Khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới (Kỳ 13)

05:11, 24/11/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Đến đầu năm 1965, hầu hết các xã, xí nghiệp, khu phố đã tiến hành xong các đợt sinh hoạt chính trị. Từ đó, liên hệ, kiểm điểm, giáo dục, cải tạo đối với các đối tượng xấu, tề nguỵ, đồng thời bổ sung các phương án tác chiến. Nhiều địa phương đã tiến hành thực tập, kiểm tra bắn đạn thật đạt kết quả khá (thành phố Nam Định có 60 đơn vị, 52 đơn vị đạt kết quả giỏi). Công tác phòng không nhân dân ở thành phố được tiến hành khẩn trương, tích cực và trở thành nền nếp thường xuyên. Trên 80% dân ở thành phố có hầm hố trú ẩn tránh máy bay oanh tạc. Những nơi công cộng cũng được xây hầm. Khi có báo động, nhiều đơn vị chỉ trong hai phút đã chiếm lĩnh xong trận địa. Tổ chức dân quân tự vệ và lực lượng công an vũ trang được củng cố vững chắc. Việc tổ chức canh gác tuần tra ven biển, đường giao thông quan trọng, xí nghiệp kho tàng được thực hiện tương đối tốt. ở những nơi có địa bàn xung yếu như các xã ven biển của huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Hải Hậu các bí thư Đảng uỷ trực tiếp chỉ huy huấn luyện dân quân tự vệ. Ý thức thường trực chiến đấu trong các lực lượng vũ trang và cơ quan nhà nước được nâng lên và đi vào nền nếp. Phong trào sản xuất vũ khí thô sơ trong dân quân tự vệ phát triển mạnh với hàng nghìn vũ khí các loại. Xã Nam Cường tự trang bị 250 mã tấu, búp đa, bao gạo cho dân quân. Hơn 60 cụ lão dân quân xã Trung Thành (Vụ Bản) tự trang bị mã tấu, ống nước và lương khô để sẵn sàng chiến đấu. Trên 500 đơn vị dân quân tự vệ đăng ký trở thành đơn vị quyết thắng, đơn vị tiên tiến.

    Khẩu hiệu thi đua sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, tay cày tay súng, tay búa tay súng đã đi vào nếp nghĩ, nếp sống của mỗi người dân Nam Định, cả miền Bắc hừng hực khí thế sẵn sàng đánh thắng giặc Mỹ ngay từ trận đầu.

Các nữ dân quân  vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu.
Các nữ dân quân vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu.

    Ngày 7-2-1965, lấy cớ trả đũa việc quân giải phóng miền Nam tiến công doanh trại quân Mỹ ở Plâycu, Mỹ cho máy bay ném bom bắn phá thị xã Đồng Hới, đảo cồn cỏ... Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc chính thức bắt đầu. Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Nam Định bước sang một chương mới: vừa sản xuất vừa chiến đấu, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cả nước có chiến tranh.

    Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đang thực hiện có kết quả thì bị gián đoạn bởi cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ. Kế hoạch 5 năm chỉ thực hiện được trong bốn năm và đã để lại cho Đảng bộ và nhân dân Nam Định những bài học thành công cũng như những kinh nghiệm do vấp váp sai lầm trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

    "Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất là kế hoạch tiến công vào nghèo nàn lạc hậu nên có tác dụng cổ vũ toàn Đảng, toàn dân Nam Định hăng hái lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội, ra sức củng cố quốc phòng, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương". Trong các ngành, các giới đã dấy lên phong trào thi đua yêu nước sôi nổi với nhiều hình thức phong phú. Phấn đấu đưa Nam Định trở thành một tỉnh tiên tiến của miền Bắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam như Đại hội Đảng bộ đề ra đã trở thành hành động cụ thể của cán bộ, đảng viên và quần chúng. Các mặt công tác của tỉnh đã có những chuyển biến khá và giành được những thắng lợi căn bản. Tỉnh uỷ đã chỉ đạo tốt các nhiệm vụ của Trung ương và địa phương đề ra, thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế đem lại kết quả. Đời sống của nhân dân Nam Định nhìn chung mỗi năm được nâng cao thêm. Phong trào hợp tác hóa được cải tiến ngày càng thêm vững mạnh. Trật tự trị an được đảm bảo. Ba cuộc vận động lớn, ba cuộc cách mạng do Trung ương Đảng phát động đã được Tỉnh uỷ Nam Định chỉ đạo một cách sát sao. Không những về kinh tế, các mặt hoạt động khác như văn hoá, xã hội, quốc phòng, công tác xây dựng Đảng ngày càng được củng cố và phát triển tốt.

