[links()]
(Tiếp theo)
Đơn vị bộ đội thuộc Binh chủng Phòng không - Không quân đóng trên địa bàn Trực Ninh luôn nhận được sự thương yêu đùm bọc của nhân dân đã nhanh chóng triển khai phương án tác chiến. Nhiều xã, nhiều đơn vị dân quân du kích thuộc huyện Ý Yên nằm sát các trọng điểm giao thông như cầu Ninh Bình, cầu Tào, cầu Gián đã chủ động phối hợp với bộ đội đánh địch hàng trăm trận. Dân quân xã Yên Bằng đã 293 lần nổ súng chặn đánh máy bay địch khi chúng đánh phá cầu và thị xã Ninh Bình, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba (đơn vị Dinh Tuần). Dân quân Vọng Doanh (Yên Quang), nữ dân quân Ninh Hạ (Yên Ninh), nữ dân quân Bồng Quỹ (Yên Phong), dân quân Hoà Bình (Yên Lộc), công binh Hoàng Đan (Yên Hưng), dân quân Minh Thắng (Yên Chính), dân quân Đằng Chương (Yên Tiến) và hai xã Yên Phong, Yên Chính được tặng thưởng danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng". Huyện Vụ Bản trong năm 1966 đã huy động được 34.782 ngày công, đào 34.148 m3 đất để đắp ụ pháo hoặc công sự phòng không ở các trận địa trong huyện và ngoại vi thành phố Nam Định; huy động 2.815 bó rào, 1.147 cây chuối để nguỵ trang và tham gia xây dựng trận địa tên lửa ở vùng đồng chiêm trũng Yên Lộc (Ý Yên). Thực hiện Nghị quyết "Đường 10", Vụ Bản đã tổ chức 62 đội thanh niên xung phong cùng 7.000 dân quân tự vệ tổ chức trực chiến cố định hằng tháng ở các nhà ga, cầu cống, kho tàng, bến bãi để sẵn sàng bốc xếp, vận chuyển hàng hoá, xây dựng các tuyến đường tránh và đường nhánh, sửa chữa đường sắt và đường bộ. Khi địch đánh phá các cầu Tào, cầu Chuối, cầu Giành, cầu Bất Di... lực lượng thanh niên xung phong đã có sẵn cầu thuyền thay thế; góp hàng vạn ngày công tu sửa và mở rộng đường 56 - xương sống của huyện từ cầu Họ xuyên qua Hiển Khánh, Hợp Hưng, Trung Thành, Liên Bảo, Liên Minh tới Vĩnh Hào, Đống Cao. Ngày 10-10-1966, một tốp máy bay A4 đang bay trên vùng trời Nam Định, đột ngột một chiếc tách khỏi đội hình bổ nhào ném bom xuống cầu Chuối (trên đường 10), tổ trực chiến của năm nữ dân quân thuộc hai xã Lê Lợi và Liên Phương (Vụ Bản) làm nhiệm vụ bảo vệ cầu đã kịp thời nổ súng, bắn hạ bằng 37 viên đạn súng trường và bắt sống tên giặc lái. Cũng trong đêm 10-10, dân quân hai xã Giao Long và Giao Hải (Giao Thuỷ) đã bắn rơi một máy bay Mỹ ngay trên bãi biển. Ngày 6-11-1966, các chiến sĩ đồn Gót Chàng với một khẩu trung liên và ba súng trường đã bắn 24 viên đạn hạ một máy bay F105 tại cửa sông Ninh Cơ.
Khẩu đội nữ 14,5 ly Nhà máy đồ hộp xuất khẩu bắn rơi máy bay Mỹ vào tháng 5 năm 1972. |
Qua 20 tháng chiến đấu (22-5-1965 đến 21-2-1967), quân và dân địa phương đã giành được nhiều chiến công vang dội, bắn rơi nhiều máy bay địch, kết hợp thành công phương châm vừa đánh địch giỏi vừa phòng tránh tốt.
Từ ngày 22-2-1967 trở đi, địch leo thang chiến tranh đến đỉnh cao và cuộc chiến tranh phá hoại ở địa phương trở nên ác liệt hơn bao giờ hết. Địch tập trung đánh phá ác liệt vào thành phố Nam Định cùng lúc với các cơ sở công nghiệp và quốc phòng của miền Bắc. Sau mỗi đợt đánh phá thủ đô, địch lại tập trung vào đánh phá các thành phố và thị xã trong tỉnh, pháo kích vào các xã ven biển, nhất là các khu vực cửa sông lớn nhằm làm tê liệt sự vận chuyển của ta từ hậu phương ra tiền tuyến, ngăn chặn việc cơ động lực lượng của ta từ phía nam về bảo vệ thủ đô.
Với quyết tâm "Địch đến ta đánh để bảo vệ sản xuất, địch đi ta tiếp tục sản xuất, sẵn sàng chiến đấu. Địch đánh ngày ta sản xuất đêm, địch đánh đêm ta sản xuất cả đêm lẫn ngày. Mỗi người dân là một chiến sĩ kiên cường; mỗi làng là một pháo đài; mỗi hợp tác xã, xí nghiệp là một đơn vị sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, địa phương đã tiếp tục sáng tạo ra nhiều cách đánh, phát hiện được quy luật đánh phá của địch để chuyển hướng tập trung hoả lực đánh địch có trọng điểm, đánh chắc thắng. Phong trào nữ dân quân, tự vệ bắn máy bay được phát triển rộng rãi, lực lượng pháo thủ dự bị của dân quân tự vệ đủ để thay thế, bảo đảm chiến đấu liên tục.
Mặc dù các trọng điểm giao thông bị địch đánh phá rất ác liệt, song với tinh thần địch phá 1 ta làm 10 nên tốc độ vận chuyển hàng hoá ra tiền tuyến ngày một tăng. Riêng năm 1965, toàn tỉnh vận chuyển vượt kế hoạch: vận tải đường thuỷ 63%, đường bộ bằng khối lượng bốn năm trước cộng lại. Đến năm 1968 đã có gần một triệu tấn vũ khí, lương thực, hàng hoá từ hậu phương lớn qua đất Nam Định ra tiền tuyến lớn, góp phần tăng cường chiến đấu cho quân dân ta ở các chiến trường. Ở miền Nam, quân địch cũng bị thua đau ở chiến dịch mùa xuân Mậu Thân, buộc chúng phải xuống thang. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn đã phải tuyên bố ném bom hạn chế Bắc Việt Nam... Đối với địa phương, tuy chúng ngừng đánh phá nhưng vẫn tăng cường trinh sát bằng máy bay. Đến ngày 1-11-1968, đế quốc Mỹ phải thừa nhận chấm dứt hoàn toàn việc ném bom và bắn phá miền Bắc. Đây là thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của nhân dân cả nước.
Trong ba năm lãnh đạo quân và dân trong tỉnh chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, Đảng bộ đã có bước trưởng thành và thu được nhiều kinh nghiệm. Thắng lợi của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại đã bảo vệ được quê hương, bảo vệ được chính quyền và nhân dân. Qua thử thách, quần chúng nhân dân càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức đẩy mạnh tất cả các mặt sản xuất, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội và dốc toàn lực chi viện cho miền Nam.