[links()]
(Tiếp theo)
Công đoàn các cấp phối hợp với chính quyền tổ chức phong trào quần chúng thi đua thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội và xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, nổi bật là phong trào Lao động giỏi. Trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý mới, nhiều công đoàn cơ sở đã tham gia phương án sắp xếp lại sản xuất, phân loại lao động. Ở khu vực sản xuất kinh doanh, nhiều công đoàn cơ sở tích cực phối hợp với giám đốc tìm mọi biện pháp bảo đảm việc làm, mở rộng các hình thức trả lương sản phẩm, lương khoán, lương doanh số để ổn định thu nhập của công nhân viên chức. Nhiều công đoàn cơ sở đã hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên phát triển kinh tế phụ gia đình như tăng gia, chăn nuôi, gia công hàng hóa, tổ chức dịch vụ... tạo thêm thu nhập chính đáng cho người lao động.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh không ngừng lớn mạnh, phát triển về số lượng và chất lượng, đã từng bước vận động để thích ứng với cơ chế mới. Ngày 26-6-1987, Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ IV được tiến hành. Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ của công tác đoàn và phong trào thanh niên trong nhiệm kỳ 1987-1990. Sau Đại hội, Tỉnh đoàn phát động phong trào Xây dựng chi đoàn vững mạnh, tổ chức các cuộc thi Bí thư đoàn giỏi, Chi đội trưởng giỏi, Phụ trách đoàn giỏi... tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong toàn Đoàn, thu hút hàng chục ngàn cán bộ, đoàn viên tham gia. Phong trào thanh niên trong tỉnh đã chuyển hướng hoạt động để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới, tập trung vận động đoàn viên, thanh niên làm kinh tế, tự giải quyết việc làm và đời sống như phong trào Thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi trong thanh niên nông thôn. Năm 1990, có 940 công trình thanh niên, tiêu biểu là công trình Đắp 1 triệu mét khối đất đê, Trồng 2 triệu cây mùa xuân, Cứu 2.700 ha lúa bị ngập úng... Thanh niên công nhân có phong trào Tổ sản xuất thanh niên, hội thi Tay nghề thanh niên, Xây dựng nếp sống văn hoá mới.. Trong thanh niên cán bộ, viên chức có phong trào Lao động trẻ giỏi... Mặt trận an ninh – quốc phòng hằng năm đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân, góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến dịch 135 của ngành công an. Trong 5 năm 1986-1990, tổ chức đoàn đã giới thiệu 8.853 đoàn viên ưu tú dự lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đảng (lớp đối tượng) và đã có 6.510 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng, chiếm 64,1% tổng số đảng viên mới kết nạp.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh thực hiện hai cuộc vận động: Giúp nhau làm kinh tế gia đình và nuôi dạy con, và Sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ. Ngày 13-4-1987, Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ IV được tiến hành. Đại hội xác định phương hướng nhiệm vụ của Hội từ năm 1987 đến năm 1991. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã đoàn kết, động viên chị em nỗ lực vươn lên cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội với nhiều hình thức như: Giúp vốn hoặc tín chấp cho chị em vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, dịch vụ, làm kinh tế gia đình; tích cực tham gia cuộc vận động Kế hoạch hoá gia đình... Công tác hội có nhiều đổi mới, thu hút trên 80% phụ nữ trong tỉnh tham gia sinh hoạt. Nhiều chị em làm cán bộ hội đã trưởng thành, được bầu vào cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp. Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 1989-1994 có tỷ lệ đại biểu nữ là 14,14%; hội đồng nhân dân huyện có tỷ lệ đại biểu nữ là 28,64%; hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn có tỷ lệ đại biểu nữ là 18,40%.
Hội Nông dân tỉnh tập trung vào việc giáo dục, động viên nông dân thực hiện cơ chế khoán mới, khai thác mọi tiềm năng về vốn, vật tư, đất đai để thâm canh tăng năng suất trồng trọt và chăn nuôi. Hội lấy việc phát triển kinh tế gia đình để thúc đẩy sản xuất hàng hoá; mở các lớp tập huấn phổ biến kinh nghiệm thâm canh và mở rộng diện tích vụ đông, tổ chức hội nghị biểu dương những nông dân sản xuất giỏi, những đơn vị thâm canh tốt. Đến năm 1990, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, xuất hiện hàng trăm gia đình làm ăn giỏi. Phong trào xây dựng hội ở cơ sở xã, thị trấn được tăng cường, thu hút hầu hết nông dân vào tổ chức Hội.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, ngày 22-3-1990, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 720-QĐ/TU về việc thành lập Hội Cựu chiến binh tỉnh. Đến cuối năm 1990, hoạt động của tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở đã bước đầu đi vào nền nếp, là chỗ dựa tin cậy của tổ chức đảng và chính quyền. Vai trò và vị thế của Hội ngày càng được phát huy và nâng cao.
Năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh đã nỗ lực phấn đấu, mạnh dạn đổi mối, quyết tâm xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hoạt động kinh tế của tỉnh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đã thu được những thắng lợi bước đầu rất quan trọng từng bước hình thành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư có sự chuyển biến theo hướng giải phóng các năng lực sản xuất, tập trung vào 4 chương trình kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả tích cực, có mặt đạt khá, nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm. Đời sống của nhân dân tuy có nhiều khó khăn nhưng đã từng bước ổn định và có một bộ phận được cải thiện, góp phần cùng cả nước vượt qua thời kỳ suy giảm trầm trọng về kinh tế, giữ vững ổn định chính trị trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có diễn biến phức tạp; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Công tác quân sự địa phương được đẩy mạnh. Sinh hoạt dân chủ trong Đảng và trong nhân dân bước đầu được mở rộng. Hoạt động của tổ chức đảng gắn với nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương từng bước được đổi mới theo hướng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò quản lý, điều hành của chính quyền, chú trọng phong trào cách mạng của quần chúng thông qua hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.
Tuy nhiên, đây là chặng đường đầu trong công cuộc đổi mới của Đảng, các nhân tố cũ và mới còn đan xen, mâu thuẫn nhau gay gắt; chủ trương, chính sách mới đang ở bước đầu triển khai, chưa phát huy đầy đủ tác dụng; cách nghĩ, cách làm, lối sống của thời bao cấp kéo dài vẫn còn nặng nề, nên những kết quả đạt được chưa nhiều, chưa vững chắc. Mặc dù vậy, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam Ninh đã tích luỹ được một số kinh nghiệm quý, tạo ra những tiền đề cần thiết để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn, vững tin hơn trong những năm tiếp theo.