Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, thực hiện và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng (1986-1990) - Kỳ 7

02:08, 25/08/2016

[links()]

 (Tiếp theo)

    Những hạn chế, yếu kém trên có nguyên nhân khách quan là do tình hình thế giới có những biến động, thị trường Liên Xô và các nước Đông Âu bị chao đảo; hàng ngoại nhập tràn vào với mẫu mã đẹp, giá thành hạ, hàng địa phương không đủ sức cạnh tranh. Song chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan, do công nghiệp địa phương lạc hậu về công nghệ, máy móc cũ kỹ, tổ chức quản lý điều hành ở các xí nghiệp còn hạn chế, yếu kém, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi cơ chế. Sự chỉ đạo của các cấp chính quyền còn lúng túng, chậm tháo gỡ khó khăn, chưa định hướng sản xuất kịp thời cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện cơ chế mới.

    Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV: “Xuất - nhập khẩu và liên kết, liên doanh là một mũi nhọn kinh tế của tỉnh”; Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu và nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế đối ngoại. Ngày 10-12-1988, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 30-NQ/TU về tăng cường chỉ đạo mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại ở tỉnh Hà Nam Ninh. Nghị quyết xác định phương hướng, nhiệm vụ của công tác kinh tế đối ngoại là: Tận dụng khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai, mặt nước và ngành nghề của địa phương; kết hợp với tranh thủ thế mạnh và lợi thế của ta trong quan hệ kinh tế quốc tế để nhanh chóng mở rộng và không ngừng nâng cao hiệu quả các hoạt động xuất, nhập khẩu là chính, nhằm tích cực góp phần thực hiện 4 chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh; thúc đẩy việc phân công lao động mới, tăng cường và đổi mới cơ sở vật chất - kỹ thuật, từng bước tạo ra cơ cấu kinh tế hợp lý để đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống và góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

    Triển khai Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng quy hoạch dài hạn công tác xuất, nhập khẩu; tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy; bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý và trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xuất, nhập khẩu; chủ động tìm hiểu thị trường, nắm bắt thông tin, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất hàng xuất khẩu; đồng thời để ra những giải pháp đồng bộ, hợp lý trong tổ chức sản xuất, thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu như: Tập trung phát triển các loại cây lạc, đay, cói; mở rộng diện tích trồng các loại cây chuối, mơ, vải, nhãn, dứa; khôi phục và phát triển hàng thủ công mỹ nghệ và dệt kim; tích cực khai thác nuôi trồng thủy sản xuất khẩu, ủy ban nhân dân tỉnh còn chú trọng việc quản lý hoạt động thu mua hàng xuất khẩu, tăng cường chỉ đạo các hình thức ký kết hợp đồng và hỗ trợ vốn, kỹ thuật để người lao động yên tâm sản xuất; đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hoá để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Những biện pháp ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực như cửa quyền, gây phiền hà trong việc thực hiện hợp đồng và thu mua hàng xuất khẩu được tích cực thực hiện.

    Mặc dù thị trường thế giới có biến động lớn, nhưng nhờ có chủ trương đúng đắn và sự chỉ đạo kịp thời nên chương trình sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động kinh tế đổi ngoại của tỉnh có bước phát triển tốt. Từ năm 1986 trở đi, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mỗi năm một tăng. Trên 70% giá trị các mặt hàng xuất khẩu được khai thác từ nguồn nguyên liệu địa phương, trong đó đã xây dựng được ba mặt hàng chủ lực là: Lạc, đay, cói; đồng thời tận dụng nguồn lao động kỹ thuật dồi dào trong tỉnh để phát triển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Một số cơ sở công nghiệp chế biến và sản xuất gia công để tạo thêm những mặt hàng xuất khẩu mới như: Tôm - thịt đông lạnh, sợi đay, hàng may mặc, gốm sứ... được xây dựng. Thị trường xuất, nhập khẩu của tỉnh từng bước được mở rộng. Trên cơ sở đảm bảo kế hoạch xuất khẩu theo hiệp định Nhà nước đã ký với Liên Xô và các nước Đông Âu, tỉnh tiến hành các dịch vụ xuất khẩu sang một số nước tư bản. Từ cuối năm 1986, tỉnh đã xây dựng được mối quan hệ xuất, nhập khẩu trực tiếp với tỉnh Uđômxay của Lào (hai tỉnh kết nghĩa với nhau). Khối lượng trao đổi hàng hoá mỗi năm một tăng nhanh, qua đó củng cố thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai tỉnh và hai nước Việt - Lào. Sự chỉ đạo của một số ngành và nhiều huyện, thành, thị đối với công tác xuất, nhập khẩu đã có những chuyển biến tiến bộ, một số huyện có ưu thế vươn lên như Ý Yên, Xuân Thủy, Nam Ninh. Năm 1990, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh vượt 10,4% so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV đề ra. Bình quân 5 năm 1986-1990, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng 62,8% so với bình quân 5 năm 1981-1985. Hoạt động xuất khẩu đã góp phần nhập vật tư, thiết bị và hàng tiêu dùng phục vụ sản xuất và đời sống ở địa phương. Cùng với mở rộng hoạt động xuất, nhập khẩu, tỉnh tranh thủ các nguồn viện trợ của một số tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ đầu tư vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com