Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, thực hiện và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng (1986-1990) - Kỳ 11

03:09, 08/09/2016

[links()]

 (Tiếp theo)

    Là tỉnh nông nghiệp, có dân số đông, bước vào thời đổi mới, vấn đề giải quyết việc làm và đời sống là vấn đề bức xúc được tỉnh đặc biệt coi trọng. Ngày 24-2-1986, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 36-NQ/TU về việc phân bố lao động và dân cư trên địa bàn tỉnh. Triển khai nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đã vận dụng cơ chế, chính sách mới, chú ý phát triển các thành phần kinh tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động, không hạn chế tư nhân sử dụng lao động. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, công nhân thực hiện Quyết định số 176 của Hội đồng Bộ trưởng đã tự mình tạo ra việc làm mới, tăng thêm thu nhập cho gia đình và góp phần giải quyết khó khăn cho xã hội. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới được đẩy mạnh. Cấp ủy và chính quyền cơ sở đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch cấp trên giao. Trong 5 năm 1986-1990, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 5 vạn lao động, trong đó có gần 3 vạn lao động đi xây dựng các vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Quảng Ninh... Tuy nhiên, số người không có việc làm và thiếu việc làm thường xuyên hằng năm vẫn trên dưới 5 vạn người, chưa kể số lao động nông nhàn trong nông thôn. Thực tế việc xây dựng các vùng kinh tế mới còn gặp nhiều khó khăn, do nhiều lý do, số người bỏ vùng kinh tế mới trở lại quê có xu hướng tăng...

Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với dân quân các địa phương ven biển tuần tra giữ vững an ninh tuyến biển.
Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với dân quân các địa phương ven biển tuần tra giữ vững an ninh tuyến biển.

    Trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nước ta có những diễn biến phức tạp. Đảng ta luôn xác định sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược lâu dài của toàn Đảng, toàn dân. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 về nhiệm vụ quốc phòng 5 năm 1986-1990 của Bộ Chính trị, ngày 11-3-1987, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 03-NQ/TU về nhiệm vụ quân sự địa phương, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, củng cố nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ phát triển trong tình hình mới; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội...

    Triển khai thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy và chính quyền các cấp đã tổ chức quán triệt trong Đảng bộ và quần chúng nhân dân thấu suốt quan điểm của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân trong tình hình mới. Được các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, nhân dân địa phương hết lòng ủng hộ, giúp đỡ, lực lượng vũ trang địa phương đã nỗ lực phấn đấu vươn lên về nhiều mặt. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng thường trực theo tinh thần nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và quy định của Quân khu, thu hẹp đầu mối đơn vị để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới; kiện toàn cơ quan chính trị các cấp theo cơ chế mới. Việc xây dựng lực lượng dự bị động viên ở tỉnh, huyện và cơ sở (chú trọng vào hai trung đoàn của tỉnh, các tiểu đoàn của huyện, các đại đội của cơ sở được triển khai tích cực, các hoạt động đã đi vào nền nếp cùng với khung A, sắp xếp cán bộ nguồn theo quy định của trên. Tổ chức biên chế trong dân quân tự vệ, hải đội, hải đoàn được chấn chỉnh lại theo hướng lấy chất lượng là chính; đảm bảo tỷ lệ quy định: Dân quân (lực lượng chiến đấu xung kích) chiếm từ 6% đến 8% so với dân số, tự vệ chiếm từ 26% đến 35% so với cán bộ, công nhân, viên chức.

    Triển khai chỉ lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu về quy định trực chiến ven biển, các trận địa pháo bờ biển được duy trì và phát triển tốt, kết hợp chặt chẽ sẵn sàng chiến đấu với lao động sản xuất như các trận địa Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng); Hải Triều, Hải Thịnh (Hải Hậu); Giao Lâm (Xuân Thuỷ). Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh làm tham mưu cho Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các hội nghị triển khai công tác bảo vệ bờ biển đạt kết quả tốt. Tỉnh đã thường xuyên duy trì tổ chức kiểm tra định kỳ để đánh giá chất lượng toàn bộ các công trình quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

    Thực hiện Quy định số 77-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương, ngày 8-8-1986, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định số 1820-QĐ/TU thành lập Đảng bộ Bộ đội biên phòng. Công tác biên phòng luôn bám sát tình hình, bước đầu có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp công tác, vươn ra quản lý vùng biển với nhiều mô hình cụ thể, coi trọng xây dựng phong trào quần chúng và tấn công các loại tội phạm.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com