[links()]
(Tiếp theo)
Cuối năm 1964, đầu năm 1965 đồng thời với việc tăng quân đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh không quân và hải quân phá hoại miền Bắc. Ngày 5-8-1964, chúng dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, cho máy bay bắn phá một số nơi ở miền Bắc. Từ đây nhiệm vụ vừa sản xuất vừa chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu được quán triệt đến mọi người. Ngày 20-8-1964, Hội nghị Tỉnh uỷ quyết định nhiệm vụ tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu chống mọi âm mưu khiêu khích phá hoại của địch. Hội nghị nhận định: Từ sau sự kiện ngày 5-8, tình hình hoạt động và những âm mưu mới của địch càng bộc lộ rõ rệt. Đối với Nam Định, chúng có thể phá hoại bằng nhiều hình thức:
- Tung biệt kích, gián điệp, lén lút hoạt động phá hoại bằng đường biển, đường bộ và có khả năng bằng cả đường không (đặc biệt là vùng có đông đồng bào theo đạo Thiên Chúa và nơi cơ sở yếu). Tàu chiến địch thường ở ngoài khơi, cách bờ biển Nam Định khoảng 20 hải lý, chúng có thể uy hiếp vùng biển Nam Định và đánh bắt thuyền bè của ta. Chúng có thể dùng đường biển, đường không đánh phá vùng ven biển rồi rút, hoặc cho máy bay ném bom vào các cơ sở kinh tế, chính trị trọng điểm ở thành phố Nam Định.
- Bằng mọi cách, kể cả cách chuyển truyền đơn từ biển vào, thúc đẩy bọn gián điệp, tề nguỵ cũ không chịu cải tạo và cả phần tử phản cách mạng nổi dậy gây bạo loạn chống chính quyền ta, xúi giục bọn lưu manh côn đồ hoạt động phá rối trật tự trị an.
Từ nhận định trên, Tỉnh uỷ quyết định nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ, quân dân trong tỉnh phải làm tốt công tác phòng không nhân dân; chống địch tập kích, biệt kích đánh phá vùng ven biển cả về bộ binh, pháo binh và hoá học; trấn áp bọn phản cách mạng để bảo vệ trật tự trị an, Hội nghị Tỉnh uỷ khẳng định muốn thực hiện tốt ba nhiệm vụ đó phải đồng thời giải quyết cả tư tưởng và tổ chức nhằm đẩy mạnh sản xuất và sẵn sàng chiến đấu thường xuyên lâu dài.
Cụ thể hoá Nghị quyết của Tỉnh uỷ và để đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đang đến gần, ngày 9-1- 1965, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định ra Nghị quyết về công tác quốc phòng, trị an năm 1965. Nghị quyết xác định: "Nhận rõ tình hình mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng phát huy truyền thống chiến đấu, nâng cao khí thế cách mạng, quyết chiến quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, không ngừng nâng cac sức chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu, tiêu diệt nhanh gọn địch tập kích, giữ vững trật tự trị an, phát hiện sớm, nhanh chóng dập tắt bọn phản động gây rối về chính trị, triệt hạ phi cơ địch, giành thắng lợi cao nhất, giảm thiệt hại ít nhất, đồng thời tích cực chuẩn bị từng bước sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu của địch".
Từ nhiệm vụ chung, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã nêu rõ một số yêu cầu cụ thể về các mặt:
- Về tư tưởng: phải tiếp tục quán triệt Chỉ thị 81 của Bộ Chính trị, phát động khí thế quyết chiến quyết thắng đế quốc Mỹ, đẩy mạnh sản xuất và công tác, sẵn sàng chiến đấu bất cứ trong tình huống nào cũng phải bình tĩnh, khẩn trương sản xuất, công tác và chiến đấu thắng lợi, chống tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác hoặc bi quan dao động.
- Về tổ chức: phải từng bước xây dựng dân quân tự vệ thành lực lượng vũ trang rộng rãi và vững chắc, bộ đội địa phương thành lực lượng nòng cốt của hoạt động vũ trang ở địa phương, công an nhân dân thành lực lượng bảo vệ vững mạnh. Quản lý lực lượng binh sĩ, sĩ quan dự bị chặt chẽ, sẵn sàng phục vụ kế hoạch khôi phục và mở rộng lực lượng, làm tốt công tác tuyển quân hằng năm.
- Vế huấn luyện: phải bảo đảm bộ đội địa phương, công an và dân quân tự vệ đánh được địch trong mọi tình huống bằng các thứ vũ khí hiện có.
- Về tác chiến: phải hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng giữ vững trật tự trị an, tiêu diệt nhanh gọn địch tập kích biệt kích, phát hiện nhanh chóng và dập tắt bọn phản động gây lộn xộn về chính trị, tổ chức lưới lửa phòng không diệt hạ phi cơ địch, bảo đảm thắng lợi tiêu diệt địch cao nhất, giảm thiệt hại về người và của ở mức thấp nhất.
- Về chỉ đạo: phải tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo lực lượng vũ trang của các cấp uỷ, thống nhất chỉ đạo, thống nhất chỉ huy, phải đi sâu vào từng vùng, chú trọng thích đáng đến nơi xung yếu và nơi phong trào yếu. Ngoài Ban Thường vụ Thành uỷ, Huyện uỷ, các đồng chí Huyện uỷ viên phải nắm chắc công tác quốc phòng trị an, kiểm tra hướng dẫn các cấp thực hiện.
Các Nghị quyết 9 của Trung ương về cách mạng miền Nam, Chỉ thị 81 của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Tỉnh uỷ về công tác bảo vệ trị an, củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu đã giúp cho các cấp uỷ, các ngành nhận thức vấn đề sâu sắc và toàn diện hơn. Do đó cũng đã tăng cường sự chỉ đạo một cách chặt chẽ và khẩn trương hơn.
(Còn nữa)