Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, thực hiện và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng (1986-1990) - Kỳ 16

03:09, 27/09/2016

[links()]

 (Tiếp theo)

    Ngày 23-1-1987, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 01-CT/TU về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VIII và hội đồng nhân dân hai cấp huyện, xã tương đương. Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 19-4-1987, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VIII và đại biểu hội đồng nhân dân hai cấp huyện, xã và tương đương diễn ra dân chủ, an toàn và đúng luật; lựa chọn được những đại biểu đủ tiêu chuẩn bầu vào Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, ngày 17-6-1987.
Khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, ngày 17-6-1987.

    Thực hiện Chỉ thị số 53 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định của Hội đồng Nhà nước, ngày 28-8-1989 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 23-CT/TU về lãnh đạo cuộc bầu cử hội đồng nhân dân ba cấp nhiệm kỳ 1989-1994. Chỉ thị nêu rõ: Lãnh đạo cuộc bầu cử lần này phải quán triệt tinh thần đối mới của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, phát huy mạnh mẽ quyần làm chủ của nhân dân, kiện toàn thường trực hội đồing nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp. Sau quá trình tìm hiểu, giới thiệu ứng cử viên và hiệp thương theo luật  định, ngày 19-11-1989, có 99,20% cử tri trong toàn tỉnh đi bỏ phiếu bầu đại biểu hội đồng nhân dân ba cấp. Cuộc bầu cử diễn ra an toàn, dân chủ, đổi mới, đúng luật và thành công tốt đẹp ở tất cả các điểm bỏ phiếu. Cử tri trong tỉnh đã lựa chọn được 99/100 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; 878/884 đại biểu hội đồng nhân dân huyện, thành phố, thị xã; 14.384/14.609 đại biểu hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn. Sau bầu cử, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp từ tỉnh đến xã phường, thị trấn nhanh chóng được kiện toàn và đi vào hoạt động theo Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Hội đồng nhân dân tỉnh lần đầu tiên có cơ quan hội đồng chuyên trách. Tại phiên họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng chí Trần Văn Truyền - ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được bầu làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng chí Đặng Khôi - ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.

    Trong nhiệm kỳ 1989-1994, hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp có chuyển biến tích cực theo hướng phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đại biểu hội đồng nhân dân. Các kỳ họp của hội đồng nhân dân đã bàn và quyết định những vấn đề thiết thực, trọng yếu có liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương. Đại biểu hội đồng nhân dân đã gần gũi, gắn bó với cử tri, tập hợp được những ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị của cử tri; thông báo kịp thời tới cử tri những hoạt động và nghị quyết của hội đồng nhân dân để cử tri thực hiện và giám sát hoạt động của hội đồng nhân dân.

    Ủy ban nhân dân các cấp từng bước đổi mới việc quản lý và điều hành; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành triệt để những chỉ thị, quy định của cấp trên, cụ thể hoá nghị quyết của cấp ủy đảng thành chương trình, kế hoạch và những biện pháp thực hiện. Qua thực tế hoạt động, vai trò và hiệu lực của chính quyền các cấp được nâng cao. Nét nổi bật của thời kỳ này là ủy ban nhân dân các cấp đã thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu tố; điều hành và quản lý nhà nước bằng pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; bước đầu phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng sản xuất kinh doanh. Các ngành thanh tra và cơ quan pháp luật có nhiều cố gắng trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, phối kết hợp chặt chẽ trong cuộc đấu tranh chống tội phạm, chống tiêu cực, chống buôn lậu. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là chủ tịch, phó chủ tịch các xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế bằng pháp luật. Do đó, hiệu lực của các cấp chính quyền được nâng lên qua việc ban hành các quyết định, quy định trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và kết quả thực hiện những quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên.

    Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có những chuyền biến tích cực.

    Mặt trận Tổ quốc đã xây dựng mạng lưới rộng khắp đến cơ sở, Ban công tác Mặt trận được thành lập ở các cụm dân cư và thôn, xóm, tổ dân phố; nhiều nơi, dưới Ban công tác Mặt trận còn có Tổ công tác Mặt trận, nhóm tình nghĩa, tổ hoà giải. Mặt trận các cấp có nhiều cố gắng trong việc vận dụng và tổ chức thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Đảng và chính quyền, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thực hiện đường lối đổi mới kinh tế của Đảng, Mặt trận các cấp tích cực vận động nhân dân tự bỏ vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, phát triển dịch vụ, phát triển kinh tế VAC (vườn, ao, chuồng), mở doanh nghiệp tư nhân... Nét nổi bật trong sinh hoạt của Mặt trận ở cơ sở là vận động, tổ chức đời sống xã hội ở khu dân cư như: sửa sang đường sá, giữ gìn vệ sinh công cộng, hoà giải nội bộ, thực hiện nếp sống mới, xây dựng quỹ bảo thọ chăm sóc người già, tổ chức phong trào Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, vận động xây dựng các Nhà tình nghĩa...

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com