[links()]
Bước vào công cuộc đổi mới, tình hình chung ở tỉnh có nhiều khó khăn, phức tạp. Kinh tế mất cân đối nghiêm trọng, đời sống nhân dân lao động ở cả nông thôn và thành thị gặp nhiều khó khăn. Các nhà máy, xí nghiệp, công ty sản xuất kinh doanh bị cắt giảm dần nguồn bao cấp, bước đầu chuyển sang hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường, bộc lộ sự yếu kém, lúng túng và sa sút nghiêm trọng. Lạm phát tăng vọt, thị trường giá cả rối ren, hàng hoá khan hiếm. Công nhân thiếu việc làm phải nghỉ luân phiên, tự tìm việc làm hoặc phải nghỉ “Chế độ 176”. Nạn hụi - họ, cho vay nặng lãi tràn lan, gây hậu quả nặng nề trong đời sống xã hội ở địa phương... Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Tỉnh ủy xác định mọi hoạt động của Đảng bộ đều phải hướng vào thực hiện mục tiêu do Đại hội đề ra: Từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội mà quan trọng nhất là ổn định sản xuất, phải thực sự lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, ổn định và giải quyết một bước đời sống nhân dân lao động, tạo được tích lũy từ nội bộ nền kinh tế trong tỉnh.
Để củng cố các hợp tác xã nông nghiệp, phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nông dân và xã viên, ngày 13-3-1986, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 38-CT/TU chỉ đạo việc tiến hành đại hội xã viên hợp tác xã nông nghiệp gắn với Hội Nông dân tập thể ở cơ sở. Các hợp tác xã phải chủ động đề ra được phương hướng sản xuất phù hợp, hiệu quả, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, đổi mới cơ chế quản lý của hợp tác xã nông nghiệp, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 23-5-1987 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số quy định nhằm bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy cơ sở, các hợp tác xã đã chủ động, sáng tạo khai thác mọi tiềm năng hiện có, chủ yếu là đất đai, lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật và tiền vốn ở cơ sở mình để đổi mới cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ; đưa nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào tất cả các khâu: Làm đất, chăm bón, gieo trồng, tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh... Các chính sách mới về kinh tế cùng với việc hoàn chỉnh cơ chế khoán sản phẩm trong hợp tác xã, bổ sung đất phần trăm làm kinh tế gia đình đã thực sự thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp, bước đầu các hợp tác xã nông nghiệp đã đổi mới được cơ chế quản lý, làm cho sản xuất nông nghiệp thoát khỏi tình trạng sa sút, trì trệ của những năm 1978-1980; lao động, vật tư được sử dụng có hiệu quả hơn, nông dân hăng hái thi đua vượt khoán. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện “Khoán 100”, do quan hệ sản xuất trong nông nghiệp chưa có sự đổi mới căn bản nên đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém: chưa xác định được hợp tác xã nông nghiệp là một đơn vị sản xuất, kinh doanh; mọi chi phí của hợp tác xã và các khoản đóng góp của xã với Nhà nước hầu như đều đổ dồn vào người nông dân phải gánh chịu; công tác quản lý tiền vốn, vật tư của tập thể chưa chặt chẽ; cán bộ quản lý hợp tác xã còn thiếu trách nhiệm gây nhiều lãng phí; còn bao cấp tràn lan trong nội bộ hợp tác xã và cho cả chính quyền. Việc cung ứng dịch vụ của Nhà nước đối với nông dân chưa đầy đủ, thiếu kịp thời dẫn đến tình trạng phiền hà, cửa quyền, nhiều tầng, nấc. Cơ chế chính sách đối với nông nghiệp và người nông dân chưa phù hợp. Những nguyên nhân trên làm hạn chế tinh thần làm chủ của người lao động. Tình trạng khê đọng sản phẩm tăng dần, nông dân không gắn bó với đồng ruộng, không tích cực sản xuất. Việc thực hiện đóng góp với Nhà nước chậm, một số hợp tác xã không hoàn thành chỉ tiêu nghĩa vụ, quỹ vốn hợp tác xã tăng chậm, một số nơi thiếu hụt, nợ nần nghiêm trọng.
Trước thực trạng chung của cả nước, ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Nghị quyết đã cụ thể hoá đường lối đổi mới của Đại hội VI và xác định rõ những quan điểm cơ bản của Đảng về cách mạng xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn: Coi nông thôn là địa bàn trọng yếu trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu trong những năm trước mắt. Nghị quyết đề ra những nội dung đổi mới toàn diện cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp nhằm xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp; xây dựng cơ chế kinh tế hạch toán tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị quốc doanh cũng như hợp tác xã nông nghiệp.
(Còn nữa)