Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, làng kháng chiến Bắc Sơn - Đồng Lạc (1950-1951) là căn cứ địa quan trọng của huyện Nam Trực. Nằm ở đầu mối giao thông giữa hai đầu nam bắc tỉnh, kết hợp tạo thành khu làng chiến đấu liên hoàn Bắc Sơn - Đồng Lạc - Đồng Nguyên (Nam Trực - Nghĩa Hưng), trở thành mũi nhọn lợi hại chặn hai con đường thủy bộ của địch (sông Đào và đường 55) và mở tuyến giao thông của ta sang tả ngạn sông Hồng. Làng kháng chiến Bắc Sơn - Đồng Lạc chỉ tồn tại 8 tháng nhưng đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, góp phần cùng quân, dân trong tỉnh giải phóng quê hương.
Cuối năm 1949, giặc Pháp đã chiếm đóng toàn bộ huyện Nam Trực, chúng lập ra 46 đồn bốt để kìm kẹp nhân dân, bắt phu bắt lính, chống phá cách mạng. Riêng xung quanh xã Đồng Sơn thời kỳ đó, phía bắc có bốt Vọc, bốt Giáp Tư, bốt Bái Trạch, bốt Cổ Ra, phía nam có Bốt Thạch Bi, phía đông có bốt Nam Trực, phía tây có bốt Hải Lạng. Chúng lập các làng tề, cho lính đi càn quét, cướp bóc của cải của nhân dân. Trước tình hình đó, chi bộ Bắc Sơn - Đồng Lạc đã họp, ra chủ trương đưa cán bộ về bám đất bám dân để giữ cơ sở, giữ vững phong trào, tăng cường lực lượng vũ trang tuyên truyền, tổ chức phá tề trừ gian, bảo vệ tài sản của nhân dân, tăng cường công tác địch vận, lôi kéo ngụy quân ngụy quyền bỏ hàng ngũ địch trở về. Nhờ đó khí thế cách mạng của quần chúng vẫn được giữ vững. Nhiều gia đình đã nhận cất giấu vũ khí, đào hầm bí mật để bảo vệ cán bộ; tiêu biểu như cụ Vũ Ruyến ở Giao Cù, cụ Trực ở An Lộc, cụ Nhạ ở Vân Cù, cụ Tàng ở Dương Độ, cụ Nhận ở Tây Lạc… Tháng 6-1950, Huyện ủy Nam Trực chỉ đạo Đảng bộ, nhân dân xã Bắc Sơn - Đồng Lạc rào làng kháng chiến chống thực dân Pháp. Dưới sự lãnh đạo của hai chi bộ Đảng Bắc Sơn và Đồng Lạc, năm 1950-1951, quân dân trong xã đã rào làng kháng chiến chống lại kẻ thù. Làng kháng chiến Bắc Sơn - Đồng Lạc tồn tại giữa bốn bề là đồn bốt của địch, được xây dựng trong thế trận liên hoàn chạy dài từ chùa Như (Tây Lạc) xuyên qua Nội Thôn, Vân Cù, An Lộc và nối liền với làng kháng chiến xã Đồng Nguyên (Nghĩa Hưng). Trên địa bàn xã đã thành lập 18 đội dân công du kích gồm 1.300 người đến các làng xung quanh chặt tre đem về rào 4 làng liên hoàn thành những chiến lũy dày 1,5m, dài 10 nghìn m, bên ngoài chiến lũy đào hào rộng 4m, sâu 3m cắm chông. Bên trong giao thông hào rộng 0,8m, ngang dọc thông từ xóm này qua xóm khác, nhà nọ sang nhà kia để cho bộ đội, du kích bí mật đánh địch. Các cổng ra vào làng đều cài mìn, đặt chông, dưới ao thả chông cây, chông chà, có 200 bàn chông sắt, 1.700 bàn chông tre, 800 cây chông chà. Toàn xã có 5 đội du kích, gồm 175 đội viên, được trang bị 1 trung liên, 17 súng trường và các loại vũ khí thô sơ như dao găm, mã tấu, mìn dưa, mìn gậy, phối hợp với Đại đội 33 của tỉnh, Đại đội 40 của huyện Nam Trực chuẩn bị chiến đấu bảo vệ “Chiến khu Bắc Sơn - Đồng Lạc”. “Chiến khu Bắc Sơn - Đồng Lạc” đã trở thành vùng tự do giữa lòng địch, là nơi tập kết của các đơn vị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, đưa đón bộ đội, dân công từ vùng địch ra vùng tự do và ngược lại, tiếp nhận thương binh của các đơn vị bộ đội sau các trận đánh, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, bộ đội, du kích, là kho chứa vũ khí, đạn dược chuẩn bị cho tổng phản công. “Chiến khu Bắc Sơn - Đồng Lạc” đã tồn tại ở trong lòng địch được 8 tháng, là cái gai của giặc Pháp và bọn lính ngụy quân, ngụy quyền. Vì vậy, giặc Pháp ở các đồn bốt xung quanh rất căm tức. Chúng đã mở nhiều đợt càn quét đánh phá vào khu căn cứ, nhưng lần nào cũng bị thất bại.
