[links()]
Năm 1991, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, Liên Xô, thành trì của chủ nghĩa xã hội và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ; chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào, trật tự thế giới bị đảo lộn. Tình hình chính trị thế giới đã tác động mạnh đến nước ta, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đứng trước thử thách lớn. Trong khi đó, nước ta vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trật tự kỷ cương xã hội diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh hoạt động chống phá Việt Nam về mọi mặt, tăng cường chiến lược "diễn biến hoà bình", âm mưu xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đế quốc Mỹ vẫn duy trì chính sách cấm vận, ngăn cản các nước, các tổ chức quốc tế quan hệ, hợp tác với Việt Nam. Tình hình trên đã tác động sâu sắc đến tâm tư tình cảm, đến mọi mặt đời sống của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng.
Thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, quý I năm 1991, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ cơ sở. Đến đầu tháng 2-1991, toàn tỉnh có 1.886 tổ chức cơ sở đảng tiến hành xong đại hội.
Sau khi chỉ đạo hoàn thành đại hội đảng bộ ở cơ sở, Tỉnh ủy chọn và trực tiếp chỉ đạo đại hội điểm tại Đảng bộ huyện Vụ Bản để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung đại hội cấp huyện, thành và đảng bộ trực thuộc. Trong vòng 15 ngày (20-3-1991 đến 6-4-1991), 20 đảng bộ huyện, thành và 6 đảng bộ trực thuộc đã hoàn thành tốt việc tổ chức đại hội.
Từ ngày 23 đến ngày 26-4-1991, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ V (vòng 1) diễn ra tại thành phố Nam Định, có 499 đại biểu chính thức và các đồng chí đại biểu Trung ương được Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu về ứng cử dự Đại hội. Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, ủy viên Bộ Chính trị về dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội tập trung thảo luận và thống nhất ý kiến đóng góp vào các văn kiện dự thảo của Trung ương trình Đại hội VII, bầu 41 đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, trong đó có 4 đồng chí do Trung ương giới thiệu về ứng cử. Đại hội thông qua chương trình hành động, phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết cách mạng, phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước năm 1991.
Tháng 6-1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000.
Sau đại hội vòng 1, Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo đảng bộ các cấp tiến hành đại hội vòng 2. Các cấp ủy đã chỉ đạo chuẩn bị văn kiện và nhân sự đại hội với tinh thần phát huy dân chủ, kết tinh trí tuệ của tập thể. Văn kiện đại hội đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng ưu, khuyết điểm, rút ra những bài học cho việc lãnh đạo chỉ đạo trong thời gian tới. Phương hướng, nhiệm vụ do các đại hội đề ra sát hợp với tình hình địa phương, đơn vị, đảm bảo tính khả thi. Về nhân sự, các cấp ủy chuẩn bị theo yêu cầu tiêu chuẩn quy định. Đến tháng 10-1991, các huyện, thành, thị và đảng bộ trực thuộc đã hoàn thành Đại hội Đảng bộ vòng 2. Nhưng đến cuối năm 1991, tại kỳ họp thứ X Quốc hội khoá VIII đã quyết định chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Do đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ V (vòng 2) được Trung ương chỉ đạo dừng lại.
Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ năm 1991 là lãnh đạo tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII thành công, Đảng bộ tập trung cho công tác học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội VII tới đảng viên và quần chúng; tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 về nhiệm vụ và giải pháp ổn định phát triển kinh tế - xã hội trong những năm 1992-1995; kết luận của Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc sửa đổi Hiến pháp, cải cách một bước bộ máy Nhà nước và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, thông qua việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội VII, cán bộ, đảng viên yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000.
(Còn nữa)