Tăng cường xây dựng Đảng bộ đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong điều kiện mới (Kỳ 2)

08:01, 14/01/2016

Tăng cường xây dựng Đảng bộ đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong điều kiện mới (Kỳ 1)

 (Tiếp theo)

    Phát huy kết quả triển khai ở Hải Hậu, Đảng bộ tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải tiến quản lý hợp tác xã ở các huyện Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Nam Trực trên tất cả các mặt. Qua công tác này, nhận thức của cán bộ và xã viên về quyển lợi và nghĩa vụ được nâng cao. Quy mô tổ chức quản lý, phân phối, điều hành có bước cải tiến rõ rệt. Bước đầu lợi ích của người lao động được chú ý. Các vấn để về giống, khoa học kỹ thuật được chú trọng. Tư tưởng của đại đa số xã viên được ổn định. Cán bộ và xã viên đã nhận rõ địa vị làm chủ của người lao động, tìm bước đi thích hợp để tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh sản xuất phát triển.

    Trong phạm vi toàn tỉnh, việc chuẩn bị triển khai đợt 2 được chuẩn bị khá tốt. Song trong việc hợp nhất các hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã lớn có nơi chưa nắm vững mục đích và điều kiện nên đã dẫn đến phát sinh tiêu cực, gây cho xã viên nhiều nỗi thắc mắc. Do vừa tiến hành cải tiến quản lý hợp tác xã vừa xúc tiến việc hợp nhất hợp tác xã đã tạo ra sự lúng túng trong chỉ đạo, kết quả đạt được không đồng đều, chuyển biến không mạnh và thiếu chắc chắn. Riêng tháng 10-1965, toàn tỉnh đã hợp nhất được 1.170 hợp tác xã nhỏ thành 462 hợp tác xã lớn, trong đó có 10 hợp tác xã toàn xã, xét duyệt 218 hợp tác xã từ bậc thấp lên bậc cao, phát triển 2.574 hộ, mở lớp bồi dưỡng cho 6.525 cán bộ quản lý hợp tác xã.

    Nam Hà là một trong những địa phương tăng cường đẩy mạnh thực hiện đợt 3 (vòng II) cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp nhằm hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. Trong quá trình chỉ đạo cuộc vận động, Đảng bộ đã chú ý giải quyết đúng đắn sự kết hợp giữa củng cố quan hệ sản xuất với đấu tranh xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát động thực hiện bốn phong trào nhằm động viên quần chúng tiến quân mạnh mẽ vào khoa học kỹ thuật, gắn chặt công tác quản lý với thực hiện các biện pháp kỹ thuật, với xây dựng củng cố các tổ đội chuyên môn và giải quyết các chế độ chính sách cụ thể trong hợp tác xã. Đặc biệt đã chú trọng kết hợp công tác giáo dục chính trị tư tưởng với xây dựng củng cố các cơ sở Đảng, đoàn; đào tạo đội ngũ cốt cán lãnh đạo. Đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua "đuổi kịp và vượt tiên tiến", động viên đông đảo quần chúng xã viên thực hiện bằng được mục đích, yêu cầu của cuộc vận động. Do không tìm được nguyên nhân gây ra sự trì trệ trong sản xuất hoặc còn né tránh khi nhìn vào sự thật nên đợt 3 của cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật lại rơi vào việc phát động những chiến dịch, những việc làm cụ thể để thúc đẩy sản xuất và được đánh giá "đó là cả quá trình nghiên cứu vận dụng thực hiện đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương và đã giành được thắng lợi rõ rệt trong việc củng cố hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới ở nông thôn".

    Những nhận thức chưa đúng trong chỉ đạo thiết kế và xây dựng mô hình hợp tác xã cùng với tư tưởng nóng vội, chạy theo phong trào, say sưa với thành tích nên địa phương một lần nữa lại bỏ qua những mâu thuẫn phát sinh trong hợp tác xã. Việc chuyển hàng loạt hợp tác xã từ bậc thấp lên bậc cao, tập thể hoá ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân trong khi các điều kiện về tiền đề chưa chín muồi đã làm tăng thêm những mâu thuẫn vốn có trong mô hình hợp tác hoá nông nghiệp. Các khó khăn do chiến tranh gây ra cộng với những tồn tại của phong trào đã làm cho nông nghiệp bước vào một giai đoạn sản xuất giảm sút.

    Quá trình chuyển hợp tác xã từ bậc thấp lên bậc cao, từ quy mô thôn sang quy mô toàn xã cộng với việc xây dựng hàng loạt cơ sở vật chất kỹ thuật không tính đến hiệu quả đã làm tăng chi phí sản xuất. Vốn tài sản hợp tác xã bị mất mát, hao hụt lớn, kinh tế hợp tác xã suy yếu nhiều. Tính đến năm 1967, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng:

    Các hợp tác xã nông nghiệp đã thu hút trên 93% số hộ nông dân lao động, trong đó có 85% tổng số hộ giáo dân; 63,9% số hợp tác xã có quy mô từ 101 ha trở lên; 96,7% hợp tác xã đã chuyển lên bậc cao.

Số hợp tác xã yếu kém từ 25,8% giảm xuống còn 12,7% với 69/103 hợp tác xã có hiện tượng tham ô, lợi dụng đã được giải quyết.

    Bón 8,8 tấn phân các loại/ha, bảo đảm mỗi lao động có 2 công cụ thường, 2 ha lúa có một cào cỏ cải tiến, 3 ha gieo trồng có 1 xe cải tiến, 6,4% diện tích canh tác được cày bằng máy, 49,5% hợp tác xã được trang bị cơ khí nhỏ, 33% hợp tác xã có tổ rèn, mộc.

    Mục tiêu 5 tấn thóc, 2 con lợn và 1 lao động/ha chưa được coi là một thể thống nhất và là biểu hiện của năng suất lao động; vì vậy mối có 46% diện tích cấy lúa đạt mục tiêu 5 tấn; 1,7 con lợn; 1,8 lao động/ha.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com