Tăng cường xây dựng Đảng bộ đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong điều kiện mới (Kỳ 1)

06:01, 12/01/2016

    Cùng với sự sáp nhập các đơn vị hành chính và hợp nhất các Đảng bộ cấp tỉnh và huyện, quy mô hợp tác xã và tỷ lệ hợp tác hoá cũng gia tăng theo chiều hướng lớn hơn và triệt để hơn.

    Sự phát triển quá nhanh của phong trào hợp tác hoá trong điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như trình độ quản lý của cán bộ hợp tác xã ngay từ đầu đã tỏ rõ sự bất cập và đã tạo ra một hệ quả là mức độ tập thể hoá càng cao thì hiệu quả sản xuất càng thấp; thu nhập của xã viên càng giảm, ngày càng thờ ơ với đất đai và công việc. Các nguyên tắc về tự nguyện và quản lý dân chủ bị vi phạm. Cho đến năm 1965, số hợp tác xã kém nát ở địa phương chiếm tỷ lệ khá cao. Tỷ lệ xã viên xin ra hợp tác xã có nơi như Xuân Thuỷ chiếm tới 15%. Mô hình hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, quy mô lớn, quản lý kế hoạch hoá tập trung, phân phối bình quân đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.

    Trước thực trạng trên, sau khi đã hoàn thành cải tiến quản lý hợp tác xã vòng I, Tỉnh uỷ đã quyết định tiến hành vòng II để tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoàn chỉnh định mức về lao động, chế độ tiền công, thực hiện chế độ "Ba khoán" và hoàn chỉnh hệ thống sổ sách, tiếp tục mở rộng quy mô hợp tác xã, đẩy mạnh phong trào hợp tác hoá.

    Đợt 1 của cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật vòng II được hoàn thành vào tháng 6-1965 tại 2.084 hợp tác xã và có chiểu hưóng tốt. Đã có 80% số hợp tác xã lập được kế hoạch. Cơ sở vật chất kỹ thuật của các hợp tác xã được tăng cường thêm một bước, nhất là thuỷ lợi. Sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng được chú trọng, đã hướng vào phong trào hợp tác hoá nông nghiệp nhiều hơn. Tuy vẫn còn 15 hộ xin ra hợp tác xã nhưng sáu tháng đầu năm 1965 lại có thêm 2.996 người trở thành xã viên. Các chỉ tiêu vẫn hướng vào việc đưa hợp tác xã lên bậc cao (68,3%) mặc dù qua phân loại số hợp tác xã được xếp loại tiên tiến chỉ có 8% trong khi loại trung bình còn tới 46,2% và yếu kém là 12,5%.

    Trên cơ sở kết quả đợt 1 (vòng II), ngày 8-10-1965, Tỉnh uỷ đã quyết định nhiệm vụ của đợt 2 là:

    Tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

    Gắn chặt hơn nữa việc hoàn thiện quan hệ sản xuất mới với việc phát triển lực lượng sản xuất.

    Tiếp tục nâng cao trình độ quản lý cả về ba mặt sản xuất, lao động và tài vụ. Bảo đảm cung cấp lao động để phát triển sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu khác. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ cơ sở trực tiếp sản xuất, phấn đấu tất cả các hợp tác xã đều có chi bộ Đảng và tổ chức đoàn, các đội đều có tổ Đảng.

    Phát động đợt giáo dục cán bộ, đảng viên, đoàn viên và xã viên làm cho mọi người nhận rõ tình hình và nhiệm vụ mới, bảo đảm sản xuất và chiến đấu tốt. Phải hết sức coi trọng phát huy dân chủ trên cơ sở đảm bảo quyền làm chủ tập thể của xã viên.

    Cùng với các nội dung trên, Tỉnh uỷ còn phát động bốn phong trào trong nông nghiệp:

    Phong trào kiến thiết đồng ruộng.
    Phong trào làm phân bón.
    Phong trào chọn giống, làm mạ tốt.
    Phong trào đẩy mạnh chăn nuôi.

    Được chọn để làm thí điểm đợt 2 (vòng II) của tỉnh, Hải Hậu đã tiến hành đợt đầu của cuộc vận động ở 25 xã bao gồm 103 hợp tác xã và đợt sau ở các xã còn lại, dự định kết thúc vào giữa năm 1966.

    Trong quá trình thực hiện, Hải Hậu gặp không ít khó khăn. Bọn phản động tung nhiều luận điệu xuyên tạc, gây tư tưởng hoang mang trong một số quần chúng. Ở một vài nơi chúng còn dựng lên hợp tác xã giả để chống lại cuộc vận động của ta. Một số đảng viên, cán bộ do nhận thức yếu, lại bị lợi dụng và lôi kéo nên có nhiều biểu hiện tiêu cực. Từ thực tế đó, Đảng bộ Hải Hậu đã xác định cải tiến hợp tác xã nông nghiệp lần này là cuộc đấu tranh gay go quyết liệt trên các lĩnh vực, nhất là về công tác tư tưởng; do vậy phải tập trung cao độ sự lãnh đạo, chỉ đạo, bổ khuyết uốn nắn kịp thời những lệch lạc trong quá trình thực hiện. Đến ngày 18-12- 1965, Hải Hậu đã hoàn thành vòng đầu của đợt 2, đưa thêm 1.004 hộ nông dân vào hợp tác xã, nâng tỷ lệ xã viên từ 82,3% lên 90,11%, trong đó xã viên là giáo dân từ 70,14% lên 82,3%; hợp nhất 94 hợp tác xã nhỏ thành 66 hợp tác xã, kiện toàn các ban quản trị với thành phần cơ bản tham gia tăng từ 80,5% lên 92,5%. Kết thúc vòng tiếp theo của đợt 2, các hợp tác xã đã xác định được phương hướng sản xuất, đưa chăn nuôi cân đối dần với trồng trọt. Cơ sở Đảng được củng cố và tăng cường một bước. Đã kết nạp thêm được 2.394 hộ vào hợp tác xã nông nghiệp, 6.536 hộ vào hợp tác xã mua bán và 2.576 hộ vào hợp tác xã tín dụng. Xã Hải Thịnh trước đây chỉ trồng được một vụ, năng suất thấp, đời sông nhân dân gặp nhiều khó khăn, qua cuộc vận động đã căn bản hoàn thành bờ vùng bờ thửa, xây dựng được phương hướng sản xuất nên thu mùa, làm chiêm đều nhanh gọn. Hợp tác xã An Trạch (Hải An) qua một năm đào đắp thuỷ lợi đạt mức bình quân 45m3/người. Sau hơn hai năm làm thuỷ lợi, tính đến tháng 9-1966, toàn huyện Hải Hậu đã đào đắp được 9.260 triệu mét khối với 4,769 triệu ngày công, xây đắp 79 công trình trung, đại thuỷ nông và 488 công trình tiểu thuỷ nông.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com