[links()]
(Tiếp theo)
Qua đại hội đảng bộ các cấp (vòng 2), tổ chức bộ máy được kiện toàn, đội ngũ cán bộ có cơ cấu hợp lý. Thông qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế các cơ quan, đơn vị, sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và đoàn thể. Tỉnh ủy yêu cầu đến hết năm 1991 giảm được 20% biên chế so với năm 1990. Song trong công tác cán bộ, đặc biệt là việc chuẩn bị nhân sự đại hội, một số địa phương làm chưa tốt nên tỉ lệ nhân sự trẻ tuổi và nữ đều giảm.
Thời điểm này, do tác động từ sự tan vỡ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô nên tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có những diễn biến phức tạp, kể cả biểu hiện hoài nghi, dao động trong lập trường tư tưởng. Tỉnh ủy đã có những biện pháp chủ động, tích cực khắc phục tình hình đó, tập trung lãnh đạo các địa phương, đơn vị khắc phục mọi khó khăn, thử thách, ổn định tư tưởng. Tỉnh tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 93-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về những chủ trương, biện pháp cấp bách về sản xuất và đời sống; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về công tác đổi mới tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp; tăng cường quản lý, khuyến khích phát triển đối với các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh; chấn chỉnh, tổ chức lại sản xuất kinh doanh trong khu vực kinh tế quốc doanh.
Để phát huy vai trò, tác dụng của cấp thôn, đội, ngày 24-11-1991, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo triển khai về tổ chức quy mô thôn. Thôn được xác định là khu vực dân cư, là “cánh tay nối dài” của chính quyền xã, nhưng thôn không phải là một cấp quản lý hành chính nhà nước. Trên cơ sở địa giới hành chính thôn, thành lập các tổ chức chi bộ đảng, đội sản xuất của hợp tác xã, chi hội các đoàn thể. Ba chức danh chính của thôn là bí thư chi bộ, trưởng thôn và đội trưởng sản xuất được hưởng phụ cấp. Việc lập quy mô thôn (xóm, làng) là phù hợp với chủ trương cải cách hành chính của Nhà nước và chủ trương đổi mới, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.
Nhằm đổi mới quản lý hợp tác xã nông nghiệp, sau khi làm thử ở 4 điểm tại hai huyện Xuân Thuỷ, Ý Yên, từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 11-1991, Tỉnh ủy chỉ đạo làm thử đợt 2. Nội dung chính là giải tán các đội chuyên trong hợp tác xã, tinh giản bộ máy hợp tác xã tới 60%, thành lập các đội sản xuất theo địa bàn của từng thôn. Ruộng đất được giao lại cho từng khẩu trong mỗi hộ. Những người sinh sống bằng nghề nông được chia ruộng đều bằng nhau. Hộ sản xuất chịu trách nhiệm về sản phẩm cuối cùng, hợp tác xã đảm nhận các khâu dịch vụ thuỷ lợi, giống, phân bón, bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở kết quả hai đợt làm thử về đổi mới tổ chức quản lý các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo làm thử đợt 3, thời gian từ ngày 16-11-1991 đến hết tháng 2-1992. Nội dung chính trong làm thử đợt 3 (ngoài nội dung hai đợt trước) là gắn đổi mới tổ chức quản lý hợp tác xã với phát triển nông nghiệp, nông thôn mới; giảm quỹ hợp tác xã từ chiếm 10% sản lượng xuống còn 5% sản lượng. Số hợp tác xã được làm thử trong đợt 3 gồm 58 hợp tác xã trong 39 xã của 13 huyện, thành, thị. Tỉnh mở lớp tập huấn về phương pháp, phổ biến kinh nghiệm ở các hợp tác xã, tiến hành đổi mới cho các cán bộ huyện để về triển khai tại địa phương. Những nội dung đổi mới quản lý hợp tác xã đợt 3 được nhân dân phấn khởi hưởng ứng, nên chỉ sau một thời gian ngắn, các nội dung của ba đợt triển khai đều được hoàn tất. Từ kinh nghiệm đó, Tỉnh ủy đã tổng kết và hướng dẫn nhân ra diện rộng, đạt kết quả tốt.
Cùng với việc đổi mới quản lý hợp tác xã, nhằm khắc phục những khó khăn trong vụ chiêm xuân do thời tiết diễn biến phức tạp, sâu bệnh phá hoại làm cho năng suất, sản lượng lúa giảm sút nghiêm trọng, thực hiện Nghị quyết số 93-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh phát động phong trào thi đua trong toàn tỉnh nhằm mục tiêu mở rộng diện tích màu và lúa mùa, tích cực thâm canh giành thắng lợi cả vụ mùa và vụ đông để bù lại thiệt hại trong vụ chiêm xuân. Kết quả: diện tích gieo trồng năm 1991 tăng 4% so với năm 1990, trong đó diện tích lúa tăng 3%, màu tăng 12,6%. Năng suất lúa cả năm đạt 61,1 tạ/ha. Huyện Hải Hậu đạt năng suất cao nhất (97 tạ/ha). Toàn tỉnh có 29 hợp tác xã đạt năng suất lúa trên 100 tạ/ha. Mặc dù sản lượng lương thực vụ chiêm xuân giảm song tổng sản lượng quy thóc cả năm vẫn đạt 996,5 ngàn tấn. Lương thực bình quân đầu người đạt 303kg/người/năm; giá trị sản lượng nông nghiệp bằng 93% so với năm 1990.
Lĩnh vực chăn nuôi có phần sa sút, tổng đàn lợn giảm 2,6%, trong đó đàn lợn nái giảm 12%. Sản lượng đánh bắt cá biển, cá nước ngọt và sản xuất muối đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tuy vậy, việc tổ chức nghề cá chưa được quan tâm đúng mức.
Các đơn vị nông trường, trạm trại quốc doanh từng bước đi vào ổn định sản xuất. Việc đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới trong và ngoài tỉnh đều hoàn thành vượt mức kế hoạch cả về số khẩu và lao động.
(Còn nữa)