Duy trì và đẩy mạnh sản xuất (Kỳ 3)

03:01, 05/01/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Công nghiệp địa phương thể hiện được ưu thế của mình trong thời chiến đối với việc phát huy tiềm lực phục vụ sản xuất, chiến đấu và tiêu dùng. Vượt qua mọi khó khăn về di chuyển, tổ chức dây chuyền sản xuất thích hợp ở nơi sơ tán và phân tán nên đã hạn chế được phần nào sự thiệt hại khi địch đánh phá. Thành phố Nam Định - trung tâm công nghiệp của tỉnh đã kịp thời chuyển hướng hoạt động để có thể vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa sản xuất dưới bom đạn của kẻ thù. Trong năm 1965, ngành công nghiệp và thủ công nghiệp không đạt được giá trị tổng sản lượng theo kế hoạch (91,86%) do chuyển hướng sản xuất từ tập trung ở thành phố sang sơ tán về nông thôn, nguyên liệu thiếu thốn. Năm 1966, tình hình chiến sự trở nên ác liệt hơn nhưng do ổn định được các cơ sở nên sản xuất được giữ vững và đẩy mạnh. Nhiều cơ sở công nghiệp mới được xây dựng và chuyển mạnh sang phục vụ nông nghiệp, phục vụ đời sống, góp phần bảo đảm giữ vững và ổn định những nhu cầu thiết yếu và hậu cần tại chỗ.

    Nhờ coi trọng công tác quản lý kinh tế ở xí nghiệp quốc doanh, củng cố quản lý ở khu vực hợp tác xã, từng bước thực hiện quy hoạch ngành nghề sản xuất nên trong năm 1967 đã có 20/40 xí nghiệp quốc doanh địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Một số xí nghiệp bị ngừng hoạt động liên tục do địch đánh phá, vẫn hoàn thành kế hoạch như cơ sở dệt, tơ, cơ khí, Hợp tác xã Tháng Mười, hợp tác xã Thép Mới, Xí nghiệp điện, sản xuất muối đã tận dụng thời tiết thuận lợi, đạt sản lượng 91.955 tấn. Tiềm lực công nghiệp được giữ vững và phát triển; phục vụ nông nghiệp tăng 20,22%; công nghiệp tăng 17,69%; giao thông vận tải tăng 49,12%; quốc phòng tăng 33,37%.

    Năm 1968, tiềm lực công nghiệp địa phương tăng lên đáng kể. Một số cơ sở công nghiệp mới được xây dựng và bắt đầu đi vào sản xuất. Trên địa bàn Nam Định lúc này, kể cả quốc doanh, công tư hợp doanh và đang xây dựng có 40 cơ sở sản xuất công nghiệp địa phương duy trì hoạt động.

    Từ một nền công nghiệp nặng về gia công, ngành công nghiệp của tỉnh đã đi vào khai thác và từng bước xây dựng nguồn nguyên liệu địa phương nhằm giảm tính chất gia công. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì tốc độ phát triển còn chậm, tác động đối với toàn bộ nền kinh tế địa phương còn yếu và chưa thật vững chắc, chưa gắn bó và phục vụ đắc lực cho nông nghiệp. Sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng bộ đối với công nghiệp địa phương tuy tiến bộ nhưng so với yêu cầu thì chưa cân xứng.

    Nam Định là tỉnh đồng bằng ven biển, có nhiều đầu mối giao thông quan trọng về thuỷ, bộ nên trong hoàn cảnh chiến tranh giao thông vận tải càng có vị trí quan trọng. Nhờ nhận thức đúng đắn việc vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân và quan điểm tự lực cánh sinh Đảng bộ đã động viên được đông đảo quần chúng đóng góp công sức, tiền của rất lớn vào việc đảm bảo giao thông. Hầu hết các đường liên thôn, liên huyện bị địch phá hoại hoặc huỷ diệt đều được củng cố và mở rộng. Nhiều đường vòng, đường tránh, cầu, phà được xây dựng thêm hình thành nhiều tuyến hướng.

    Chỉ tính riêng ba tháng cuối năm 1965, nhân dân trong tỉnh đã đào đắp được 20 vạn mét khối đất đá để cải tạo và rải thêm 125km đường, làm 2.400 km đường nông thôn, đường vòng tránh tạo điều kiện cho các loại xe cơ giới dễ dàng cơ động trên khắp địa bàn của tỉnh. Đã làm được 450 m cầu phao, 720 tàu và thuyền, 26 phà, 10 bến phà mới. Năm 1966, với quyết tâm giữ vững mạch máu thông suốt trong mọi tình huống, toàn tỉnh đã làm mới được 4.000km đường kết hợp với thuỷ lợi và đường nông thôn, đóng mới một số thuyền với trọng tải 2.000 tấn, đóng gần 5.000 xe thô sơ; vận tải đường bộ đạt 120%, đường thuỷ đạt 78% kế hoạch, cả tỉnh đã đầu tư 36 triệu ngày công đắp đường liên huyện, liên xã, đưa mức bình quân 16,5 ha gieo trồng có 1 km đường giao thông. Với thành tích đó, Nam Định được giữ vĩnh viễn lá cờ luân lưu "Làm giao thông nông thôn khá nhất" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều huyện, xã, hợp tác xã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 1967, tổng khối lượng hàng vận chuyển tăng 51,9% so với năm 1965, trong đó khối lượng hàng tự vận chuyển từ ngoài tỉnh về chiếm 75%, các yêu cầu về trung chuyển và vận chuyển phục vụ tiền tuyến đều vượt mức, kể cả yêu cầu đột xuất do Trung ương giao. Năm 1968, vận chuyển đưòng thuỷ và nội tỉnh đều tăng nhưng vận chuyển đường bộ và ngoài tỉnh giảm.

    Phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, cán bộ và công nhân ngành giao thông đã vượt qua khó khăn, xây dựng được nhiều công trình đòi hỏi kỹ thuật phức tạp (cầu bương, cầu phao bằng thuyền gỗ, cầu phao bằng thuyền nan, cầu dây cáp). Trên mặt trận này ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm quên mình.

    Công tác bưu điện đã khắc phục được nhiều khó khăn về vật chất và kỹ thuật để giữ vững thông tin liên lạc giữa tỉnh với Trung ương và tại địa phương; đảm bảo phục vụ chỉ đạo chiến đấu, phòng không, phòng chống lụt bão kịp thời, có hiệu quả. Việc phát hành báo chí được đẩy mạnh, số lượng sách báo đến hợp tác xã tăng hơn trước.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com