Phố Trần Khắc Chung rộng 16m, dài 167m, có địa giới từ đường Trần Minh Tông đến phố Trần Quốc Tảng, thuộc phường Lộc Vượng (TP Nam Định).
Trần Khắc Chung tên thật là Đỗ Khắc Chung (?-1330) quê ở Giáp Sơn, Hải Dương. Ông là danh tướng thời Trần. Do có nhiều công lao trong hai cuộc chiến tranh chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288) nên tháng 4-1289, ông được ban quốc tính là họ Trần, từ đó, sử sách thường chép họ tên ông là Trần Khắc Chung. Theo sử sách ghi lại, Trần Khắc Chung chưa bao giờ là tướng trực tiếp cầm quân, nhưng ông thực sự có dũng khí của một vị tướng khiến cho viên tướng giặc khét tiếng Ô Mã Nhi (tướng giặc Nguyên - Mông) phải thán phục. Trong cuộc đời làm quan của mình, ông không ngừng cống hiến và đạt được nhiều vinh hiển trên quan trường. Ông làm quan qua bốn đời vua Trần là: Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Trần như: Ngự Sử đại phu, Đại hành khiển, Thượng thư Tả bộ xạ, Đại an phủ kinh sư, Quan nôi hầu, Sư Bảo... Trong các đời Vua Trần Anh Tông và Trần Minh Tông, ông đã từng làm đến chức Tể tướng (hành khiển). Ông không những là người có công lớn với triều đình mà còn là người có công lao đặc biệt đối với nhân dân làng Quan Tử, xã Sơn Đông (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) với vai trò là người thầy đầu tiên và cũng là người mở đầu cho truyền thống hiếu học cho nhân dân nơi đây. Trần Khắc Chung mất một thời gian ngắn sau khi Vua Trần Hiến Tông lên ngôi. Ông được truy tặng chức Thiếu Sư.
Hiện nay truyền thống hiếu học của làng Quan Tử nói riêng và huyện Lập Thạch nói chung vẫn được các thế hệ con cháu lưu truyền, phát huy. Biết ơn công lao to lớn của Trần Khắc Chung, dân làng Quan Tử đã tôn ông là Thành hoàng làng. Hằng năm, cứ vào ngày mồng 4-10 âm lịch, tại đền thờ Trần Khắc Chung làng Quan Tử diễn ra lễ giỗ để tưởng nhớ công ơn của bậc tiền nhân./.
Khánh Dũng