Bản đồ chiến đấu Bắc Sơn - Đồng Lạc giai đoạn "rào làng kháng chiến” (1950-1951). |
Ngày 21-12-1950, địch tập trung hai tiểu đoàn dương công của sứ bộ Bùi Chu, tiến công nhằm phá hàng rào, nhưng bị quân và dân Bắc Sơn - Đồng Lạc đánh lui, khi chúng chạy về hướng Cầu Gai bị bộ đội ta phục kích thiệt hại lớn. Giữa lúc đó, thực dân Pháp bị thua đau ở Chiến dịch Biên giới Cao - Bắc - Lạng nên rất căm tức. Chúng quyết định mở cuộc tấn công vào khu kháng chiến Bắc Sơn - Đồng Lạc để lấy lại tinh thần cho quân đội. Ngày 20-2-1951 (tức ngày 15 tháng giêng năm Tân Mão), giặc Pháp tập trung hải, lục, không quân, pháo binh, rút hai binh đoàn chủ lực và 30 đại đội ở chiến trường chính về phối hợp với bọn lính ngụy, lính bảo hoàng ở các bốt tấn công vào khu kháng chiến ở xã Đồng Sơn. Trước ngày tấn công, chúng cho tàu chiến chạy đi chạy lại trên sông Đào cắt đứt đường ra vùng tự do của ta. Đúng 6 giờ sáng ngày 15 tháng giêng năm Tân Mão, giặc Pháp mở đợt đánh lớn vào khu kháng chiến Bắc Sơn - Đồng Lạc. Chúng cho xe cóc dàn hàng ngang ở cánh đồng sau làng; ở phía nam toàn bộ bọn lính bảo hoàng kéo lên dàn kín đường Đen từ Hải Lạng ra cầu Chính; tàu chiến địch tuần tiễu trên sông Đào. Ba máy bay “bà già” chỉ điểm cho pháo binh ở các bốt bắn dồn dập vào khu kháng chiến, tiếp đến 12 máy bay lồng lộn ném bom nổ, bom cháy yểm trợ cho xe cóc và lính bộ binh tiến vào hàng rào kháng chiến của quân dân Đồng Sơn. Toàn khu kháng chiến lửa khói bốc lên ngùn ngụt. Ở hướng bắc, bộ binh địch chia làm 3 mũi tấn công vào khu kháng chiến Bắc Sơn - Đồng Lạc. Mũi thứ nhất, chúng cho xe cóc chạy từ bờ sông Dương Độ tràn xuống sau làng An Lộc và làng Vân Cù. Mũi thứ 2, lính “hổ xám” tràn vào làng An Lộc thọc xuống cồn Tằng Lào giữa làng Trung Điệu và xã Nghĩa Đồng, còn một cánh quân khác đi đường Nhân Lung xuống sau làng Vân Cù. Mũi thứ 3, một toán đi đường 55 tiến xuống làng Giao Cù Trung, một mũi tiến từ trại lý trưởng xuống chùa Như sau làng Tây Lạc. Ở hướng nam, quân lính ở bốt Nam Trực, bốt Thạch Bi, bốt Hải Lạng tiến lên dàn kín đường Đen hòng bóp chết, thiêu sống bộ đội và du kích của ta ở trong hàng rào. Ngày thứ nhất, chúng mở 10 đợt tấn công vào làng Trung Điệu, 8 đợt vào làng Vân Cù, 2 đợt vào làng Giao Cù và Tây Lạc. Bộ đội và du kích ta đã dùng các loại vũ khí có trong tay chiến đấu rất anh dũng, buộc địch phải rút lui co cụm ở ngoài cánh đồng để bao vây. Ngày thứ 2 và thứ 3, trận đánh diễn ra rất ác liệt. Bọn lính bộ binh dựa vào xe cơ giới tiến sâu vào hàng rào, đánh giáp lá cà với ta, nhiều tên vấp phải mìn nổ, sập hố chông, phải khiêng lên xe quay về. Bộ đội và du kích cơ động chiến đấu quyết liệt với giặc để giành từng căn nhà, ngõ xóm. Ở mặt trận phía tây, du kích Nguyễn Văn Đồng đã giật một quả mìn dưa đặt bên ngoài hàng rào, diệt 2 tay súng trung liên của địch; du kích Cồ Phiếm thấy một lính “hổ xám” trèo lên hàng rào, đã dùng mã tấu chém đứt tay giặc và với 2 quả lựu đạn, ông tiêu diệt 12 tên địch. Trong cuộc chiến đấu ác liệt với quân thù đã xuất hiện thêm nhiều tấm gương dũng cảm như đồng chí Vũ Thế Thuân, Bí thư Chi bộ Bắc Sơn đã bám sát trận địa, trực tiếp chỉ huy chiến đấu, bị giặc bắt, tra tấn dã man vẫn không một lời khai báo, còn chửi thẳng vào mặt quân cướp nước. Bất lực trước ý chí kiên cường của người cộng sản, quân giặc đã bắn chết ông ở đầu làng Vân Cù. Trước lúc hy sinh, ông còn hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”. Đồng chí Vũ Quang Huy, thôn đội Tây Lạc, trong lúc chiến đấu ác liệt, bị địch bao vây, đã dùng lựu đạn tiêu diệt thêm 3 tên, trước lúc hy sinh đã giúp thêm nhiều đồng đội vượt qua được vòng vây giặc. Đồng chí Vũ Ngoan Chi chiến đấu giáp mặt với quân thù rất ngoan cường dũng cảm. Đồng chí Phạm Văn Bái dùng mìn, mã tấu chiến đấu, kiên quyết không để địch bắt, trước lúc hy sinh còn ném một quả lựu đạn giết thêm một tên giặc…
Cuộc chiến đấu bảo vệ khu kháng chiến Bắc Sơn - Đồng Lạc vô cùng khó khăn vì lực lượng địch đông gấp bội, lại có phi pháo yểm trợ, chúng tưởng vài giờ thì phá tan được hàng rào, quân ta phải đầu hàng. Nhưng nhờ có tuyến giao thông hào nối liền từ làng Tây Lạc vào đến làng Vân Cù, Trung Điệu, bộ đội và du kích vận động chạy đến chi viện cho nhau, chiến đấu quyết liệt với bọn giặc suốt cả ngày; chỗ nào hàng rào bị phá, quân ta lại rào lại, gần tối còn có trận đánh giáp lá cà, giằng co từng đoạn hào, buộc địch phải lui quân ra giữa cánh đồng bao vây hàng rào. Để bảo toàn lực lượng, quân dân ta được lệnh rút ra ngoài an toàn. Quân địch đã bỏ lại xung quanh hàng rào 400 xác chết, còn lính bị thương, dẫm phải chông, địch đã phải khiêng cả người và bàn chông lên xe chở đi. Quân ta ở trong hàng rào hy sinh 53 người, trong đó có 21 bộ đội và du kích. Sau khi quân ta rút ra ngoài, nửa ngày hôm sau, địch vẫn thăm dò các ngả, chưa dám tấn công ngay vào hàng rào…
Qua 3 ngày chiến đấu ác liệt, bộ đội và du kích địa phương đã bắn chìm 2 tàu chiến, đốt cháy 2 xe cơ giới, bắt sống 3 lính tây trắng, tiêu diệt hơn 400 tên giặc. Ta thiệt hại 53 người, trong đó có 21 bộ đội và du kích. Địch đốt cháy 3.700 nóc nhà, phá hủy, san bằng 4 làng trong khu hàng rào. Sau khi địch rút, nhân dân xã Đồng Sơn vẫn bám trụ vững chắc, tiếp tục sản xuất, chiến đấu, nuôi dưỡng cán bộ, thương binh, giữ vững đường dây ra vùng tự do đến năm 1954.
Cuộc chiến đấu bảo vệ Chiến khu Bắc Sơn - Đồng Lạc năm xưa là bản anh hùng ca của quê hương Đồng Sơn ngày nay. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, quân và dân Bắc Sơn - Đồng Lạc đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Anh hùng LLVTND trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, trong thời kỳ đổi mới xã Đồng Sơn đã không ngừng vươn lên trên mọi lĩnh vực. Đảng bộ xã liên tục đạt trong sạch vững mạnh. Sản xuất nông nghiệp của xã luôn đứng đầu huyện về diện tích canh tác, kỹ thuật thâm canh và năng suất. Toàn xã có 80% đường liên xã, liên thôn, đường dong xóm và đường trục chính ngoài đồng được bê tông hóa; 13/22 thôn xóm đã đạt danh hiệu Làng văn hóa, 80% gia đình đạt Gia đình văn hóa. 9/22 thôn, xóm có nhà văn hóa đạt tiêu chí NTM; 5/7 trường học (gồm 2 trường mầm non, 3 trường tiểu học) đã đạt chuẩn quốc gia. Trạm Y tế xã đã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020./.
Bài và ảnh: Minh Thuận