[links()]
(Tiếp theo)
Sáng sớm ngày 24-8, nhiều tốp phản lực của địch đánh xuống Giao Phong, Giao Lâm và cầu Thức Khóa. Các chiến sĩ Đội thuyền 45 đã hợp đồng tác chiến, hạ 1 chiếc F4H tại cửa sông Sò. Với thành tích này, Đội thuyền 45 đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Trong tháng 9-1965, thành phố Nam Định vẫn là mục tiêu đánh phá của địch. Ngày 12-9, kho xăng dầu của Nhà máy Liên hợp dệt bị trúng bom bốc cháy. Lực lượng tự vệ của Nhà máy đã lăn lộn hàng chục tiếng đồng hồ để dập lửa, cứu được hơn 15.000 lít xăng và 4 máy hút dầu. Ngay đêm đó, một tốp máy bay địch lại ném bom vào thành phố, làm nhiều người chết và bị thương. Đêm 13-9, địch lại cho một tốp máy bay lẻn vào thành phố nhưng đã bị đơn vị tự vệ Nhà máy Liên hợp dệt phát hiện kịp thời, nổ súng chặn đánh khiến chúng phải trút bom bừa bãi rồi tháo chạy. Ngày 25-9, máy bay địch lại mò vào thành phố, bị pháo phòng không và các loại súng bắn đuổi, đã phải bay rà sát mặt sông Ninh Cơ để ra biển nhưng đã bị tổ trực chiến xã Hải Giang (Hải Hậu) với 12 viên đạn súng trường bắn hạ; chiếc máy bay trở thành một khối lửa lớn lao đầu xuống biển. Chiến công này đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.
Dân quân Nghĩa Lâm chở xác máy bay Mỹ. |
Trên địa bàn huyện Vụ Bản, dân quân tự vệ đã hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ trận địa tên lửa kể từ khi đơn vị bộ đội về đóng quân tại xã Kim Thái (28-9-1965). Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, quân và dân Vụ Bản đã đóng góp hàng ngàn ngày công để mở đưòng đưa tên lửa và các khí tài khác vào trận địa; đắp ụ ra đa, bệ phóng tên lửa, làm hầm hào công sự, nhà ở cho bộ đội, làm các trận địa pháo phòng không phối hợp và các trận địa giả để lừa địch. Hồi 17 giờ ngày 5-10-1965, Đội thuyền 45 lại đánh giỏi, bắn rơi một chiếc A4D tại vùng biển Giao Lâm bằng hai viên đạn súng trường.
Ở Hải Hậu, quân và dân địa phương vẫn tiếp tục lập nhiều chiến công giòn giã. Ngày 7-11-1965, du kích xã Hải Triều bắn rơi một máy bay Mỹ. Ngày 16-11-1965, lực lượng vũ trang Hải Thịnh lại bắn rơi một máy bay F105.
Sau gần một năm leo thang chiến tranh ra miền Bắc, đế quốc Mỹ không những không thực hiện được ý đồ ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam mà còn bị thất bại. Quân dân miền Bắc đã bắn rơi nhiều máy bay, bắn chìm nhiều tàu chiến và giữ vững sản xuất, tích cực chi viện cho miền Nam; quân dân miền Nam vẫn giữ vững thế trận tiến công. Từ ngày 27-12-1965, Mỹ tạm ngừng ném bom bắn phá miền Bắc (thời hạn 37 ngày) để thăm dò dư luận quốc tế và chuẩn bị mở đợt phản công quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn cuộc tiến công của quân ta vào mùa khô 1965 - 1966. Tận dụng thời gian ngắn ngủi ngừng chiến đó, Đảng bộ các vùng xung yếu đã mở hội nghị rút kinh nghiệm để hoàn chỉnh phương án đánh địch.
Ngày 2-2-1966, địch quay trở lại đánh lớn vào địa phương - trong đó tập trung vào thành phố Nam Định, đánh phá các đường giao thông, phong toả cửa sông, mặt biển, đường bộ cũng như đường thủy hòng chặn đứng sự chi viện cho cách mạng miền Nam; thực hiện âm mưu phá hoại các khu công nghiệp quan trọng (dệt, điện, muối), các công trình thuỷ lợi và tiềm lực kinh tế - quốc phòng. Các trận địa phòng không và hoả lực của lực lượng vũ trang cũng là mục tiêu tiến công của chúng nhằm làm tê liệt sức đề kháng, dễ dàng thực hiện ý đồ phá hoại giao thông, kinh tế và tiêu hao sinh lực của ta. Ngoài ra chúng còn tập trung vào việc đánh phá các mục tiêu không cố định, kết hợp với việc rải truyền đơn phản tuyên truyền thực hiện chiến tranh tâm lý làm nao núng quyết tâm; tổ chức bắt các thuyền đánh cá để khai thác, dụ dỗ thực hiện chiến tranh gián điệp biệt kích.
Quân và dân toàn tỉnh đã không hề nao núng, ngày đêm anh dũng đánh trả các đợt tiến công của máy bay địch. Ngày 27-2-1966, dân quân du kích xã Hải Chính (Hải Hậu) trong lúc đang huấn luyện trên trận địa đã nhanh chóng triển khai đánh địch và chỉ bằng 19 viên đạn súng trường đã bắn cháy một máy bay F105 - mở đầu cho phong trào thi đua bắn rơi máy bay Mỹ trong năm 1966. Đảng bộ tỉnh đã kịp thời biểu dương và phát huy những tấm gương chiến đấu dũng cảm của địa phương: "Chống chiến tranh phá hoại là sự nghiệp của quần chúng, muốn thắng lợi phải phát động quần chúng tự làm, phải quán triệt đường lối cách mạng và khi đường lối thâm nhập vào quần chúng thì sẽ trở thành sức mạnh vật chất. Chiến tranh thắng hay bại là do con người quyết định, ít vũ khí và vũ khí thông thường vẫn thắng được máy bay phản lực Mỹ như Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng), Hải Chính (Hải Hậu)".
(Còn nữa)