Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, thực hiện và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng (1986-1990) - Kỳ 14

03:09, 20/09/2016

[links()]

 (Tiếp theo)

    Để nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, năm 1987, Trung ương Đảng chủ trương tiếp tục triển khai công tác xây dựng đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Ngày 12-9-1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 10-11-1987, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 12-NQ/TU về kế hoạch thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị về cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Quá trình nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đều nhất trí cao với chủ trương của Đảng và cho rằng đây thực sự là một cuộc vận động lớn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.

Lễ ra quân chiến dịch 135 thực hiện Chỉ thị 135-CT/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội năm 1989.
Lễ ra quân chiến dịch 135 thực hiện Chỉ thị 135-CT/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về công tác bảo vệ trật tự an toàn xã hội năm 1989.

    Công tác tiếp nhận đơn, thư khiếu tố của quần chúng được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt coi trọng, giải quyết và trả lời cụ thể từng vụ việc có liên quan đến từng đối tượng. Từ tỉnh đến các huyện, thành thị và đảng ủy trực thuộc đã tổ chức rà soát lại đội ngũ cán bộ, đảng viên và lập danh sách những cán bộ, đảng viên có liên quan trong đơn thư khiếu tố của quần chúng. Thực tế cho thấy số cán bộ, đảng viên có những vi phạm phải xem xét, xử lý không nhiều, nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, sự trong sạch trong bộ máy quản lý nhà nước, vì vậy đòi hỏi phải được xem xét, xử lý nghiêm minh, kịp thời. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các cấp uỷ đảng đã tích cực, tập trung lực lượng kiên quyết giải quyết những vụ việc chưa được kết luận. Chỉ trong một thời gian ngắn, các cấp ủy đã xem xét và giải quyết 50 cán bộ có sai phạm thuộc diện tỉnh quản lý, 313 cán bộ có sai phạm thuộc diện huyện quản lý và 80% cán bộ có sai phạm thuộc diện cơ sở quản lý. Chấp hành Chỉ thị 21 của Ban Bí thư về tiến hành đợt tự phê bình và phê bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thành, thị ủy và đảng ủy trực thuộc tổ chức đợt tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc. Nội dung kiểm điểm cá nhân đã chú trọng đến lập trường, quan điểm, nhận thức tư tương về đường lối đổi mới, gắn với tinh thần trách nhiệm, tác phong, lối sống... Cuộc vận động theo Nghị quyết 04 của Bộ Chính trị và đợt tự phê bình và phê bình theo Chỉ thị 21 của Ban Bí thư thực sự trở thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn cả trong Đảng và ngoài xã hội, có tác dụng cảnh tỉnh và ngăn chặn sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, sự trong sạch trong bộ máy quản lý nhà nước và làm lành mạnh hoá các mối quan hệ xã hội; tạo nên sự đoàn kết thống nhất cao trong Đảng và trong nhân dân. Tinh thần trách nhiệm và khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành, các địa phương được nâng lên một bước.

    Tháng 3-1990, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) thông qua 2 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 8A về tình hình các nước xã hội chủ nghĩa, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta và Nghị quyết 8B về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, ngày 30-8-1990, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 27-NQ/TU về tăng cường công tác tư tương trong tình hình hiện nay. Nghị quyết nhấn mạnh: Công tác tư tưởng phải bám sát tình hình thực tiễn, góp phần phát hiện và giải quyết những vấn đề nóng bỏng của tỉnh, tạo không khí đoàn kết, nhất trí, dân và Đảng một lòng, giữ vững ổn định chính trị, đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc công cuộc đổi mối, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ giữa Đảng với nhân dân... Quán triệt các nghị quyết Trung ương và nghị quyết của Tỉnh ủy, công tác chính trị, tư tưởng của Đảng bộ được đổi mới và nâng cao một bước, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã chú trọng cổ vũ các nhân tố mới, phổ biến sâu rộng những kinh nghiệm hay trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, đồng thời cũng thẳng thắn phê phán những quan điểm, nhận thức sai trái lệch lạc; lên án mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc đường lối đổi mới, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng... Công tác tư tưởng thực sự góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của địa phương, giữ vững ổn định chính trị để thực hiện có hiệu quả các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com