[links()]
(Tiếp theo)
Ngày 19-6-1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục họp bàn về quy hoạch cải tạo và xây dựng thành phố Nam Định và xác định rõ thành phố Nam Định là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, là thủ phủ của tỉnh Hà Nam Ninh, có vị trí chiến lược kinh tế của tỉnh, là địa bàn trọng tâm để tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng trên phạm vi toàn tỉnh. Tỉnh ủy tiếp tục đặt ra yêu cầu phải xây dựng thành phố Nam Định thành một đơn vị kinh tế hoàn chỉnh, có chức năng quản lý các hoạt động kinh tế, hành chính, dân cư, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh và xác định rõ mỗi phường là một đơn vị kinh tế cơ sở, có kế hoạch và ngân sách, có chức năng quản lý toàn diện các hoạt động kinh tế - xã hội. Việc xây dựng thành phố vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nguyện vọng chung của cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh, do đó tỉnh phải có trách nhiệm đầu tư thoả đáng cả về vật chất, tinh thần cho việc xây dựng thành phố. Sự chỉ đạo của Tỉnh ủy đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển của thành phố trong những năm tiếp theo.
Do những khó khăn chung của nền kinh tế hàng hoá, vật tư khan hiếm nên lĩnh vực phân phối lưu thông luôn diễn biến phức tạp. Phần lớn vật tư, hàng hoá thiết yếu đã sử dụng vào thu mua trao đổi theo hợp đồng hai chiều và phương thức thoả thuận với nông dân; hệ thống bán lẻ của Nhà nước hoạt động khó khăn. Nhằm quản lý thị trường và ổn định đời sống, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V), tháng 7-1984 đã ra nghị quyết về những nhiệm vụ cấp bách trong công tác cải tiến quản lý kinh tế. Nghị quyết chỉ ra phương hướng cải tiến cơ chế quản lý kinh tế và giải quyết vấn đề cấp bách của lưu thông phân phối, từng bước xây dựng cơ chế kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Ngày 12-7-1984, Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 46-CT/TU chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện Nghị quyết 06 của Trung ương, trong đó nhấn mạnh phải tập trung tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về Nghị quyết; xác định chương trình hành động thiết thực và biện pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết; tạo ra sự chuyến biến mạnh mẽ trong quản lý kinh tế ở mọi ngành, mọi cấp, đặc biệt là trong lĩnh vực phân phối lưu thông.
Ngày 17-6-1985, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) ra Nghị quyết số 25-NQ/TW về giá - lương - tiền. Thực hiện nghị quyết của Trung ương, từ ngày 10 đến ngày 12-7-1985, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp bàn biện pháp thực hiện, xác định việc xoá bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp trong giá và lương là yêu cầu cấp bách, khâu đột phá có tính chất quyết định và là sự đổi mới có ý nghĩa cách mạng cả về lý luận và thực tiễn. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhằm tạo được những chuyển biến mạnh mẽ theo đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương. Trong chỉ đạo thực hiện, Tỉnh ủy nhấn mạnh cần khẩn trương, tích cực chuẩn bị chu đáo và vững chắc các điều kiện về tư tưởng, tổ chức cán bộ, nắm nguồn hàng, nắm tiền và tăng cường quản lý thị trường, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8. Đây là công tác trọng tâm đột xuất trong năm 1985, là vấn đề hết sức quan trọng, quan hệ đến mọi cấp, mọi ngành, nên lãnh đạo chỉ đạo phải vừa tích cực, khẩn trương, kiên quyết, vừa thận trọng, vững chắc. Đồng thời Tỉnh ủy chỉ đạo tiến hành làm trước việc bù giá các mặt hàng cung cấp theo định lượng và không định lượng vào lương và đưa lương đã bù giá vào giá thành sản phẩm. Trong tháng 7 tiến hành làm điểm, tháng 8 sẽ tiến hành mở rộng ra toàn tỉnh. Ngày 29-7-1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Kế hoạch số 119-KH/TU thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về giá - lương - tiền, thành lập Ban chỉ đạo giá - lương - tiền ở các huyện, thành, thị, các đơn vị sản xuất kinh doanh để chỉ đạo thực hiện chủ trương trên.
Tháng 9-1985, Nhà nước tiến hành đổi tiền trong toàn quốc. Trong quá trình thực hiện, do chủ quan nóng vội, chưa chuẩn bị kỹ nên kết quả thu được không cao, gây nhiều biến động xã hội, có những phức tạp mới, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, đặc biệt, mặt trận phân phối lưu thông có nhiều diễn biến phức tạp, gay gắt. Để đưa công tác quản lý đi vào nền nếp, tỉnh chỉ đạo ngành thương nghiệp đẩy mạnh tổ chức thu mua, nắm nguồn hàng, huy động các nguồn vốn trong tỉnh, mở rộng liên kết với các tỉnh bạn, phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, hoạt động thu mua hàng địa phương, nhất là thu mua lương thực và những nông sản chủ yếu tăng lên, đạt từ 15-21% tổng sản lượng lương thực hằng năm. Từ năm 1983 đến 1985, các chỉ tiêu về giá trị đều đạt và vượt kế hoạch, bảo đảm cung cấp các mặt hàng theo định lượng đối với công nhân viên chức và lực lượng vũ trang. Một số mặt hàng thu mua tăng khá như: lạc củ tăng 135%, đay tăng 204%, cói tăng 21,3%, thuốc lá tăng 116%. Việc thực hiện cơ chế một giá góp phần giữ giá cả thị trường. Có những chuyển biến tích cực trong việc tổ chức kinh doanh và tinh thần phục vụ của thương nghiệp. Nhiều chỉ tiêu nghĩa vụ đóng góp cho Trung ương đạt và vượt kế hoạch, trong đó lợn hơi tăng 36,3%; lạc củ tăng 43%; cói tăng 20%; thuốc lá tăng 1,5 lần so với nhiệm kỳ trước. Huy động lương thực cho Nhà nước mỗi năm trung bình hơn 161 ngàn tấn, đạt gần 95% kế hoạch.
(còn nữa)