Đảng bộ lãnh đạo bước đầu chuyển đổi cơ chế quản lý KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh (Kỳ 5)

02:06, 28/06/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Ngành bưu điện đã tập trung vào việc sắp xếp lại tổ chức, đầu tư trang thiết bị, phục vụ hoạt động của các cấp, các ngành, nhất là khi có sự kiện đột xuất, đảm bảo thông tin liên lạc thông suổt. Ngành điện lực có nhiều cố gắng phục vụ sản xuất và đời sống, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, khắc phục hậu quả thiên tai....

    Xác định xuất nhập khẩu là một vấn đề chiến lược và mũi nhọn kinh tế quan trọng, Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở phải xây dựng mục tiêu, kế hoạch, biện pháp đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, bảo đảm nghĩa vụ Trung ương giao và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Ngày 10-11-1983, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ năm (khoá III) ra Nghị quyết chỉ đạo về tăng cường đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu những năm 1983-1985. Tỉnh ủy chỉ rõ để thực hiện thắng lợi công tác xuất nhập khẩu, các cấp, các ngành cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quan điểm tự lực, tự cường, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng; phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia sản xuất và triệt để tiết kiệm tiêu dùng, dành nhiều hàng tốt, hàng có giá trị cho yêu cầu xuất khẩu. Ngày 4-5-1984, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 15-NQ/TU chỉ đạo đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu của tỉnh. Thực hiện chủ trương trên, tỉnh tiến hành quy hoạch và tổ chức phát triển xây dựng những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cói, đay, lạc, đậu tương, bánh đa nem, khăn bông; tranh thủ làm hàng gia công xuất khẩu, tận dụng cả các mặt hàng có khối lượng ít nhưng giá trị thu ngoại tệ cao như tinh dầu, vừng, ớt, tỏi, long nhãn; mở rộng hoạt động kinh doanh, dịch vụ, khuyến khích mọi gia đình, đơn vị đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm tiêu dùng để tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu. Do những cố gắng đó, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh đã có bước phát triển mới. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 1985 đạt 60 triệu đồng, tăng 3,6% so với kế hoạch và tăng 14,4% so với năm 1984. Các mặt hàng xuất khẩu từ nguyên liệu địa phương tăng 84,7%.

Khởi công xây dựng trung tâm ao cá Bác Hồ - đồi Anh hùng tại thành phố Nam Định, năm 1979.
Khởi công xây dựng trung tâm ao cá Bác Hồ - đồi Anh hùng tại thành phố Nam Định, năm 1979.

    Đi đôi với đẩy mạnh xuất khẩu, công tác nhập khẩu có tiến bộ, cơ bản đúng hướng phục vụ sản xuất và tiêu dùng, hàng năm tỉnh nhập về 1/3 lượng phân đạm, một phần phân lân, thuốc trừ sâu cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp; sắt thép, xi măng, sợi, nhựa phục vụ cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và một số hàng hoá tiêu dùng phục vụ đời sống. Nhờ vậy xuất nhập khẩu đã gắn bó hơn với nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm và cân đối tiền hàng, ngân sách của địa phương, phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

    Ngành tài chính tích cực khai thác tăng thêm các nguồn thu, nhất là các nguồn thu chủ lực; phối hợp các cấp, các ngành giúp cho các đơn vị kinh tế quốc doanh mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để tạo ra những nguồn thu lớn hơn. Với những giải pháp đó, tình trạng thất thu giảm dần, nguồn thu đảm bảo hơn. Năm 1985, thu trên địa bàn đã đảm bảo được 48% chi ngân sách địa phương. Phong trào xây dựng ngân sách xã được tiếp tục đẩy mạnh.

    Để củng cố hoạt động ngân hàng, ngày 10-11-1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 61-CT/TU chỉ đạo về công tác ngân hàng. Ngành ngân hàng đã chủ động kết hợp với ngành thương nghiệp, tài chính và các ngành khác tìm biện pháp giải quyết quan hệ cân đối giữa tiền - hàng trên thị trường; có biện pháp quản lý tiền mặt và huy động các nguồn vốn nhàn rỗi, nhất là phát động phong trào gửi tiết kiệm. Do đó, thực hiện tốt hơn chức năng thanh toán và quản lý, cải tiến và mở rộng công tác tín dụng, đầu tư đúng hướng, có hiệu quả, phục vụ cho sản xuất và đời sống.

    Trên lĩnh vực đầu tư và xây dựng cơ bản, chủ trương của tỉnh là cải tiến công tác đầu tư, thực hiện phương châm kết hợp Nhà nước và nhân dân cùng làm để tiếp tục đầu tư xây dựng cơ bản, tăng cường thêm cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống. Trong thực hiện, tỉnh chỉ đạo tiến hành kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả những công trình còn dang dở; điều chỉnh, bố trí lại cho phù hợp với khả năng tiền vốn, vật tư hiện có; rà soát, dừng những công trình chưa có hiệu quả hoặc chưa thật cần thiết, tập trung vào thi công dứt điểm những công trình trọng điểm, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Hướng đầu tư là tập trung cho yêu cầu nông nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Vốn đầu tư xây dựng tăng từ 7,729 triệu đồng năm 1981-1982 lên 35,29 triệu đồng những năm 1983-1985.

    Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, sau khi xem xét đề án quy hoạch cải tạo xây dựng thành phố Nam Định trong những năm 1980 do Viện Thiết kê trình bày, ngày 27-1-1983, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 31-NQ/TU khẳng định việc xây dựng cải tạo thành phố Nam Định là cần thiết và phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu thành phố Nam Định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Hà Nam Ninh, đồng thời để thành phố công nghiệp xã hội chủ nghĩa, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, chủ yếu là công nghiệp dệt, chế biến thực phẩm, cơ khí tiêu dùng và phục vụ nông nghiệp giao thông vận tải. Thành phố Nam Định còn là đầu mối giao thông có tính chất trung chuyền cả về đường bộ, đường sắt, đường thuỷ. Quy mô dân số khoảng 18 vạn người vào năm 1990; 20 vạn người năm 2000. Địa giới thành phố sẽ được mở rộng ra hai bên bờ sông Đào và một số xã ngoại thành. Tỉnh sẽ đầu tư xây dựng một số cơ sở kinh tế, văn hoá và nhà ở phục vụ nhu cầu sinh hoạt và đời sống của nhân dân.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com