Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, thực hiện và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng (1986-1990) - Kỳ 6

02:08, 23/08/2016

[links()]

 (Tiếp theo)

    Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế nhiều thành phần. Các đơn vị kinh tế quốc doanh được rà soát sắp xếp lại: Tiến hành giải thể các xí nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, tập trung giải quyết chế độ cho những lao động dôi dư; những xí nghiệp làm ăn có hiệu quả xác định lại phương hướng sản xuất theo cơ chế mới, thay thế, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, mở rộng các hình thức khoán gọn, khoán lương, khoán thưởng đi đôi với tinh giản biên chế. Đối với khu vực kinh tế tập thể (các hợp tác xã): đa dạng hoá về hình thức, nội dung và quy mô hoạt động, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trong khuôn khổ quy định của pháp luật; chuyển từ hình thức gia công là chủ yếu sang sản xuất thành phẩm, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, tự mua, tự bán nguyên liệu và sản phẩm; củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý theo hướng tinh giản, gọn nhẹ; rà soát lại lực lượng lao động để cân đối thu chi. Đối với kinh tế tư nhân, cá thể: Khuyến khích phát triển kinh tế gia đình; chính quyền các cấp, các ngành cần giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi nhà, mọi ngành nghề tham gia phát triển sản xuất. Giải toả các trạm kiểm soát đặt trên các trục đường giao thông gây cản trở việc giao lưu hàng hoá trên thị trường. Khuyến khích việc lưu thông lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng (trừ những mặt hàng Nhà nước cấm) trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích kiều bào quê ở Hà Nam Ninh đầu tư vốn xây dựng các công trình kinh tế, văn hoá - xã hội tại địa phương. Động viên những người lao động và học tập ở nước ngoài gửi tiền, vật tư, thiết bị về cho gia đình phát triển sản xuất.

    Với chủ trương và những giải pháp đúng đắn trên, mặc dù khi chuyển đổi cơ chế còn nhiều khó khăn, lúng túng, nhưng một số cơ sở sản xuất quốc doanh và hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp đã năng động, sáng tạo, đứng vững và bước đầu vượt qua thử thách; từng bước ổn định sản xuất, đổi mới quản lý, đổi mới kỹ thuật, chuyển dần sang hạch toán kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, giải quyết việc làm cho công nhân và đóng góp cho Nhà nước. Khu vực kinh tế tư nhân, cá thể có bước phát triển mạnh, khai thác được tiềm năng lao động, đất đai, tiền vốn và kỹ thuật của các hộ gia đình để phát triển sản xuất, góp phần làm tăng sản phẩm hàng hoá cho xã hội, tăng thu nhập cho gia đình. Đến cuối năm 1990, toàn tỉnh có hàng nghìn hộ gia đình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, thu mua nông sản xuất khẩu, mua sắm phương tiện làm dịch vụ vận tải, đấu thầu đất làm kinh tế trang trại... đạt hiệu quả cao.

    Chủ trương phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần được Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh cụ thế hoá vào hoàn cảnh thực tế ở địa phương đã tạo được kết quả bước đầu hết sức quan trọng: Lao động, vật tư, kỹ thuật, nguồn vốn của các thành phần kinh tế được khai thác và sử dụng có hiệu quả. Kinh doanh dịch vụ và kinh tế hộ gia đình đã phát triển ở cả đô thị và nông thôn, vừa tạo thêm việc làm cho người lao động, vừa thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Sự kết hợp giữa công nghiệp địa phương với công nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có tiến bộ. Nhà máy Liên hợp Dệt và một số xí nghiệp Trung ương đã giúp đỡ vốn, kỹ thuật và nguyên liệu để một số xí nghiệp địa phương, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp có điều kiện đầu tư chiều sâu và giải quyết việc làm cho người lao động. Trong 5 năm (1986-1990), sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp có sự chuyến biến bước đầu. Giá trị sản lượng công nghiệp địa phương bình quân 5 năm 1986-1990 tăng 14,3% so với 5 năm 1981-1985. Trong 16 ngành hàng công nghiệp có 12 ngành tăng so với 5 năm trước, trong đó ngành sản xuất da và giả da tăng 75,7%; điện tử tăng 48%; may mặc tăng 46%; xay xát, chế biến lương thực, thực phẩm tăng 12,9%...

    Tuy nhiên, những chuyển biến đó còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Khu vực kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, chất lượng hàng hoá thấp, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Hai năm 1989-1990, công nghiệp địa phương tiếp tục giảm sút, chỉ đạt 86% chỉ tiêu giá trị sản lượng, trong đó, hàng tiêu dùng đạt 76% kế hoạch. Đến cuối năm 1990, toàn tỉnh có gần 40% xí nghiệp quốc doanh, 60% hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp bị thua lỗ. Trong đó, một số đơn vị phải giải thể, đóng góp cho Nhà nước giảm, số lao động thiếu việc làm ngày một tăng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com