 1980, tình hình càng ngày càng khó khăn. Lúc đó, thực tiễn đặt ra yêu cầu phải đổi mới. Ở các địa phương bắt đầu có những tìm tòi thử nghiệm. Anh Trường Chinh đã theo dõi sát tình hình, đi vào thực tiễn, đi xuống cơ sở ở một số tỉnh phía Nam. Trong một cuộc nói chuyện ở Hà Nội, anh Trường Chinh đã kết luận: Hiện nay, nhiều báo cáo không đúng sự thật, Đảng ta phải cứu lấy giai cấp công nhân; muốn thế, nhất định phải đổi mới. Đổi mới là yêu cầu bức thiết, đổi mới là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Anh nhấn mạnh: Nếu không đổi mới thì sẽ đi vào ngõ cụt.

    Lúc đầu, ý kiến còn khác nhau. Cuộc đấu tranh trong nội bộ không phải là bình thường. Sau khi xem bản Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI, anh Trường Chinh đã không tán thành và đề nghị dự thảo lại lần thứ hai. Căn cứ theo tình hình lúc bấy giờ, anh đi đến nhận định: Chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong lãnh đạo kinh tế, sai lầm về chỉ đạo chiến lược, về tổ chức thực hiện và chính sách cụ thể thôi. Vì vậy phải đổi mới, đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, phải chấp nhận nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần phục vụ cho chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, chúng ta rất phấn khởi trước sự thành công của đổi mới.

    Tôi thấy đây là một quan điểm rất sáng suốt, từ thực tiễn mà đúc kết ra. Anh Trường Chinh thường nói: Ta phải nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, phải từ thực tiễn khái quát thành lý luận. Từ đó, anh đề ra mấy bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học “lấy dân làm gốc”, phải “tôn trọng quy luật”, hành động theo quy luật. Đó chính là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, trở lại cách vận dụng tư tưởng Mác như Hồ Chí Minh đã vận dụng.

    Tiếp đó, Đại hội VII đã khẳng định: “Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động”. Sau này, anh Nguyễn Văn Linh có nói: Đại hội VII của Đảng đã tiến thêm một bước trong nhận thức và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sông.

    Đối với Cách mạng Tháng Tám, sự nghiệp kháng chiến, công cuộc đổi mới, đồng chí Trường Chinh đã có những cống hiến lớn. Đồng chí là một nhà lý luận có kiến thức toàn diện, không những coi trọng vấn đề lý luận và chính trị mà cả vấn đề kinh tế - văn hoá, coi trọng vấn đề xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất. Đồng chí Trường Chinh đã đưa ra Đề cương Văn hoá Việt Nam nổi tiếng với nội dung: dân tộc, khoa học và đại chúng . Đề cương ấy đã có tác dụng lớn đối với sự phát triển của nền văn hoá cách mạng nước ta. Đồng chí là một nhà văn, nhà báo lớn, một người đã viết nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, không phải đồng chí Trường Chinh không có những khuyết điểm và sai lầm. Là người trực tiếp chỉ đạo công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, đồng chí đã nghiêm chỉnh tự phê bình về sai lầm nghiêm trọng của Đảng và của bản thân, tự nguyện rút khỏi chức vụ Tổng Bí thư và đã góp ý kiến khách quan vào công tác sửa sai, giữ vững sự đoàn kết trong nội bộ Bộ Chính trị. Cũng như về sau, khi đã thấy khoán hộ là đúng đắn thì đồng chí đã công khai nhận sai lầm khi phê bình đồng chí Kim Ngọc và Tỉnh ủy Vĩnh Phú.

    Nhìn chung lại, đồng chí Trường Chinh là một nhà lý luận nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn nắm vững quan điểm thực tiễn của chủ nghĩa duy vật biện chứng, từ thực tiễn mà tìm ra chân lý, góp phần xây dựng đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng. Đồng chí là người có tinh thần chí công vô tư, luôn coi trọng chân lý, không hề chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, đoàn kết lãnh đạo, đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân. Đồng chí là một người cộng sản mẫu mực, một nhà lãnh đạo lớn của cách mạng nước ta, hai lần làm Tổng Bí thư, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com