Trong không khí ấm áp của những ngày đầu xuân mới, chúng tôi được gặp và trò chuyện với những cựu thanh niên xung phong (TNXP) để cùng ôn lại những năm tháng hào hùng tham gia mở đường và xây dựng chủ nghĩa xã hội khi hòa bình mới lập lại, những người đã một thời chịu nhiều khó khăn, gian khổ xây dựng “Con đường Hạnh phúc” ở tỉnh Hà Giang.
Xuất thân từ một gia đình thuần nông, những năm 1960 khi còn đang học lớp 6 ở trường cấp 2 xã Hải Lộc (Hải Hậu), ông Phạm Văn Phấn hiện ở phường Vị Hoàng (TP Nam Định) nghe thông tin Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc huy động lực lượng thanh niên lên đường tham gia mở đường ở Hà Giang, ông Phấn đã cùng với 6 thanh niên trong xã đăng ký tham gia. Nhớ lại những ngày ấy, ông Phấn chia sẻ: “Vào tháng 3-1963, được công trường Đồng Văn về tuyển TNXP đi mở đường, tôi và anh Thùy ở cùng xã đã vận động thêm 4 thanh niên khác cùng đi tuyển. Khi đi tuyển chúng tôi đã giấu gia đình không cho ai biết, đến lúc trúng tuyển phải tập trung mới báo cho gia đình biết, mọi người đều bất ngờ. Lúc lên đường các mẹ chỉ gói tạm cho mấy củ dong riềng luộc để đi ăn đường… Khi lên tới Thị xã Hà Giang, một thị xã thưa thớt và buồn tẻ, đoàn TNXP của ông Phấn ở tập trung được vài tuần học chính trị, sau đó được phân bổ về các đơn vị công trường. Ông Phấn khi đó được phân về đơn vị C2 nghiệp dư công trường, đây là đơn vị vừa làm đường, vừa chịu trách nhiệm phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho đơn vị. Đơn vị của ông Phấn sau đó được phân công làm tiếp con đường từ Lũng Cẩm đến Xà Phìn dài khoảng 30km. Những ngày đầu cùng anh em trong đơn vị nhận nhiệm vụ, chàng thanh niên trẻ không dấu nổi niềm nhớ nhà và có chút sợ hãi khi phải sống trong cảnh rừng núi heo hút. “Ngày đó, ai trong đơn vị tôi cũng thuộc nằm lòng những bài vè như: “muỗi Pắc Sum - hùm làng Đán”, “vắt Cán Tỷ - phỉ Đồng Văn”, nghe thế chúng tôi cũng sợ lắm. Tôi còn nhớ, một lần đơn vị nghỉ dừng chân ở lán trại Cán Tỷ. Đêm đó trời dông gió kéo theo cơn mưa rừng rất to. Mưa to thì đá lở, nửa đêm đá mồ côi trên đỉnh núi đổ xuống ầm ầm. Bất ngờ một hòn đá to bằng mũ cối xuyên qua mái tranh rơi ngay cạnh một đồng đội đang nằm ngủ say. Anh này sợ quá kêu thất thanh làm cho cả đơn vị đều giật mình hoảng sợ vì tưởng là thổ phỉ tấn công bằng đá núi. Chúng tôi sau đó vội vàng hô nhau chui xuống… gầm sàn, sau hàng tiếng đồng hồ mới dám ra ngoài”, ông Phấn chia sẻ về những khó khăn trong thời gian đầu đơn vị ông nhận nhiệm vụ làm đường. Tuy nhiên, đó chưa phải là những khó khăn, gian khổ nhất. Điều kiện sinh hoạt của những cựu TNXP tham gia mở “Con đường Hạnh phúc” khi đó rất tạm bợ. Lán trại, nơi ăn chốn ở đều làm bằng tranh tre, nứa lá hết sức thô sơ. Mùa hè nắng đến cháy da, rát thịt, mùa đông thì ẩm ướt, rét mướt. Giữa chốn rừng thiêng nước độc, muỗi rừng, vắt rừng còn thi nhau hoành hoành, rồi thiếu nước sinh hoạt, thiếu rau xanh, quần áo… Và trong ký ức của ông Phấn không thiếu những lần đói cơm, thức ăn chính quanh năm chủ yếu là ngô, sắn, mắm tôm, mắm cá… Vật chất, điều kiện sống vất vả là thế nhưng những TNXP trẻ chưa bao giờ chùn bước. “Bởi chúng tôi nghĩ, đây là tuyến đường quan trọng, huyết mạch nối liền trung tâm tỉnh Hà Giang lên 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh, mang lại hạnh phúc ấm no cho hàng vạn đồng bào các dân tộc”, ông Phấn chia sẻ. Năm 1964, đơn vị ông Phấn chuẩn bị cho “trận chiến đấu” cuối cùng qua dốc Mã Pí Lèng để thông đường lên Mèo Vạc. Đây là đoạn đường hết sức hiểm trở bởi trước đó, nếu dân bản địa muốn vượt qua con dốc này, sức người là rất… hạn hữu, họa chăng chỉ có ngựa thồ và… thổ phỉ. “Địa thế của khu vực này khi đó rất hiểm trở, một