Khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới - (Kỳ 8)

05:11, 10/11/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Sau hơn ba tháng triển khai kế hoạch phòng thủ trị an trong tỉnh, ngày 15-7-1962, Hội nghị liên tỉnh Nam Định và Thái Bình họp tại Nam Định để bàn công tác phòng thủ trị an ven biển và sông Hồng thuộc phạm vi hai tỉnh.

    Sau khi nghe báo cáo tình hình chung, Hội nghị nhất trí nhận định và chỉ ra rằng: Nam Định - Thái Bình là hai tỉnh tiếp giáp nhau, có mối quan hệ lâu đời về kinh tế, chính trị, xã hội. Căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ mới về quốc phòng và trị an, ngoài việc chấp hành Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về công tác trấn áp bọn phản cách mạng, các cấp uỷ Đảng cần phải chỉ đạo các huyện ven sông, ven biển của hai tỉnh có kế hoạch củng cố Đảng, củng cố cơ quan và các đoàn thể quần chúng, đặc biệt là lực lượng dân quân, công an. Phát động phong trào thi đua đẩy mạnh công tác quốc phòng trị an. Hằng năm, Tỉnh uỷ và các cơ quan có liên quan của hai tỉnh sinh hoạt một lần. Các huyện kết nghĩa sinh hoạt sáu tháng một lần, các xã kết nghĩa ba tháng một lần (không kể trường hợp đặc biệt), nhằm kiểm điểm công tác, trao đổi kinh nghiệm, phát hiện tình hình và bàn công tác tiếp theo. Tỉnh đội, Ty Công an hai tỉnh cần nghiên cứu kế hoạch chỉ đạo các huyện, các xã ven sông, ven biển thực hiện các công tác củng cố, chấn chỉnh lực lượng dân quân, giáo dục chính trị, chỉnh huấn quân sự, xây dựng hệ thống giao thông liên lạc từ xã lên tỉnh. Dân quân tổ chức các trạm gác ban đêm để hỗ trợ cho các đồn công an vũ trang, phòng thủ bờ biển. Không phân biệt bờ sông, bờ biển giữa hai tỉnh, bên nào phát hiện thuyền bè, người qua lại có nghi vấn đều chủ động kiểm soát, song cần tránh phiền hà cho dân. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ hai tỉnh cần kết hợp với phong trào bảo vệ trị an mà có kế hoạch củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng nòng cốt cho công tác củng cố quốc phòng trị an bờ biển.

    Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ về công tác xây dựng chính quyền, tăng cường công tác an ninh quốc phòng, đến đầu năm 1963, phong trào bảo mật phòng gian về cơ bản đã tiến hành xong ở các cơ quan xí nghiệp, có tác dụng nâng cao cảnh giác cho cán bộ và công nhân thêm một bước. Công tác xây dựng lực lượng cũng có nhiều tiến bộ. Phong trào dân quân và nghĩa vụ quân sự đều đạt mức chỉ tiêu kế hoạch. Trong sáu tháng đầu năm 1962 phát triển được 10.000 dân quân, huấn luyện được 51.000 tự vệ, đưa hơn 800 người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi hàng ngũ. Phong trào thi đua với Yên Phong (Ninh Bình) về bảo vệ trật tự trị an được phát động khắp các xã, khu phố và đi vào chiều sâu. Số xã, khu phố nhận thi đua với Yên Phong ngày càng nhiều. Nhờ ý thức cảnh giác của quần chúng, đã khám phá 32 vụ chính trị phản động. Đồng thời khoanh vùng trấn phản ở 20 xã; bắt đi cải tạo trên 200 tên nguy hiểm và quản chế một số. Riêng đối với bọn phản động trong đạo Thiên Chúa, đã tiến hành đấu tranh toàn diện, chặn được những âm mưu lớn của chúng. Đảng bộ đã mạnh dạn tập trung sức người, sức của, cử hàng trăm cán bộ về xây dựng cơ sở ở những thôn xã công giáo quan trọng. Trong công tác vận động quần chúng công giáo, kết hợp được hai mặt giữa phát động quần chúng với đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, giữa chấp hành nghiêm chỉnh chính sách tôn giáo với vấn đề đem lại quyền lợi thiết thực cho giáo dân. Đã mở lớp huấn luyện cho cán bộ, đảng viên người Thiên Chúa giáo, tổ chức mở hội nghị riêng cho 211 linh mục và tu sĩ, cải tạo cho 747 quản giáo, chánh trương, trùm trưởng. Nhờ kiên trì tiến hành đấu tranh chống chiêu bài tử vì đạo của địch, quần chúng giáo dân ngày càng nhận rõ hơn về âm mưu phản động và dụng ý xấu của chúng. Kết quả là phong trào ở nơi công giáo về hợp tác hoá, sản xuất, huy động lương thực... đều có nhiều tiến bộ. Hơn 70% giáo dân vào hợp tác xã. Phong trào hợp tác hoá vùng công giáo dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có nhiều điển hình tốt trong tỉnh và toàn miền Bắc như hợp tác xã Đồng Quỹ, Đài Môn, Uý Uy Nam, Phương Đông. Tín đồ các tôn giáo ngày càng hăng hái tham gia sản xuất, đoàn kết lương - giáo trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà ngày càng củng cố.

    Trong việc củng cố bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân, Đảng bộ đã thông qua việc học tập chính sách như chỉnh huấn mùa xuân 1961, cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cuộc vận động "Ba xây ba chống" để nâng cao ý thức làm chủ, ý thức tôn trọng và tuân theo pháp luật của nhân dân. Đồng thời thông qua các kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, tiến hành giáo dục cho nhân dân về ý thức tham gia xây dựng chính quyền. Do đó đã huy động được ngày càng đông đảo quần chúng công - nông tham gia quản lý hợp tác xã, quản lý xí nghiệp. Hội đồng nhân dân các cấp đã thể hiện đầy đủ các thành phần trong Mặt trận. Lực lượng trẻ trực tiếp sản xuất và phụ nữ chiếm một tỷ lệ thỏa đáng. Nội dung sinh hoạt và lề lối làm việc được cải tiến để Hội đồng nhân dân thực sự trở thành cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương. Các uỷ ban hành chính các cấp được tăng cường cả số lượng và chất lượng. Uy tín của chính quyền ngày càng được củng cố. Quần chúng đã thực hiện quyền dân chủ, mạnh dạn tố giác những hành động tham ô của cán bộ với cơ quan nhà nước.

    So với yêu cầu của cách mạng, việc mở rộng dân chủ và tuân theo pháp luật vẫn còn thiếu sót. Giải quyết khiếu tố, khiếu nại của nhân dân chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức. Các hành vi quan liêu, mệnh lệnh, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân (bắt trói, giam giữ trái phép) trong cán bộ chính quyền cấp xã tuy có giảm nhưng vẫn còn nhiều, nhất là trong việc giải quyết những trường hợp xin ra hợp tác xã. Công tác điều tra, nắm âm mưu địch còn kém, có lúc còn chủ quan, bị động đối phó với địch (vụ Toà Giám mục Bùi Chu phong 29 linh mục). Hiện tượng Đảng bao biện công việc của chính quyền còn khá phổ biến, kể cả ở cấp tỉnh. Ngược lại, chính quyền cũng chưa phát huy hết chức năng của mình trong việc quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, còn ỷ lại vào cấp uỷ Đảng.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com