Tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội (1991-1996) - Kỳ 13

03:11, 24/11/2016

[links()]

                                                                                    (Tiếp theo)

    Quán triệt các nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng đảng, đổi mới, chỉnh đốn đảng, tỉnh tổ chức thực hiện Đề án số 79 về đổi mới công tác cán bộ, tập trung chăm lo củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; đánh giá lại đội ngũ cán bộ chủ chốt theo ba khối (khối huyện, thị; khối các cơ quan quản lý nhà nước và khối các cơ quan đảng, đoàn thể). Trên cơ sở đánh giá, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch quản lý, củng cố, bố trí, sắp xếp, đưa đi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách chủ động, thiết thực. Tỉnh đã bố trí 318/353 bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân ở ba cấp (tỉnh; huyện; xã, phường). Qua nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ (150 đồng chí giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành, 646 đồng chí trưởng, phó phòng cấp huyện), số hoàn thành nhiệm vụ, có khả năng phát triển vươn lên chiếm 65%. Bổ nhiệm mới 69% chủ tịch ủy ban nhân dân huyện và 18% chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường.

    Việc thực hiện các chế độ, chính sách cán bộ, nhất là đối với cán bộ có công với cách mạng, cán bộ hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cán bộ cơ sở, đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm đã có chuyển biến. Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 30-9-1993 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đã lựa chọn và xây dựng quy hoạch cán bộ dự bị cho địa phương, đơn vị mình. Nhiều cấp ủy quan tâm tổ chức đào tạo cán bộ, nhất là bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ bí thư chi bộ thôn, xóm. Việc bồi dưỡng cán bộ còn được tổ chức thông qua các đợt thi chọn bí thư chi bộ giỏi ở các cấp.

    Đảng bộ còn tập trung chỉ đạo về công tác đảng viên; chỉnh đốn, giáo dục, bồi dưỡng và phát triển đảng viên mới. Trên cơ sở tổ chức phân tích 6 nội dung về chất lượng đảng viên, Đảng bộ gắn với việc liên hệ kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị. Trong các đợt kiểm điểm hằng năm, số đông đảng viên phấn đấu tốt, một số lớn đã khắc phục những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, thoái hoá biến chất, giảm sút ý chí chiến đấu. Điều đáng quan tâm là sự phân hoá giàu nghèo bắt đầu diễn ra ở ngay trong nội bộ Đảng (có khoảng 14,1% đảng viên ở dạng nghèo đói).

    Tổ chức thực hiện Đề án “Về tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong tình hình mới", Tỉnh ủy chú trọng tổ chức quán triệt những định hướng tư tưởng của Trung ương cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đồng thời bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ lý luận, đổi mới phương pháp giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tỉnh chỉ đạo kiện toàn, sắp xếp lại hệ thống trường đảng cấp huyện, cấp tỉnh, đẩy mạnh công tác phổ cập lý luận. Ngày 19-10-1995, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông báo số 269-TB/TU về việc thành lập trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố, thị xã. Các trung tâm bồi dưỡng chính trị chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy và sự quản lý của ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã. Trong công tác giáo dục, coi trọng việc giáo dục ý chí kiên định con đường, mục tiêu xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, phủ định quá khứ, tâm trạng hoài nghi, bi quan; khẳng định tư tưởng quyết tâm lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, chính sách về mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

    Thực hiện đổi mới công tác tư tưởng, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, các ban, ngành bố trí đội ngũ, hình thức và phương pháp công tác tư tưởng sát hợp từng đối tượng, mở rộng dân chủ, nâng cao chất lượng báo địa phương, bản tin thông báo nội bộ, hoạt động báo cáo viên, thông tin thời sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Tháng 12-1992, Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành đợt nghiên cứu xã hội học về thực trạng cơ cấu xã hội và hiệu quả của truyền thông đại chúng tại Nam Hà (đợt nghiên cứu được thực hiện phối hợp với Học viện Nguyễn Ái Quốc) để thấy rõ thực trạng cơ cấu xã hội trên các khía cạnh xã hội, giai cấp lao động, nghề nghiệp, dân cư, dân số... và hiệu quả công tác truyền thông đại chúng đến các nhóm dân cư. Kết quả nghiên cứu giúp Trung ương có cơ sở khoa học đề ra những chính sách, chủ trương về kinh tế - xã hội phù hợp với sự đổi mới, đồng thời để Tỉnh ủy có căn cứ chỉ đạo tăng cường, nâng cao chất lượng truyền thông đại chúng của tỉnh.

    Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng. Trong nhiệm kỳ, tỉnh đã kiểm tra 3.602 tổ chức đảng và 99.414 lượt đảng viên về chấp hành nguyên tắc sinh hoạt, giữ gìn phẩm chất và thực hiện quy chế làm việc. Tỉnh ủy đã chỉ đạo kiểm tra theo chuyên đề ở một số ngành kinh tế và các viện kiểm sát nhân dân trong tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị. Công tác kiểm tra tập trung giải quyết các tổ chức yếu kém, khắc phục từng bước những mặt yếu của tổ chức đảng, của cấp ủy trong việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, ngăn ngừa những sai phạm về kỷ luật đảng.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com