Duy trì và đẩy mạnh sản xuất (Kỳ 1)

04:12, 24/12/2015

[links()]

    Bên cạnh tập trung nhiều sức người, sức của để chống chiến tranh phá hoại và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, Đảng bộ Nam Định luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, nhất là nông nghiệp; coi đây là mặt trận hàng đầu rất quan trọng. Trước hết tập trung chỉ đạo để đẩy mạnh thâm canh cây lúa và từng bước tạo điều kiện phát triển nông nghiệp toàn diện. Với tinh thần thi đua vì miền Nam ruột thịt nhằm giành thắng lợi to lớn trên mặt trận sản xuất lương thực, Đảng bộ đã liên tục phát động các phong trào thi đua yêu nước "Vụ mùa Nam Hà đoàn kết chống Mỹ, cứu nước" (6-1965), "Thâm canh thắng Mỹ ngay trên đồng ruộng", "Tháng thi đua Biên Hoà - Mỹ Tho đoàn kết chống Mỹ, cứu nước" (7-1965), "Chiến dịch thuỷ lợi Biên Hoà - Mỹ Tho quyết thắng" (1966)...

Ảnh minh hoạ/Internet.
Ảnh minh hoạ/Internet.

    Nhờ kết quả của thâm canh, tổng sản lượng lúa năm 1965 của toàn tỉnh đạt khá cao, có tới 18 hợp tác xã đạt và vượt năng suất 5 tấn/ha, trong đó có hợp tác xã thôn Nội, xã Nam Ninh (Nam Trực) đạt tới 6,5 tấn/ha trên toàn bộ diện tích. Các vùng sản xuất tập trung và vùng trọng điểm lúa, dâu tằm, mía, lạc, cói... đã hình thành. Nhiều loại hoa màu, cây công nghiệp vượt kế hoạch về diện tích hoặc năng suất, trong đó dâu tằm phát triển gấp hai lần năm trước. Chăn nuôi đã có chuyển biến (đàn lợn tăng 10,2%; đàn bò tăng 6,2% so với năm 1964).

    Tại Nghĩa Hưng, tình hình sản xuất nông nghiệp cũng thu được kết quả khả quan. Vụ chiêm vượt chỉ tiêu trên cả ba mặt diện tích, năng suất và sản lượng; có 4 hợp tác xã đạt trên 5 tấn/ha (Thuần Hậu, Đồng Quỹ, Minh Tân, Tân Thành). Huyện Xuân Trường có 1 xã và 10 hợp tác xã năng suất đạt và vượt 5 tấn/ha; cơ cấu cây trồng chuyển biến theo hướng tăng hoa màu và cây công nghiệp (dâu tằm tăng gấp ba lần). Huyện Giao Thuỷ mặc dù lúa bị sâu bệnh phá hoại và bệnh vàng lụi (vụ chiêm 1.500 mẫu, vụ mùa 3.700 mẫu) nhưng vẫn đạt năng suất và tổng sản lượng cao nhất so với nhiều năm trước; cơ cấu cây màu và cây công nghiệp tăng từ 7-10%. Đối với Hải Hậu, năng suất lúa toàn huyện đạt 4,893 tấn/ha, tổng sản lượng tăng 12,5% so với năm trước, có 22 hợp tác xã đạt năng suất từ 4,8 - 5,4 tấn/ha và 17 xã đạt từ 4- 4,8 tấn/ha.

    Bước vào năm 1966, Đảng bộ tỉnh xác định đây là năm thực hiện sự chuyển hướng và phát triển kinh tế - văn hoá nên đã phát động toàn dân thực hiện một vụ mùa "thâm canh thắng Mỹ" nhằm đảm bảo yêu cầu của cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại, của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo đảm đời sống nhân dân. Nhờ sự chỉ đạo sâu sát nên vụ mùa "thâm canh thắng Mỹ" đã vượt kế hoạch về diện tích 6,93%, năng suất 0,6% và tổng sản lượng 7,59% (mặc dù bị úng lụt và bệnh vàng lụi đe doạ). Nhờ thắng lợi của vụ mùa nên diện tích gieo trồng cả năm tăng 2,4%, trong đó lúa vượt 2,9%; màu vượt 2,6%, rau vượt 11,9%, cây công nghiệp vượt 6,7%, thuộc loại cao nhất kể từ năm 1960 trở lại.

    Riêng vụ mùa năm 1966, năng suất bình quân cả tỉnh đạt 23,04 tạ/ha,tăng gần 5 tạ/ha. Những huyện được mùa lớn là Hải Hậu 28 tạ/ha, Giao Thuỷ và Nam Trực 25 tạ/ha, Xuân Trường và Trực Ninh 26 tạ/ha. Các huyện vùng chiêm trũng như Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên cũng đạt năng suất bình quân trên 20 tạ/ha và có tới 154 hợp tác xã, 1.137 đội sản xuất đạt và vượt năng suất "ngàn cân một mẫu Bắc Bộ". Nhiều hợp tác xã coi việc trồng cây là phương hướng kinh doanh của mình (69% số hợp tác xã xây dựng được quy hoạch trồng cây, 76% số hợp tác xã có đội chuyên trách trồng cây) nên cả năm đã trồng được 5 triệu cây các loại, đạt bình quân 4,2 cây/người, chưa kể 30 triệu cây sú vẹt.

    Kết thúc năm 1967, sản xuất lúa của địa phương thắng lợi ba vụ liền với năng suất và sản lượng cao nhất từ trước tới thời điểm này. Mục tiêu 5 tấn thóc/ha cả năm đã xuất hiện trên phạm vi rộng lớn, chiếm gần một nửa diện tích trồng lúa của cả tỉnh. Vùng trọng điểm lúa thuộc sáu huyện phía nam đạt thành tích bước đầu trong việc đẩy mạnh thâm canh lúa, tạo nên vùng có diện tích tương đối lớn có năng suất cao. Vùng chiêm trũng thuộc phía bắc tỉnh đã khắc phục được nhiều khó khăn, dũng cảm chống thiên tai, từng bước đẩy mạnh thâm canh và mở rộng diện tích tăng vụ. sản xuất rau màu cũng có chuyển biến, nhất là kết quả chuyển màu và thâm canh màu ở một số nơi thuộc vùng chiêm trũng đang mở ra triển vọng mới cho việc phát triển nông nghiệp toàn diện trong vùng. So với năm 1965, sản lượng màu tăng 37,1%, rau tăng 48,5%. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá. Diện tích nuôi cá ngày càng được mở rộng, sản lượng cá qua các năm đều tăng. Phong trào trồng cây và nuôi ong được đẩy mạnh, riêng số cây trồng được trong hai năm đã nhiều hơn gấp hai lần tổng số cây trồng trong 5 năm trước.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com