Đảng bộ lãnh đạo bước đầu chuyển đổi cơ chế quản lý KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh (Kỳ 4)

03:06, 23/06/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Cùng với phát triển chăn nuôi, lĩnh vực làm muối cũng được phát triển, sản xuất muối từ năm 1981 đến 1983 tăng 25% mỗi năm, đạt 90.000 tấn năm 1982, 117.000 tấn năm 1983. Năm 1985 do ảnh hưởng thời tiết, song cũng đạt 95.300 tấn.

    Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng được chú trọng đầu tư phát triển. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ III của tỉnh chỉ rõ phải tăng cường phát triển công nghiệp địa phương, từng bước tạo sự liên kết giữa công nghiệp và nông nghiệp. Những năm 1981- 1982 tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình trạng mất cân đối giữa yêu cầu sản xuất và khả năng cung ứng năng lượng, vật tư diễn ra khá phổ biến. Nhà nước chỉ cung cấp được 50% yêu cầu nguyên vật liệu; mất điện xảy ra thường xuyên gây ảnh hưởng đến sản xuất. Thực hiện Quyết định số 25/CP ngày 21-1-1981 của Hội đồng Chính phủ về một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh, Quyết định số 26/CP ngày 21-1-1981 của Hội đồng Chính phủ vể việc mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng các hình thức tiền lương trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh của Nhà nước và Quyết định số 64/CP ngày 23-2-1981 của Hội đồng Chính phủ về việc giao nộp sản phẩm các xí nghiệp quốc doanh và tập trung các nguồn thu tiền mặt vào Nhà nước, ngày 9-7-1981, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 34-CT/TU chỉ đạo triển khai thực hiện các quyết định của Hội đồng Chính phủ về cải tiến quản lý ở các đơn vị sản xuất kinh doanh trong tỉnh. Các xí nghiệp được phép xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh tế ba phần: phần Nhà nước giao, phần tự làm và phần sản phẩm phụ; đồng thời mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm, tiền thưởng trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ thế, nhiều ngành công nghiệp đang có nguy cơ ngưng trệ như công nghiệp cơ khí, công nghiệp thực phẩm được phục hồi. Trước yêu cầu phát triển và nhu cầu quan hệ, liên kết mới của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngày 15-2-1984, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 14-CT/TU chỉ đạo về việc tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác liên kết kinh doanh. Việc thực hiện các chỉ thị trên có tác dụng thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh phát triển. Nhiều sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch như: vải, sợi, thiết bị nông cụ, phụ tùng ô tô, xe đạp, thuốc chữa bệnh, vôi, đá gạch, chiếu cói; có 5 sản phẩm tăng từ 3-10%. Đặc biệt ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh có thêm nhiều sản phẩm mới và một số sản phẩm đã được cấp dấu chất lượng Nhà nước. Bốn ngành mũi nhọn là ngành dệt, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến lương thực, thực phẩn chiếm từ 60-66% giá trị sản lượng toàn ngành. Nhiều sản phẩm công nghiệp đã phục vụ ngày càng thiết thực cho sản xuất nông nghiệp như: máy xay xát, máy tuốt lúa đạp chân thuyền xi măng, cày bừa thủ công, cào cỏ cải tiến, xe cải tiến máy nghiền thức ăn gia súc... Bình quân trong 5 năm, giá trị tổng sản lượng công nghiệp đạt 1 tỷ 974,5 triệu đồng/năm bằng 103,9% kế hoạch, trong đó, quốc doanh chiếm gần 30% (trên 600 triệu đồng); tiểu thủ công nghiệp chiếm hơn 60% (gần 1.330 triệu đồng). Một số xí nghiệp đã có chuyển biến theo hướng xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, làm ăn có lãi, đóng góp vào phát triển kinh tế  địa phương. Tuy nhiên, trong việc sắp xếp, tổ chức chỉ đạo và thực hiện của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp triển khai còn chậm và nhiều lúng túng, nhất là việc xác định ranh giới kế hoạch ba phần; tốc độ phát triển của ngành công nghiệp địa phương chưa ổn định, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp và còn mặt giảm, vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu phát triển.

    Trước những khó khăn về vốn, nhiên liệu và sự xuống cấp của phương tiện, cơ sở vật chất, để phát triển ngành giao thông vận tải phục vụ cho sản xuất và đời sống, tỉnh chỉ đạo ưu tiên tiền vốn, vật tư để ngành giao thông vận tải tập trung sửa chữa những phương tiện hư hỏng, đóng thêm nhiều phương tiện mới, chú trọng mở rộng hệ thống bến cảng, phương tiện bốc xếp, cải tạo mặt đường, đẩy mạnh phong trào giao thông nông thôn... Các tuyến đường và cầu cống hư hỏng thường xuyên được tu bổ, sửa chữa như: quốc lộ 21, quốc lộ 10, các tuyến đường tỉnh như đường 12, 51, 54, 55, 56... Kết quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa đường sá, cầu cống năm 1985 đạt 176% kế hoạch; với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã huy động được 76,8 triệu đồng. Bên cạnh đó, vận tải đường thủy cũng phát triển, góp phần tích cực vào việc cân đối vận tải trên địa bàn tỉnh. Ngành giao thông đã thành lập các đại lý vận tải để phục vụ cho chuyên chở các mặt hàng chủ yếu như phân bón hoá học; thóc cho nhà máy xay; lương thực, muối, hàng xuất khẩu. Năm 1985, khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 1.467 triệu tấn; vận chuyển hành khách đạt 1,933 triệu lượt hành khách (bằng 98,5% kế hoạch về lượt người và 105% kế hoạch về lượt người/km)...

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com