Ổn định tổ chức, chuyển mọi hoạt động sang thời chiến (Kỳ 5)

05:12, 10/12/2015

[links()]

    Bị thất bại ở miền Nam, giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, củng cố tinh thần cho nguỵ quân và nguỵ quyền, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm suy yếu tiềm lực kinh tê cũng như quốc phòng của miền Bắc.

    Bằng việc phát động chiến tranh nhân dân, bước đầu Đảng bộ và nhân dân địa phương đã từng bước làm thất bại ý đồ thực hiện chiến tranh phá hoại của địch, hạn chế được nhiều thiệt hại của ta. Lực lượng vũ trang địa phương đã trưởng thành nhanh chóng. Khí thế cách mạng của quần chúng ngày một nâng cao sản xuất vẫn được đẩy mạnh, kể cả các địa bàn bị liên tục đánh phá.

Tự vệ HTX dệt 19 tháng 5 tham gia những trận đánh máy bay Mỹ năm 1965.
Tự vệ HTX dệt 19 tháng 5 tham gia những trận đánh máy bay Mỹ năm 1965.

    Nhờ luôn luôn chủ động và sáng tạo tìm ra các phương thức đánh địch trong mọi tình huống nên ngay từ trận đọ lửa đầu tiên, quân và dân Nam Định đã nêu cao tấm gương dũng cảm và hợp đồng tác chiến có hiệu quả.

    Chín giờ sáng ngày 22-5-1965, một tốp máy bay F4 của không quân Mỹ vừa luồn sâu vào đánh phá Nông trường Rạng Đông, doanh trại các đơn vị Trung đoàn 154 và tấn công vào chiếc tàu của hải quân đang neo đậu ở vùng biển Hải Thịnh (Hải Hậu) cách đất liền lOkm. Thực hiện kế hoạch hợp đồng chiến đấu, các chiến sĩ công an nhân dân vũ trang đồn Gót Chàng cùng lực lượng du kích Hải Thịnh đã giương buồm ra khơi, vượt qua lửa đạn dày đặc của địch đến cứu tàu, băng bó và cấp cứu các chiến sĩ bị thương. Sau hơn một giờ vật lộn với sóng gió và bom đạn, đơn vị du kích Hải Thịnh đã đưa được 32 thuỷ thủ về đất liền một cách an toàn.

    Tiếp theo đó, ngày 25-6-1965, địch đánh phá Thịnh Long. Ngày 28-5, chúng bắn tên lửa vào thành phố Nam Định (khu vực kho xăng dầu, Nhà máy Liên hợp dệt) với ý đồ chọn ra lối đánh tối ưu vào thành phố đông dân cư, tập trung cơ sở công nghiệp vừa thăm dò dư luận vừa chuẩn bị mở rộng đánh phá các thành phố lớn khác (Hà Nội, Hải Phòng). Cán bộ, chiến sĩ Đội cơ động số 41 và 49 đã đồng loạt nổ súng cùng các lực lượng vũ trang khác đánh trả địch, hướng dẫn nhân dân trú ẩn, dập tắt đám cháy, cứu chữa kho bông, sợi của nhà máy, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân.

    Trong ngày 2-7-1965, quân và dân thành phố Nam Định đã cùng lực lượng phòng không trong tỉnh nổ súng đánh trả quyết liệt 12 máy bay địch đến gây tội ác, hạ 4 chiếc. Hai ngày sau (4-7), quân và dân thành phố lại bắn rơi 2 chiếc nữa khi chúng mò đến đánh phá, trong đó 1 chiếc nổ tan xác ngay trên bầu trời Nam Định. Chiến công liên tiếp của quân và dân thành phố đã xứng đáng nhận cò thưởng luân lưu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tự vệ thành phố và đoàn bộ đội phòng không được đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất, năm đơn vị bộ đội phòng không được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; các đơn vị tự vệ khác (Phân khu 4, Phân khu 6, Nhà máy Liên hợp dệt, Chi cục xăng dầu) được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam có điện mừng khẳng định "Nhân dân miền Nam vô cùng vui lòng mát dạ đón mừng tin chiến thắng vẻ vang của quân dân thành phố Nam Định đã anh dũng chiến đấu bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trừng trị đích đáng quân cướp nước, bắt chúng phải đền nợ máu".

    Liên tiếp các ngày 28 và 29-7; 3, 4-8-1965, máy bay Mỹ dồn dập đánh vào thành phố Nam Định – với mục tiêu trọng điểm là Nhà máy Liên hợp dệt. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt nên Nhà máy đã hạn chế được thiệt hại đến mức thấp nhất. Trải qua hơn một tháng chiến đấu, trong khu vực Nhà máy khi nào cũng có hàng trăm cán bộ, công nhân lăn lộn với nhiệm vụ chiến đấu và sản xuất nhưng chưa có ai bị thương vong.

    Chiến tranh phá hoại của kẻ thù ngày càng mở rộng thì phong trào săn máy bay Mỹ bằng súng bộ binh ngày càng phát triển. Toàn tỉnh đã tổ chức và huấn luyện được 315 tổ săn máy bay gồm 645 tay súng. Chiến công đầu tiên của tổ săn máy bay xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) bắn rơi chiếc A4 ngày 13-8-1965 đã là nguồn cổ vũ cho phong trào toàn tỉnh. Với chiến công này, Nghĩa Phúc đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và 32 huy hiệu "5 tháng 8" cùng chiếc mũ của dân quân bãi biển Hirông do phái đoàn quân sự Cuba chuyển tặng. Thành uỷ và nhân dân thành phố Nam Định được vinh dự đón nhận lá cờ truyền thống "Tiên phong anh dũng" do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trao tặng (20-8- 1965). Các đơn vị dân quân xã Yên Lương (Ý Yên), đội tự vệ Nhà máy tơ Nam Định, đơn vị dân quân xã Trực Cát (Trực Ninh) được đón nhận danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng".

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com