Khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới (Kỳ 11)

04:11, 18/11/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Các ngành y tế, giáo dục, văn hoá qua phong trào thi đua cũng có những chuyển biến mới, đã hướng công tác của ngành phục vụ nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, đồng thời cải tiến nội dung và phương hướng công tác của ngành cho sát thực tế hơn. Ngành y tế có cuộc vận động "Ba cải tiến". Ngành giáo dục có kế hoạch đẩy mạnh phong trào thi đua "Hai tốt". Ngành văn hoá có phong trào xây dựng gia đình văn hoá mới, xóm, khu phố văn hoá mới. Toàn tỉnh có 51.900 người theo học bổ túc văn hoá. Nhiều đơn vị có phong trào khá (thành phố Nam Định có 7.500 người, Nhà máy dệt Nam Định có 700 người, huyện Nam Trực có 6.174 người, huyện Ý Yên có 5.000 người theo học bổ túc văn hoá). Tính trung bình cứ sáu người dân có một người đi học phổ thông (không kể mẫu giáo và vỡ lòng). Cứ hai, ba xã có một trường cấp I, II. Mỗi huyện có một trường cấp III. Phong trào đọc sách báo và làm theo sách báo đã có tác dụng nâng cao trình độ văn hoá, kỹ thuật cho nhân dân. Nhất là những tác phẩm từ miền Nam gửi ra như Hòn đất, Sống như anh, Những lá thư miền Nam có tác dụng cổ vũ nhân dân Nam Định trong phong trào thi đua vì đồng bào miền Nam ruột thịt.

Dân quân Nghĩa Lâm, Nghĩa Hưng, Nam Định bắn máy bay Mỹ, 1972
Dân quân Nghĩa Lâm, Nghĩa Hưng, Nam Định bắn máy bay Mỹ, 1972.

    Phong trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai không những tạo ra những hiệu quả thiết thực về kinh tế, văn hoá mà còn có tác dụng giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng, thúc đẩy công tác quốc phòng, trị an. Việc củng cố tổ chức, cải tiến sự lãnh đạo của Đảng cũng có nhiều tiến bộ. Qua phong trào này, các Huyện uỷ, Thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc đã có kế hoạch đẩy mạnh xây dựng chi bộ "Bốn tốt", đảng viên "Bốn tốt", đẩy mạnh đấu tranh phê bình và tự phê bình. Do đó đề cao được tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật trong đảng viên. Có nhiều đơn vị từ yếu kém trở thành khá hoặc trung bình. Số đảng viên khá tăng nhanh, yếu kém giảm rõ rệt. Năm 1963 có 2,16% chi bộ "Bốn tốt", năm 1964 tăng lên 16%. Số chi bộ khá năm 1964 có 47%, trung bình có 35%, kém có 18%.

    Các đoàn thể quần chúng, thông qua phong trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai cũng được củng cố thêm một bước. Ý thức với đoàn, hội được tăng cường. Trong thanh niên có phong trào giành danh hiệu "Điện Biên - Ấp Bắc". Cuối năm 1964 toàn tỉnh có hơn 3.000 đoàn viên đăng ký thi đua và đã có 170 cá nhân, 40 đơn vị giành được danh hiệu. Trong công đoàn có phong trào đăng ký giành danh hiệu "Tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa"; toàn tỉnh có 1.260 tổ (tổng số 2.500 tổ) đăng ký và có 403 tổ được chính thức công nhận là "Tổ lao động xã hội chủ nghĩa". Đội ngũ công nhân trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ có 1.200 công nhân tập trung năm 1955, năm 1964 đã có 22.800 công nhân quốc doanh, 7.000 công nhân thủ công nghiệp.

    Hội Phụ nữ có phong trào phấn đấu đạt danh hiệu phụ nữ "Năm tốt" (chấp hành chính sách tốt, quản lý tốt, lao động tốt, học tập tốt, sắp xếp việc gia đình tốt). Phong trào phụ nữ "Năm tốt" được phát động từ đầu năm 1961, đến cuôí năm 1964 có 27.200 chị em đăng ký thi đua và có 10.800 chị em đạt danh hiệu "Năm tốt". Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định còn xây dựng, tổ chức được hai vạn cụ vào Hội phụ lão. Nhiều cấp uỷ địa phương đã có sáng kiến động viên các cụ phụ lão như mở "Hội nghị Diên Hồng" tại các huyện, xã. Các cụ phụ lão đã tích cực tham gia công tác như chăm sóc trâu bò, trồng cây, lập tổ hoà giải, động viên con cháu thi đua sản xuất.

    Tổng kết công tác năm 1964, Tỉnh uỷ Nam Định nhất trí đánh giá cao kết quả phong trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai. Tỉnh uỷ đúc kết một số kinh nghiệm thành công cũng như những tồn tại cần khắc phục: muốn phát động cao trào thi đua sôi nổi, liên tục phải có nhiệt tình, quyết tâm cao của lãnh đạo, phải có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, có chương trình hành động cụ thể, phải coi trọng công tác tư tưởng, song phải kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức. Tồn tại lớn nhất của phong trào là không được đều.

    Khu vực sản xuất chuyển biến mạnh hơn khu vực hành chính sự nghiệp, cần khắc phục những thiếu sót của các đội thi đua trước như mỗi lần chỉnh huấn học tập nghị quyết Trung ương, mỗi lần phát động thi đua, nhiệt tình của cán bộ, nhân dân được nâng lên. Nhưng chỉ hăng hái được một thời gian đầu, không duy trì được khí thế vươn lên liên tục. Khi phát động phong trào lại lên. Điều đó chứng tỏ nhận thức về hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong cán bộ, đảng viên chưa sâu sắc, ý thức tự giác chưa cao. Tỉnh uỷ đề ra nhiệm vụ tiếp tục đưa phong trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai lên cao hơn, đều hơn nhằm hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1965. Trong chỉ đạo, các ngành, các cấp cần chú ý thực hiện các trọng điểm hoàn thành cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, chuẩn bị tốt vụ đông xuân 1964 - 1965; đẩy mạnh công nghiệp, đẩy mạnh phong trào giành ba điểm cao năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều; thi hành tốt Chỉ thị 81 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Tỉnh uỷ về công tác trị an, quốc phòng.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com