Đảng bộ lãnh đạo bước đầu chuyển đổi cơ chế quản lý KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh (Kỳ 7)

03:07, 05/07/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Lĩnh vực quản lý lao động, giải quyết việc làm và đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước có nhiều cố gắng. Để giải quyết vấn đề dân số và lao động trong tỉnh, góp phần khai thác tiềm năng của đất nước, tỉnh đã tích cực động viên và có chính sách ưu đãi những hộ nông dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, cả ở trong tỉnh và ở các tỉnh khác. Trong 5 năm, tỉnh đã huy động hàng chục vạn lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới. Riêng 3 năm 1983-1985, tỉnh đã tổ chức cho 70,5 ngàn người, bằng 117,5% kế hoạch, trong đó có 33,2 ngàn lao động đi xây dựng kinh tế mới, bằng 132% kế hoạch. Các yêu cầu cung cấp về lao động cho Trung ương đều được thực hiện tốt.

    Từ năm 1981 đến năm 1985, ngành giáo dục đào tạo thực hiện chương trình cải cách giáo dục từ hệ 10 năm lên hệ 12 năm, đưa chương trình giáo dục hướng nghiệp vào trường học, thực hiện huy động đóng góp của phụ huynh học sinh theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đồng thời xây dựng quỹ bảo trợ trường học. Song, do khó khăn của đời sống kinh tế - xã hội, cuộc sống của giáo viên không đảm bảo đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Tinh thần học tập của học sinh giảm sút, hiện tượng học sinh bỏ học ngày càng tăng. Tỉnh ủy đã ra nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Ngày 6-7-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông tri số 37-TT/TU chỉ đạo về công tác nâng cao chất lượng giáo dục, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm giải quyết tốt vấn đề đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên; thành lập Hội đồng giáo dục các cấp, động viên đông đảo nhân dân và cha mẹ học sinh cùng với nhà trường tham gia quản lý tốt chất lượng giáo dục, tham gia xây dựng nội dung giáo dục trên một số mặt; chăm lo giáo dục đạo đức và công tác hướng nghiệp cho học sinh; đồng thời làm tốt công tác xây dựng đảng trong trường học. Ngày 26-12-1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra nghị quyết về công tác giáo dục phổ thông, nhấn mạnh đến truyền thống học tập của tỉnh; hướng giáo dục vào dạy chữ, dạy người, dạy nghề; đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao số lượng, chất lượng đào tạo...

    Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, ngành giáo dục có nhiều cố gắng trong tuyên truyền, vận động, tổ chức giáo viên, học sinh nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, phát động “Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng” trong giáo dục nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Ngành đã chỉ đạo khắc phục khó khăn về đời sống và cơ sở vật chất, xây dựng thêm phòng học, bàn ghế, đồ dùng dạy học, sách vở, duy trì phong trào thi đua “hai tốt”; thực hiện chương trình cải cách giáo dục có kết quả. Các đoàn đi thi học sinh giỏi toàn quốc của tỉnh luôn đạt thành tích khá. Các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển chọn chuyển cấp được thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả cao. Sự nghiệp giáo dục phổ thông, bổ túc văn hoá, giáo dục chuyên nghiệp có chuyển biến tích cực theo mục tiêu cải cách giáo dục cơ bản, đáp ứng yêu cầu học tập của thanh, thiếu niên. Các hoạt động giáo dục lao động, giáo dục hướng nghiệp trong nhiều trường phổ thông trung học, đào tạo kết hợp với lao động sản xuất theo ngành nghề trong một số trường chuyên nghiệp có chuyển biên, làm cho nhà trường gắn bó hơn với đời sống xã hội. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cô nuôi dạy trẻ, đội ngũ giáo viên theo hướng tiêu chuẩn hoá được quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách giáo dục. Phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các trường học; dạy nghề cho thanh, thiếu niên; bổ túc tay nghề cho cán bộ công nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ đại học bằng hình thức tại chức được mở rộng.

    Trước thực tế khó khăn về kinh tế - xã hội, hoạt động của ngành Y tế có biểu hiện giảm sút. Số giường bệnh không đủ đáp ứng nhu cầu. Tỉnh ủy đã có nhiều giải pháp chỉ đạo ngành y tế từng bước xây dựng cơ sở vật chất, động viên tinh thần cho cán bộ nhân viên. Toàn ngành đã phát động nhiều phong trào thiết thực nhằm nâng cao chất lượng phục vụ; bước đầu có sự kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc; chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện tỉnh, huyện từng bước được nâng lên. Phong trào vệ sinh phòng bệnh ở cơ sở được phát động rộng rãi; các dịch bệnh được ngăn chặn kịp thời, không để các dịch lớn xảy ra. Đội ngũ cán bộ y tế được sắp xếp, hoàn chỉnh lại theo hướng nâng cao chất lượng. Số lượng y, bác sĩ tăng từ 2.446 người năm 1981 lên 2.833 người năm 1985. Việc phân phối, bảo quản, sử dụng thuốc, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực và nâng cao đạo đức người thầy thuốc được tăng cường. Cuộc vận động thực hiện phong trào “5 dứt điểm” có nhiều cố gắng mới; từng bước đáp ứng yêu cầu chăm sóc và khám chữa bệnh của nhân dân. Bốn năm liền, ngành y tế tỉnh được nhận Cờ luân lưu của Hội đồng Bộ trưởng.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com