    Trình độ tư tưởng, trình độ công tác, trình độ năng lực lãnh đạo của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Nam Định ngày càng trưởng thành thêm. Đánh giá thắng lợi của tình hình miền Bắc nói chung và Nam Định nói riêng, tháng 3-1964, tại Hội nghị chính trị đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới".

    Tuy nhiên, quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở Nam Định cũng như ở miền Bắc đã bộc lộ những khuyết điểm do tư tưởng giáo điều, chủ quan nóng vội gây ra. Sai lầm về tư tưởng thể hiện trong việc đề ra phương châm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, đề ra nhiệm vụ ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, hiện đại hoá nền kinh tế trong khi chưa có những tiền đề cần thiết. Do quan niệm giản đơn về chủ nghĩa xã hội với hai thành phần kinh tế tập thể và quốc doanh dẫn đến xoá bỏ thành phần kinh tế tư nhân. Kinh tế gia đình không được quan tâm. Nghề thủ công truyền thống bị mai một. Việc xây dựng ồ ạt các hợp tác xã đã dẫn đến việc quản lý kinh tế khó khăn. Bộ máy quản lý cồng kềnh, chi phí đầu tư cho sản xuất lớn. Thu nhập của xã viên và năng suất lao động có xu hướng giảm dần. Tình trạng rong công, phóng điểm, tham ô, lãng phí, quan liêu xuất hiện. Bình quân lương thực đầu người năm 1959 là 370 kg, giá trị ngày công của hợp tác xã là 1 đồng. Năm 1962, bình quân lương thực đầu người tụt xuống còn 309 kg, giá trị ngày công 0,73 đồng. Năng suất lúa năm 1961 là 20 tạ/ha, tổng sản lượng là 325.000 tấn. Năm 1964, năng suất lúa chỉ còn 18 tạ/ha, tổng sản lượng là 285.200 tấn. Tốc độ phát triển bình quân của bốn năm thực hiện kế hoạch 5 năm về năng suất lúa là 0,4%, sản lượng là 0,5%. Trong khi đó, tỷ lệ phát triển dân số hằng năm là 3,5%. Tình hình sử dụng vốn đầu tư cho khu vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải năm 1961 là 48%, năm 1962 là 74%. Vốn đầu tư cho khu vực phi sản xuất (văn hoá giáo dục, bảo vệ sức khoẻ, hành chính sự nghiệp và công cộng) năm 1961 là 52%, năm 1962 giảm xuống còn 25,5%.

    Để khắc phục những nhược điểm trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Đảng ta đã đề ra cuộc vận động cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật trong hợp tác xã nông nghiệp và cuộc vận động "Ba xây ba chống" chủ yếu trong công nghiệp. Nhưng việc tìm ra nguồn gốc nguyên nhân sai lầm đó chậm được phát hiện và sửa chữa bởi những quy luật kinh tế của thời bình bị quy luật kinh tế của thời chiến chi phối. Trong điều kiện đất nước có chiến tranh, nền kinh tế có kế hoạch, tập trung bao cấp đã tỏ rõ tính ưu việt trong việc huy động sức người, sức của cho kháng chiến và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Sự nhất trí về chính trị và tinh thần là điều kiện thuận lợi để Đảng bộ và nhân dân Nam Định bước vào cuộc chiến đấu mới./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com