[links()]
(Tiếp theo)
Từ thực tế xây dựng các phương án tác chiến của cơ sở, tháng 6-1965 và tiếp đó là tháng 10-1965, Tỉnh uỷ đã có các nghị quyết về xây dựng làng chiến đấu nhằm phát động toàn dân sẵn sàng chủ động đánh địch bằng nhiều cách, trên nhiều mặt với khẩu hiệu "Mỗi người dân là một chiến sĩ kiên cường chống Mỹ, cứu nước; mỗi làng là một pháo đài; mỗi hợp tác xã là một đơn vị sản xuất và chiến đấu giỏi" để thắng địch trong mọi tình huống, tạo ra cơ sở rộng lớn góp phần xây dựng căn cứ chung của chiến tranh nhân dân đến thắng lợi hoàn toàn. Qua bốn tháng thực hiện, Tỉnh uỷ đã quyết định nhân rộng kinh nghiệm xây dựng làng chiến đấu theo mô hình Liên Minh (Vụ Bản), trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, triển khai được 155 làng chiến đấu ở khắp tỉnh theo sáu nội dung:
- Đảng bộ và chi bộ cơ sở lãnh đạo trực tiếp, toàn diện.
- Xây dựng hợp tác xã và kinh tế tập thể thật vững mạnh, có khả năng tự cung tự cấp và đáp ứng yêu cầu của nhà nước, của quốc phòng và đảm bảo cơ sở chiến đấu lâu dài.
- Quần chúng được tổ chức và phát động để không ngừng nâng cao giác ngộ giai cấp, tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản.
- Xây dựng lực lượng dân quân du kích đủ mạnh làm nòng cốt trong sản xuất và chiến đấu.
- Xây dựng chính quyền vững mạnh, có kế hoạch cải tạo và giám sát chặt chẽ bọn phản cách mạng, giữ vững trật tự an ninh.
- Cải tạo địa hình phù hợp với yêu cầu của phương án chiến đấu, sản xuất và đời sống.
Thực hiện đường lối quốc phòng toàn dân, Đảng bộ để không ngừng quan tâm củng cố xây dựng lực lượng quân sự địa phương. Giữ vai trò chiến lược trong chiến tranh nhân dân, lực lượng dân quân tự vệ đã trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt, số lượng thường xuyên bảo đảm khoảng 12% so với dân số; chất lượng về chính trị tư tưởng, kỹ chiến thuậi đều được nâng lên. Qua thực tiễn của phong trào thi đua Quyết thắng, lực lượng dân quân tự vệ đã phát huy tốt vai trò xung kích trên mọi lĩnh vực: sản xuất, chiến đấu, bảo đảm giao thông, bảo vệ trị an. Những đơn vị đạt danh hiệu Quyết thắng xuất hiện ngày càng nhiều. Lực lượng bộ đội địa phương và công an vũ trang cũng được củng cố về tư tưởng tổ chức, trang bị và nâng cao trình độ kỹ chiến thuật. Các đợt tuyển quân đều hoàn thành tốt cả về số lượng, chất lượng và thời gian, đặc biệt thanh niên theo đạo Thiên Chúa tham gia bộ đội ngày càng nhiều.
Nhờ có sự chuẩn bị tỉ mỉ, toàn diện để đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, trong ba năm từ 1965 đến 1968 quân và dân Nam Hà đã tổ chức tốt cuộc chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ. Đảng bộ đã chỉ đạo kết hợp giữa ba thứ quân một cách chặt chẽ; động viên một khối lượng lớn nhân tài, vật lực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu; sớm phát động được phong trào dân quân dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ. Thắng lợi trên cùng với những tiến bộ của phong trào quần chúng ở những nơi chiến sự xảy ra ác liệt và các vùng tập trung đông giáo dân là biểu hiện rực rỡ của phong trào chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại, chứng minh được sức mạnh của quan hệ sản xuất mới và sức mạnh của lực lượng tại chỗ đã góp phần xứng đáng vào những thắng lợi chung của quân dân cả nước. Cũng nhờ chỉ đạo kịp thời việc sơ tán, phân tán; từng bước đẩy mạnh công tác che phòng, nhất là ở một số khu vực trọng điểm chiến đấu; tích cực xây dựng và củng cố các tổ chức thông tin báo động, cứu thương, cứu hoả, cứu sập; nhanh chóng giải quyết hậu quả nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại về người và của, làm cho tỷ lệ thương vong ngày một giảm. Đảng bộ chú trọng xây dựng các phương án chuẩn bị đề phòng chiến tranh cục bộ, từng bước mở rộng việc xây dựng làng chiến đấu, củng cố vùng căn cứ và tiến hành diễn tập nhằm chủ động đối phó với địch trong trường hợp chúng liều lĩnh đánh ra miền Bắc, bảo đảm chiến đấu và chiến thắng ngay từ đầu.
Để chuẩn bị tốt cho cuộc chiến đấu, công tác an ninh được Đảng bộ đặc biệt quan tâm lãnh đạo.
Trong chỉ đạo đấu tranh chống phản cách mạng, giữ vững an ninh chính trị, Đảng bộ đã kết hợp đẩy mạnh cả hai phong trào bảo vệ trị an và bảo mật phòng gian phát triển lên một bước mới sâu rộng hơn. Công tác tập trung cải tạo và cải tạo tại chỗ được tiến hành thường xuyên. Việc xây dựng cơ sở vùng xung yếu, công tác trinh sát địch tình có tiến bộ. Một số tổ chức phản động vừa mới nhen nhóm đã kịp thời bị dập tắt. Nổi lên là hoạt động của Linh mục Đinh Cao San ở nhà thờ Chánh xứ Liên Phú (Hải Tây) thường xuyên tìm cách lôi kéo, mua chuộc cán bộ, đảng viên; ngăn cấm giáo dân xem sách báo, đi họp. Tháng 7-1967, ta phá tổ chức phản động "Mặt trận Gươm thiêng Ái quốc" ở ven biển Nghĩa Hưng; "Hội con Đức Mẹ" ỏ Giao Thiện, Giao Lạc; "Hội Tông đồ" ở Hải Thịnh... Đặc biệt đã đấu tranh ngăn chặn, hạn chế và làm thất bại nhiều âm mưu phá hoại của bọn phản động đội lốt tôn giáo, nhất là thông qua vụ xử án linh mục Lương Huy Hân, phá âm mưu phong hàng loạt linh mục trái phép của Tòa Giám mục Bùi Chu. Đòn đánh mạnh mẽ này đã làm phân hoá một bước bọn phản động; tạo điều kiện củng cố, phát triển thêm lực lượng và đẩy mạnh phong trào quần chúng ở vùng theo đạo Thiên Chúa ngày càng chuyển biến theo chiều hưóng tốt.