Ổn định tổ chức, chuyển mọi hoạt động sang thời chiến (Kỳ 2)

07:12, 01/12/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Ngay từ đầu, Ban Chấp hành Đảng bộ đã nêu gương về sự đoàn kết nhất trí để quyết tâm làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên kết hợp với việc nghiên cứu giải quyết hợp lý về mặt tổ chức, kịp thời có phương hướng, chỉ đạo hành động đúng. Ban Chấp hành Đảng bộ đã có Nghị quyết về công tác tư tưởng, nhấn mạnh vào việc phát huy truyền thống đoàn kết chiến đấu của Đảng bộ và nhân dân địa phương; bước đầu xác định vị trí, trách nhiệm của tỉnh lớn, đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhằm xây dựng địa phương trở thành một tỉnh vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng. Chú trọng sắp xếp ổn định tổ chức tương đối hợp lý theo hướng bảo đảm đoàn kết, tăng cường bộ máy cấp tỉnh, kiện toàn một bước cho cấp huyện. Nhờ luôn luôn quan tâm giải quyết những nhận thức tư tưởng không đúng, khắc phục sự bất hợp lý về tổ chức, từng bước đi sâu tìm hiểu các đặc thù của từng địa phương nên đã phát huy được những khả năng và thuận lợi mới của việc hợp tỉnh, bổ sung hỗ trợ lẫn nhau để khắc phục nhược điểm do điều kiện tự nhiên vốn có của hai tỉnh tác động, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển hướng phát triển kinh tế - văn hoá.

Nhân dân xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu.
Nhân dân xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu.

    Trở thành Đảng bộ Nam Hà, cơ sở Đảng vừa trải rộng ở nhiều vùng vừa cắm chốt ở các lĩnh vực quan trọng khác nhau. Tuy nhiên, tại khu vực nông nghiệp - nông thôn rộng lớn, tổ chức cơ sở Đảng còn chưa đều khắp, chưa được củng cố vững chắc. Đảng viên ở khu vực nông nghiệp tuy quyết tâm lãnh đạo quần chúng nhưng năng lực còn có phần hạn chế, đội ngũ cốt cán chưa được kiện toàn, ổn định. Cơ sở Đảng ở vùng công giáo còn mỏng và yếu. Trong lĩnh vực công nghiệp và thủ công nghiệp tiềm năng lớn, đội ngũ công nhân tập trung, số lượng thợ thủ công lành nghề nhiều, có cơ sở Đảng từ rất sớm nhưng đến thời gian này vẫn chưa phát triển mạnh. Các ban, ngành cấp tỉnh nằm trong tình trạng mới hợp nhất lại sơ tán từ thành thị về nông thôn, chuyển sinh hoạt từ thời bình sang thời chiến nên không khỏi lúng túng về chuyển hướng tư tưởng, tác phong sinh hoạt và công tác.

    Đội ngũ cán bộ hai tỉnh hợp lại có đông hơn trước, dễ dàng bố trí sắp xếp trong việc đáp ứng các yêu cầu mới của địa phương và trung ương nhưng trình độ về mọi mặt của đội ngũ này - nhất là về mặt quản lý kinh tế và khoa học kỹ thuật còn thấp. Tỷ lệ cán bộ trẻ và cán bộ nữ trong cơ cấu cán bộ lãnh đạo chủ chốt còn mỏng. Nhiều đồng chí hoạt động từ thời tiền khởi nghĩa và trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã già yếu, sức khoẻ giảm sút, công tác gặp nhiều khó khăn nhưng chưa được quan tâm giải quyêt đúng mức. Bộ máy các cơ quan cấp tỉnh chưa được tinh giản theo hướng gọn nhẹ, ngược lại biên chế ngày một tăng, lề lối làm việc chưa được cải tiến. Đó là chưa kể việc lập thêm nhiều cơ quan mới do điều kiện và tình hình yêu cầu cũng đòi hỏi phải được kiện toàn nhanh chóng.

    Sau khi sáp nhập tỉnh, trên địa bàn tỉnh mới cũng bắt đầu bố trí lại cơ cấu hành chính. Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, hợp nhất Đảng lại diễn ra cũng gây không ít xáo trộn về tư tưởng, tổ chức và vấn đề nhân sự. Trong hai năm 1965-1966, tập trung chỉ đạo xây dựng Huyện uỷ "Bốn tốt" để từ đó sớm xác định được vị trí trách nhiệm của mình, xây dựng nhiệm vụ và phương hướng sát đúng, tăng cường khả năng lãnh đạo và chỉ đạo toàn diện - nhất là sự chỉ đạo đối với nông nghiệp. Qua đại hội Đảng bộ các huyện được tiến hành trong năm 1967, sự trưởng thành của các cấp uỷ thể hiện đã khá rõ.

    Chiểu theo đề xuất của địa phương, lần lượt các đơn vị hành chính mới, theo đó là Đảng bộ mới được thành lập:

    - Ngày 13-6-1967, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 76/CP về việc hợp nhất phần lớn huyện Mỹ Lộc (các xã Mỹ Trung, Mỹ Tân, Mỹ Xá, Mỹ Phúc, Lộc Hạ, Lộc Vượng, Lộc Hoà, Lộc An) vào thành phố Nam Định và sáu xã phía bắc Mỹ Lộc (Mỹ Thuận, Mỹ Tiến. Mỹ Thành, Mỹ Hưng, Mỹ Hoà, Mỹ Thắng) vào huyện Bình Lục.

    - Ngày 22-12-1967, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 174/CP về việc hợp nhất hai huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ thành một huyện mới lấy tên là Xuân Thuỷ.

    - Ngày 26-3-1968, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 41/CP về việc sáp nhập bảy xã (Trực Thái, Trực Phú, Trực Đại, Trực Hùng, Trực Cường, Trực Tiến, Trực Thắng) của huyện Trực Ninh vào huyện Hải Hậu; đồng thời hợp nhất hai huyện Nam Trực và Trực Ninh thành một huyện mới lấy tên là Nam Ninh.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com