Xã Hải Phương (Hải Hậu) là vùng đất có quần thể di tích lịch sử - văn hóa phong phú với trên 20 di tích gồm: Đình, đền, chùa, nhà thờ, từ đường… Trong đó, di tích đền Bảo Ninh đã được Bộ VH, TT và DL xếp hạng cấp quốc gia.
Theo các tư liệu cổ, đền Bảo Ninh là di tích thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và tứ tổ khai sáng vùng đất Quần Anh xưa: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập cùng cửu tộc khai cơ: Lại, Nguyễn, Lê, Đỗ, Bùi, Phan, Đoàn, Trần, Vũ. Ngoài ra, đền còn thờ Dinh Điền sứ - Tiến sĩ Đỗ Tông Phát, người có công khai khẩn Tổng Quế Hải (một trong 4 tổng ngày đầu thành lập huyện Hải Hậu, năm 1888). Căn cứ văn bia tại di tích cùng với truyền thuyết địa phương, đền được xây dựng vào niên hiệu Tự Đức thứ 20 (1867), đến niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909) được làm lại với quy mô như hiện nay. Đền được xây dựng trên một khu đất có diện tích 3.600m
2 mặt quay về hướng Tây. Khu chính của đền gần 30 gian bao gồm Toà tiền đường, toà chữ “Công”, nhà thờ Tổ, phủ Mẫu. Ngoài vẻ đẹp và quy mô kiến trúc, đền Bảo Ninh còn lưu giữ một số đồ thờ tự quý, có giá trị nghệ thuật như: nhang án, ngai, tượng, khay, đài, hòm sắc, cửa võng, kiệu. Tất cả đều có kiến trúc độc đáo, chạm nổi cách điệu lá lật, long chầu mặt nguyệt, hổ phù, rồng bay, phượng múa, hoa lá, lưỡng long chầu nguyệt..., thể hiện tài nghệ điêu khắc độc đáo của các nghệ nhân xưa. Bên cạnh giá trị của kiến trúc nghệ thuật, đền Bảo Ninh còn là cơ sở cách mạng của tỉnh ủy, huyện ủy trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây là cơ sở thường xuyên tổ chức các cuộc họp bí mật của tỉnh, huyện và là điểm tập kết của lực lượng bộ đội, dân quân du kích trong trận đánh bốt Văn Đàn và Đông Biên. Tháng 8-1953, khi giặc Pháp quay trở lại chiếm đóng nhà tràng Đông Biên lần thứ 2, đền Bảo Ninh là nơi tập trung lực lượng dân quân du kích để trực chiến, chặn đánh các cuộc càn quét, cướp phá của địch; đồng thời còn tổ chức cứu chữa thương binh, mai táng bộ đội và du kích hy sinh. Sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, đền được huyện uỷ dùng làm địa điểm mở lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, tổ chức kết nạp Đảng viên mới. Trong những năm 1963-1964, đền trở thành trụ sở làm việc, hội họp của HTX, sau đó dùng làm trường học cho con em địa phương… Cùng với di tích lịch sử - văn hoá đền Bảo Ninh, những ngôi đền cổ trên địa bàn xã Hải Phương đều là những công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật độc đáo. Tiêu biểu như: Đền Ba Giáp, xóm 4; đền Ân Quan, xóm 5 mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn và cùng thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Các công trình tại 2 di tích trên đã bổ sung, hỗ trợ cho nhau để tạo thành một quần thể hoàn chỉnh. Mỗi kiến trúc tuy có những dáng vẻ khác nhau nhưng đều mang đậm bản sắc dân tộc. Tháng 5-2015, Sở VH, TT và DL cùng các ngành chức năng đã về thẩm định hồ sơ di tích và hoàn tất thủ tục xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh cho Đền Ba Giáp và Đền Ân Quan trong năm 2016.
|
Đền Bảo Ninh được Bộ VH, TT và DL xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia. |
Nhằm phát huy giá trị các di tích, thời gian qua, Đảng uỷ, UBND xã Hải Phương đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gắn với việc bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử - văn hóa của quê hương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích được thực hiện đúng quy định, đảm bảo chất lượng, giữ được kiến trúc gốc. Thực hiện Quyết định 252/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần tại tỉnh Nam Định đến năm 2015, từ nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân, các nhà hảo tâm, các tổ chức, đơn vị, địa phương và con em xa quê hương, đến nay, đền Bảo Ninh đã được xây dựng, tôn tạo lại một số hạng mục quan trọng đang xuống cấp như: xây mới sân khuôn viên, thay mới toàn bộ gạch trong đền, sơn tượng, xây tường bao… với kinh phí gần 1 tỷ đồng.
Để tưởng nhớ, tri ân công lao của Đức thánh Trần và các bậc tiền nhân, hằng năm, vào ngày mùng 10-3 âm lịch tại đền Bảo Ninh, ngày 20-8 âm lịch tại đền Ba Giáp và đền Ân Quan nhân dân địa phương lại mở hội làng truyền thống. Trước ngày mở hội, các gia đình trong làng sửa sang nhà cửa, đường dong, ngõ xóm để chuẩn bị rước, đón du khách thập phương và con em xa quê ở khắp mọi miền đất nước về dự hội. Ngoài các nghi lễ tế, rước truyền thống, đền còn tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, các trò chơi dân gian như: cờ tướng, tổ tôm điếm, múa sư tử, hát chèo, hát văn, ngâm thơ trước cửa đền làm cho không khí ngày hội thêm tưng bừng náo nhiệt.
Về Hải Phương hôm nay, không chỉ được chứng kiến cảnh đẹp của vùng quê ngày càng đổi mới mà còn được cảm nhận những giá trị văn hóa truyền thống các bậc tiền nhân để lại qua các ngày hội tại các di tích lịch sử - văn hóa của quê hương, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước./.
Bài và ảnh:
Khánh Dũng