[links()]
(Tiếp theo)
Công tác tài chính, thương nghiệp và giá cả có nhiều cố gắng và tiến bộ mới trong việc bảo đảm các yêu cầu chính phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống, nhất là phục vụ nông nghiệp, tổ chức thu mua, gia công, nắm nguồn hàng, động viên các nguồn, tạo sự cân đối mới về cung cấp hàng hoá giữa trung ương và địa phương tạo mối quan hệ mới giữa tích luỹ và tiêu dùng. Do những khó khăn nhất định nên việc động viên khai thác nguồn thực phẩm và một số cây công nghiệp còn thấp và có hiện tượng giảm sút qua các năm. Song song với việc phát triển kinh tế, các hoạt động xã hội vẫn được đầu tư và đẩy mạnh.
Sự nghiệp giáo dục không ngừng phát triển. Phong trào bổ túc văn hoá được duy trì, kể cả những nơi chiến sự ác liệt. Các cấp học phổ thông, nhất là cấp II và cấp III vẫn phát triển cả đội ngũ giáo viên, trường lớp và học sinh. Phong trào "dạy tốt, học tốt" góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập theo tinh thần đào tạo con người phát triển toàn diện. Nhiều trường lớp đã biết vận dụng và phát huy kết quả trong việc kết hợp giữa học tập với lao động sản xuất và phục vụ chính trị, giữa giảng dạy và đào tạo đội ngũ giáo viên.
Tính đến giữa năm 1965, Nam Định là một trong bốn tỉnh được công nhận hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về bổ túc văn hoá, được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen của Bộ Giáo dục. Năm 1966-1967 thực hiện nhiệm vụ chuyển hướng cải cách giáo dục nên tốc độ phát triển trường lớp, đội ngũ giáo viên và học sinh tăng nhanh. Trong các kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc hai năm 1966-1968, năm nào tỉnh cũng đạt nhiều giải cao về cá nhân và đồng đội (năm 1966 có 24/73 giải; năm 1968 có 4 giải đồng đội và 27/51 giải cá nhân). Kết thúc năm 1968, ngành giáo dục địa phương đã xây dựng được nhiều lá cờ đầu trong phong trào thi đua "Hai tốt" như: Hải Cường (Hải Hậu - bổ túc văn hoá), Trực Bình (Nam Ninh - mẫu giáo Trường sư phạm 7+2 (sư phạm) và các trường phổ thông cấp I Hải Chính, cấp II Trần Đăng Ninh, cấp III Lê Hồng Phong. Vào dịp khai giảng năm học thứ tư chống Mỹ, cứu nước, ngày 25-10-1968, ngành giáo dục của tỉnh đã vinh dự được đón nhận thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Công tác văn hoá, thông tin, truyền thanh và báo chí đã có nhiều cố gắng bám sát các nhiệm vụ chính trị. Các hoạt động về văn công, chiếu bóng, triển lãm nhỏ, đèn chiếu truyền thanh đã phát triển với tốc độ rất nhanh. Hệ thống thông tin được thành lập từ trên xuống dưới. Các hình thức sinh hoạt văn hoá, nhất là phong trào ca hát, sinh hoạt câu lạc bộ, văn nghệ quần chúng và các hoạt động thông tin, cổ động được đẩy mạnh cả ở những nơi chiến sự ác liệt. Tính đến cuối năm 1967, trong phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", cả tỉnh có 655 tổ đội văn nghệ gồm 13.162 diễn viên. Tại hội diễn mùa xuân, toàn tỉnh có 450 tổ đội văn nghệ tham gia với 1.040 tiết mục. Ngoài các thư viện lớn ở Nam Định, Hải Hậu và Giao Thuỷ, trong tỉnh còn có 375 câu lạc bộ, 1.281 tủ sách. Số lượng báo Nhân dân và báo địa phương phát hành ngày một tăng. Đội ngũ cán bộ hoạt động nghệ thuật, báo chí, thông tin đã có ý thức đi vào thực tế sản xuất chiến đấu và đời sống để sáng tác.
Công tác y tế, thể dục thể thao có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân. Với phương châm phòng bệnh là chính, phong trào vệ sinh yêu nước nhất là cuộc vận động xây dựng nhà vệ sinh hai ngăn, đào giếng khơi, làm nhà tắm phát triển mạnh mẽ. Công tác tiêm chủng cũng được chú trọng. Mạng lưới y tế ngày càng mở rộng. Việc kết hợp giữa đông - tây y, điều trị nội trú và ngoại trú đã có tiến bộ. Các tuyến điều trị, nhất là tuyến huyện được chú trọng.
Từ năm 1965, hoạt động y tế đã chuyển hướng mạnh theo quy mô phân tán, tăng cường khả năng chữa bệnh cho tuyến huyện, mạng lưới nữ hộ sinh và cấp cứu cho tuyến xã. Hệ thống cấp cứu phòng không nhân dân, huấn luyện sơ cứu, tải thương, cứu thương, lập tủ thuốc và túi thuốc, quy định chế độ làm việc thích hợp với tình hình thời chiến được chú trọng. Đã tổ chức sáu bệnh viện cấp cứu cấp huyện, cử nhiều bác sĩ và cán bộ xuống cơ sở. Các huyện có dân số đông như Hải Hậu, Nghĩa Hưng đều có hai bệnh viện. Tính đến hết năm 1966, toàn tỉnh đã đào được 3.200 giếng, xây dựng được 119.000 hố xí hai ngăn và 7.000 nhà tắm. Các bệnh viện huyện đã giải quyết được 63% trường hợp phẫu thuật, cấp cứu kịp thời những người bị tai nạn chiến tranh, đào tạo bồi dưỡng được 1.500 cán bộ y tế trung, sơ cấp; Xí nghiệp dược phẩm được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Do có nhiều thành tích trong việc vận động nhân dân thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước và cấp cứu phòng không, tháng 3-1968, ngành y tế của tỉnh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Phong trào thể dục thể thao, nhất là năm môn rèn luyện phát triển rộng rãi trong thanh niên và dân quân tự vệ. Tháng 11-1966, đội tuyển bơi lội của tỉnh đoạt giải nhất đồng đội trong Đại hội bơi lội "chống Mỹ, cứu nước" toàn miền Bắc với tám huy chương vàng, sáu huy chương bạc, hai huy chương đồng. Ngoài ba vận động viên cấp 1 còn có một nữ vận động viên được chọn đi thi đấu tại Thế vận hội Ganepho vào trung tuần tháng 11-1966.
Công tác chính sách hậu phương quân đội được quan tâm, giải quyết tốt góp phần động viên thế hệ trẻ Nam Hà yên tâm chiến đấu. Việc giải quyết tốt chính sách đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh, sự quan tâm của các đoàn thể đối với những khó khăn của các gia đình chính sách đã ổn định tư tưởng chung ở hậu phương. Nhân dân trong tỉnh tuy còn khó khăn nhưng vẫn thực hiện tốt kế hoạch "K” của Trung ương giao cho tỉnh là đón nhận hơn 7.000 con em của Vĩnh Linh và phía nam, bố trí ăn ở, học tập trên địa bàn của tỉnh.
Dù còn nhiều thiếu sót nhưng mặt trận kinh tế - xã hội của Nam Hà trong bốn năm (1965-1968) đã có một bước tiến vượt bậc, khẳng định vị thế của một tỉnh giàu truyền thống khẳng định sự lãnh đạo của Đảng bộ đủ sức lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi thử thách mới.