bên là núi cao thăm thẳm, dưới chân là vực sâu cả nghìn mét, nơi dòng sông Nho Quế uốn lượn quanh co. Vì vậy, để làm đường, chúng tôi chỉ còn cách “treo mình” lên các vách đá để đi lên”, ông Phấn cho biết thêm. Nguy hiểm là thế nhưng hằng tuần, hằng tháng những chàng trai trẻ của đơn vị với bảo hiểm thô sơ vẫn dũng cảm treo trên độ cao 1.500m so với mực nước biển, 50-60m so với mặt đường để làm nhiệm vụ. Trung bình 8 tiếng/ngày treo mình trên đá, áp vào đá để hoàn thành công việc, tối về ai nấy người mỏi nhừ, chân tay không buồn nhấc. Nhưng khi ngày mới bắt đầu họ lại lao vào công việc, đến bữa cơm trưa, cấp dưỡng cũng chỉ có thể phục vụ anh em đồng đội được cơm nắm (ưu tiên không độn ngô sắn) kèm với cá khô. Muốn lấy được thức ăn, họ nghĩ ra cách thả dây xuống dưới chân núi câu cơm cùng với mấy bi đông nước cơm cháy thay nước chè... Và trong những ngày tháng gian khổ làm đường, không thiếu những đồng đội của ông Phấn đã vĩnh viễn nằm lại giữa rừng xanh núi đỏ. Có những người bị tai nạn lao động, có người bị thổ phỉ tấn công, có những người chết do sốt rét… Tuy nhiên không vì thế mà “Con đường Hạnh phúc”, đoạn “gai” nhất Mã Pí Lèng không hoàn thành. “Bởi đó là nhiệm vụ của chúng tôi, là quyết tâm của những người TNXP”, ông Phấn cương quyết nói. Và ngày mà đỉnh Mã Pí Lèng được chinh phục, khai thông trong niềm vui mừng của tất cả mọi người, đơn vị ông được đánh giá là đơn vị thi đua xuất sắc nhất.
|
Cựu TNXP Phạm Văn Phấn, phường Vị Hoàng (TP Nam Định) ôn lại ký ức những ngày đi mở “Con đường Hạnh phúc”. |
Bên cạnh nhiệm vụ thi công mở đường, trong thời gian được giao nhiệm vụ làm “Con đường Hạnh phúc”, Ban chỉ huy công trường còn phân công cho đơn vị ông Phấn nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giải thích, phản bác lại những luận điệu phản động của địch cho nhân dân địa phương. Nói cách khác, họ phải làm công tác dân vận để sao cho người địa phương hiểu, tin tưởng vào đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giúp đỡ, cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đơn vị TNXP mở đường. Bên cạnh nhiệm vụ mở đường, những TNXP cũng phải là 1 người lính. Họ còn thường xuyên luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ công trường, bảo vệ đơn vị. Ngày đi làm, tối đến họ chia nhau canh gác. Trải qua 2 năm với những nỗ lực và quyết tâm không ngừng nghỉ của những cựu TNXP, ngày 10-3-1965 lễ khai thông con đường từ Hà Giang đến huyện Mèo Vạc dài 185km được long trọng tổ chức tại sân vận động huyện Mèo Vạc. Và đó là “Con đường Hạnh phúc” Hà Giang - Đồng Văn, tuyến đường được đổi bằng máu, nước mắt của bao người TNXP như ông Phấn. Hơn 50 năm đã qua đi nhưng những kỷ niệm, hoài bão về những năm tháng hào hùng của thời thanh xuân sôi nổi đi mở đường vẫn còn in trong tâm khảm, ký ức của những cựu TNXP nói chung và ông Phấn nói riêng. Đến nay, “Con đường Hạnh phúc” đã và đang góp phần to lớn cho sự phát triển của cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Xa con đường, ông Phấn cũng như nhiều cựu TNXP đi mở “Con đường Hạnh phúc” năm xưa trở lại với đời thường. Họ luôn giữ gìn và phát huy bản chất cao đẹp của người lính cựu TNXP, tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động của địa phương. Gian khổ đã đi qua, mất mát cũng đã từng, những con người từng trải qua mưa bom bão đạn như ông Phạm Văn Phấn càng thấy trân quý hơn giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Để có con đường với cái tên rất ý nghĩa “Hạnh phúc”, nhiều đồng chí, đồng đội của ông đã vĩnh viễn phải đánh đổi hạnh phúc riêng của mình. Tin rằng, với Tổ quốc, với thế hệ trẻ hôm nay những điều đó đã và luôn được ghi nhớ, khắc ghi./.
Bài và ảnh:
Văn Huỳnh