[links()]
(Tiếp theo)
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Trung ương Đảng quyết định đột phá vào khâu phân phối lưu thông để từng bước khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo đà đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước. Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã thông qua Nghị quyết số 2-NQ/TW ngày 9-4-1987 về giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông. Nghị quyết nhận định: Từ sau cuộc tổng điều chỉnh giá, lương, tiền cuối năm 1985, tình hình kinh tế - xã hội nước ta ngày càng xấu đi. Nền kinh tế lâm vào lạm phát trầm trọng, bội chi ngân sách lớn, giá cả tăng vọt, đồng tiền mất giá nhanh, tiền lương thực tế giảm sút, đời sống của nhân dân lao động, trước hết là của công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang gặp nhiều khó khăn. Công bằng xã hội bị vi phạm, các hiện tượng tiêu cực tiếp tục phát triển. Tình hình đó tác động ảnh hưởng xấu tới toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt xã hội... Để tháo gỡ khó khăn, Nghị quyết Trung ương đã nêu tư tưởng chỉ đạo của Đảng là: Đổi mối cơ chế chính sách và tổ chức phân phối lưu thông theo hướng vận dụng đúng đắn các quy luật kinh tế, lấy kế hoạch hoá làm trung tâm, mở rộng quan hệ hàng hoá - tiền tệ, chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa gắn liền với đổi mới các khâu khác trong quản lý... Nghị quyết đặt mục tiêu: Giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, giảm nhịp độ tăng giá, giảm lạm phát, giảm khó khăn về đời sống của nhân dân lao động (thường gọi là mục tiêu “4 giảm”).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. |
Ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 2, Tỉnh ủy họp từ ngày 21 đến ngày 23-4-1987 để nghiên cứu, quán triệt, đề ra nhiệm vụ và một số giải pháp cấp bách, đó là:
Bổ sung một số quy định về giá cả, vật tư và tài chính nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...
Thực hiện tốt một số biện pháp cải tiến phân phối lưu thông, ổn định tiền lương và đời sống cán bộ, công nhân viên và nhân dân; giải quyết những vướng mắc về giá để đưa hàng hoá vào lưu thông, nghiêm cấm găm hàng chờ hưởng chênh lệch giá; thành lập công ty liên doanh lương thực, chuẩn bị điều kiện để chuyển mua bán lương thực sang kinh doanh, thực hiện bù giá các mặt hàng cung cấp theo định lượng còn lại (xà phòng, thịt lợn, đường) đồng thời chuẩn bị điều kiện tiến tới bù giá vào lương đối với gạo và chất đốt.
Đổi mới tài chính và ngân hàng, thực hiện thu đúng, thu đủ các loại thuế, nhất là thuế công thương nghiệp; thực hành tiết kiệm chi; tăng cường quản lý tiền mặt, thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt...
Các chủ trương, giải pháp trên được thể nghiệm, từng bước thực hiện, song hiệu quả còn rất hạn chế. Trong buổi đầu chuyển đối cơ chế, cái cũ còn phổ biến và kìm hãm nặng nề, cái mới manh nha chưa đủ điều kiện thuyết phục, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Tháng 6-1987, giá cả thị trường tự do tăng 360% so với cùng kỳ năm 1986, trong đó lương thực tăng 544%. Việc bù giá vào lương không còn ý nghĩa cải thiện đời sống, tiền lương thực tế của cán bộ công nhân viên giảm xuống chỉ bằng 37,9% so với tháng 9-1985. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng, nêu rõ quá trình triển khai và kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, đồng thời cũng đề cập đến những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị để Trung ương xem xét, tháo gỡ.
Trước tình hình chung của cả nước, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba (khoá VI) họp từ ngày 20 đến ngày 28-8-1987 khẳng định: Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng là đúng đắn, song cần có bước đi thích hợp với điều kiện thực tế, vừa tích cực, vừa vững chắc. Hội nghị bổ sung những chủ trương và giải pháp cấp bách để giải quyết vấn đề đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 2, đồng thời ra Nghị quyết số 03-NQ/TW về chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế quốc doanh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế. Để triển khai Nghị quyết Trung ương 3, ngày 16-10-1987, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 10-NQ/TU về những việc cấp thiết triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ ba và Kết luận số 03 của Bộ Chính trị. Nghị quyết xác định: Kiên quyết xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển các hoạt động của nền kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, trước hết cần tập trung vào việc thực hiện mục tiêu “4 giảm”.
(Còn nữa)