[links()]
Sau 10 năm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội (1976-1986), dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã có nhiều chuyển biến với nhiều thành tựu mới. Ở tỉnh, nhiều công trình công nghiệp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng; hệ thống công trình đầu nguồn và thuỷ lợi nội đồng, một số công trình phúc lợi công cộng ở nông thôn được tu bổ và xây dựng mới.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ IV, tháng 10-1986. |
Tuy nhiên, những chuyển biến đó chưa làm thay đổi căn bản được tình hình kinh tế - xã hội, chưa tạo ra thế ổn định vững chắc; sản xuất chậm phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Trong tỉnh, những mất cân đối của nền kinh tế chậm được khắc phục, đời sống nhân dân, nhất là công nhân, viên chức gặp nhiều khó khăn, tiêu cực xã hội gia tăng, công bằng xã hội bị vi phạm... Trong khi đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng còn những mặt hạn chế, yếu kém: chủ quan, duy ý chí, duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp; nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa dẫn đến nền kinh tế đất nước bị trì trệ, rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Nước ta lại bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận, gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình đó đặt ra yêu cầu bức thiết phải đổi mới đất nước, đó là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh dân tộc và cách mạng Việt Nam.
Với tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, Đảng ta đã nghiên cứu, phân tích sâu sắc những khuyết điểm, yếu kém sau 10 năm xây dựng đất nước, đề ra chủ trương, giải pháp đổi mới đất nước với nội dung cốt lõi là: Đổi mới nếp nghĩ, cách làm (đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế; đổi mới phong cách làm việc), đổi mới tổ chức và cán bộ, nhằm thực hiện quyết tâm chiến lược xoá bỏ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
Theo tinh thần và định hướng trên, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ IV được chuẩn bị công phu, nghiêm túc theo tinh thần đổi mới.
Để tiến tới Đại hội, 1.710 tổ chức cơ sở đảng, 27 đảng bộ huyện, thành, thị và đảng bộ trực thuộc đã tổ chức đại hội và tiến hành đợt tự phê bình và phê bình theo Chỉ thị số 79-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh. Với ý thức trách nhiệm cao, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã phát huy trí tuệ tập thể, đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Trung ương và dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Từ ngày 21 đến ngày 25-10-1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ IV được tiến hành tại Nhà văn hoá 3-2, thành phố Nam Định, gồm 516 đại biểu chính thức. Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về dự và chỉ đạo Đại hội. Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị, dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng; thảo luận báo cáo kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III, khẳng định những thành tựu đã đạt được và chỉ rõ những khuyết điểm yếu kém, nhất là trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Vận dụng quan điểm đổi mới được trình bày trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Đại hội xác định phương châm hành động của Đảng bộ tỉnh trong thời gian tới là: Phải thật sự đổi mới nhận thức, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ trong tất cả các cấp, các ngành, trên tất cả các lĩnh vực công tác của tỉnh. Mọi công việc phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu. Kiên quyết chuyển đổi cơ chế kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa; quan tâm đến lợi ích của người lao động, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung của toàn xã hội...
(Còn nữa)