Ổn định tổ chức, chuyển mọi hoạt động sang thời chiến (Kỳ 3)

04:12, 03/12/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Trong lúc Đảng bộ tỉnh cùng nhiều Đảng bộ huyện, Đảng bộ xã bận rộn trong công việc hợp nhất thì cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ngày một leo thang với cường độ rất ác liệt. Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân do đế quốc Mỹ tiến hành ở miền Bắc thực sự là một thử thách to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân địa phương sau 10 năm hoà bình xây dựng; đòi hỏi toàn Đảng bộ, toàn dân phải nâng cao thêm ý chí và quyết tâm nhằm xốc tới giành thắng lợi trong cuộc thử thách mới. Để nâng cao nhận thức và xác định đầy đủ trọng trách của mình, Đảng bộ đã chỉ ra rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải nâng cao sức chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm giành thắng lợi cao nhất, tiêu diệt nhanh nhất khi kẻ địch tập kích, biệt kích xuống địa phương, chủ động dập tắt các vụ phản động, gây rối về chính trị, giữ vững trật tự an ninh địa phương.

Cầu treo bắc qua sông Đào, thành phố Nam Định, nhanh chóng được sửa chữa phục vụ vận chuyển lương thực ra tiền tuyến.
Cầu treo bắc qua sông Đào, thành phố Nam Định, nhanh chóng được sửa chữa phục vụ vận chuyển lương thực ra tiền tuyến.

    Nhờ chuẩn bị chu đáo và khẩn trương nên đến ngày 30- 4-1965, hầu hết các cơ quan tỉnh và thành phố đã sơ tán về nơi quy định. Hơn ba vạn dân thành phố Nam Định được sơ tán về các vùng nông thôn các tỉnh. Nhân dân đã tích cực đào hàng vạn hầm cá nhân, trên 3 vạn mét giao thông hào và đào đắp gần 350 hầm đặt máy móc. Đã có 842 cán bộ các ngành, các cấp từ tỉnh đến xã gồm cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt được điều chuyển sang quân đội hoặc đi công tác tới các chiến trường, trong đó đảng viên chiếm tỷ lệ 14,6%.

    Vào thời điểm này, Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định chiếm tới 1/6 diện tích thành phố. Khi chiến tranh chưa lan đến địa phương, Đảng uỷ Nhà máy đã có chủ trương chuyển dần các bộ phận gián tiếp ra khỏi nhà máy với khoảng cách từ 200-1000m; chuyển hết nhà trẻ, lớp mẫu giáo, lớp bổ túc văn hoá của cán bộ và công nhân đến nơi an toàn. Bệnh viện, công nhân cũng được phân tán thành nhiều trạm hoặc bộ phận đặt rải rác ở nhiều địa điểm, bố trí lực lượng lao động hỗ trợ cho những nơi còn nhiều công nhân ở lại bám máy sản xuất để đào hầm hô' phòng tránh. Thiết bị, máy móc được phân thành loại đầu não của hệ thống phát lực, loại máy đứng đầu dây chuyền bộ phận, loại máy đơn chiếc để có kế hoạch di chuyển, lập thêm các xí nghiệp mới như Xí nghiệp dệt bạt Hà Tây, Xí nghiệp cơ khí Nam Bình. Lực lượng tự vệ của nhà máy từ 6 trung đội tăng lên thành 2 tiểu đoàn, 4 đại đội và 2 trung đội với số quân là 1.370 người, được trang bị cả trọng liên 14,5 mm, biên chế và tổ chức theo đơn vị sản xuất.

    Đảng bộ Giao Thuỷ rất chú trọng xây dựng các đơn vị dân quân du kích, với nhiều điển hình tiên tiến ở Giao Tân, Giao Lâm, Giao Phong, Giao Châu (153 đơn vị tiên tiến, 26 đơn vị quyết thắng). Trong năm 1965, toàn huyện có 225 tổ săn máy bay, trong đó có 170 tổ thường trực; tu sửa và đào mới 38.000 hố chiến đấu, 26.000m giao thông hào, 23.123 hầm chữ A. Đã cung cấp gần 3.000 đoàn viên đủ tiêu chuẩn chính trị, sức khoẻ cho quân đội, lực lượng thanh niên xung phong và công, nông trường.

    Đảng bộ Nghĩa Hưng mở đợt "Giáo dục bản chất giai cấp và truyền thống chiến đấu của dân quân tự vệ", động viên được trên 6.000 thanh niên nộp đơn tình nguyện nhập ngũ, lập ra nhiều tổ săn máy bay, thường xuyên trực chiến ở những nơi xung yếu. Các đội trinh sát, quân báo, giao thông được xây dựng và hoàn chỉnh chương trình huấn luyện. Các nữ dân quân được huấn luyện về cứu thương, tải thương. Dân quân các xã ven biển thì học tập cách chống chiến tranh phá hoại bằng hoá học và vi trùng. Toàn huyện đã đào đắp được 25.100 hầm hố, 6.578m giao thông hào.

    Đảng bộ Hải Hậu đã tập trung chỉ đạo xây dựng làn chiến đấu ở các xã ven biển, các xã ven trục giao thôn chính và các xã nội địa với mục tiêu hệ thống làng chiến đấu ven biển vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quân sự, là áo giáp của nội địa bảo đảm vỏ chắc nhân cứng trong đó hai xã Hải Thịnh, Hải Lý được củng cố như những pháo đài ven biển.

    Xuất phát từ nhận định Nam Trực là một mục tiêu quan trọng, có giao thông liên huyện, có sông Hồng và sông Đà bao bọc, vừa gần thành phố Nam Định, vừa có các đơn vị bộ đội và nhiều cơ quan kho tàng lớn, dân cư đông đúc, địch có thể tập trung hỏa lực đánh phá, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo phân tán các kho tàng lương thực, hàng hoá, các cơ quan, các bộ phận hằng ngày ít liên quan đến lãnh đạo và nhân dân. Tính đến đầu tháng 5-1965, toàn huyện đã có 40.000 lá đơn xin nhập ngũ, tái ngũ và đăng ký phong trào "Ba đảm đang"

    Đảng bộ Trực Ninh quan tâm đến việc xây dựng làn chiến đấu; thành lập nhiều tổ săn máy bay và tổ trực chiến với mệnh lệnh: "Người sẵn sàng, súng sẵn sàng, máy bay về tầm kiên quyết bắn".

    Đảng bộ Vụ Bản ra nghị quyết về chuyển hướng chỉ đạo các mặt từ thời bình sang thời chiến, khẩn trương đào hầm hố, phân tán và hạ nền trường học, chuyển một số chợ (Gôi, Gạo, Dần) họp theo giờ quy định, kho tàng trạm trại được nguỵ trang. Lực lượng tự vệ của huyện có tới 11.435 đội viên, được trang bị cả trọng liên 12,7mm.

    Đảng bộ Ý Yên tổ chức bồi dưỡng năng lực chỉ huy tác chiến cho các bí thư, chủ tịch xã và 1.042 cán bộ trung đội, đại đội dân quân xã; huy động 1.800/2.778 đảng viên tham gia lực lượng dân quân du kích, xây dựng 16 trận địa bắn máy bay bằng súng bộ binh, 132 tổ trực gác ngày đêm. Với một lực lượng 13.380 dân quân tự vệ, toàn huyện đã có 15 xã, 20 đại đội, 50 trung đội đăng ký trở thành Đơn vị Quyết thắng.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com