Phố Trần Đạo Tái dài 109m, rộng 13m, có địa giới từ phố Trần Đình Thâm đến phố Trần Duệ Tông thuộc Khu đô thị Thống Nhất (TP Nam Định). Trần Đạo Tái (?), quê Tức Mặc, Thiên Trường, nay là phường Lộc Vượng, Thành phố Nam Định. Ông là con Thái sư Trần Quang Khải, cháu vua Trần Thái Tông, được triều đình phong tước Văn túc vương. Là người nổi tiếng thông minh, lại có tài văn chương, Trần Đạo Tái được vua quan nhà Trần đặc biệt quý mến. Sử chép ông đậu Bảng nhãn lúc mới 14 tuổi, được Thượng hoàng Trần Nhân Tông (1279-1307) cho vào Điện Dưỡng Đức cùng ăn cơm với mình.
Trần Đạo Tái không những là người có học vấn mà còn là nhà quân sự, một tướng cầm quân, theo Trần Bảy trong “Nổi trống Triều Trần” thì: Cuối tháng Giêng năm Ất Dậu (1285), giặc Nguyên từ đất Chiêm Thành (đất Quảng Trị ngày nay trở vào) tiến ra phía Nam Đại Việt, chúng lần lượt đánh chiếm các châu lộ Bố Chính, Hoan, Diễn và Thanh Hoá. Tỉnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang và Trần Kiện (con thứ của Quốc Khang) đang trấn giữ vùng Châu Hoan, Châu Ái (Thanh Hoá - Nghệ An). Vua Trần và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn không yên lòng, nên đã điều thêm đạo quân của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật vào tăng viện. Khi đạo quân của Trần Nhật Duật chưa vào tới nơi thì Trần Kiện đã mang gia quyến chạy đi đầu hàng giặc và dẫn đường cho quân giặc tiến đánh Vệ Bố và Phú Tân (thuộc Thanh Hoá), khiến cho mặt trận phía Nam hết sức phức tạp. Sau nhờ có đạo quân của Chiêu Minh Vương - Trần Quang Khải vào mới xoay chuyển tình thế, khiến cho quân giặc phải bối rối. Mặc dù vậy, các cánh quân của Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Văn Túc Vương - Trần Đạo Tái, Tả Thiên Vương - Trần Đức Hiệp đều phải rút lui ra Trường Yên (Ninh Bình). Đương thời Trần Đạo Tái sáng tác nhiều thơ văn và là nhà thơ tiêu biểu thời Trần./.
Minh Thuận