[links()]
(Tiếp theo)
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nam Định đã sớm tiếp thu, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau khi đại biểu Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đi dự Hội nghị phổ biến kế hoạch của Trung ương về, Ban Thường vụ đã nghe báo cáo và thảo luận về yêu cầu, nội dung phát động. Trên cơ sở đó xác định mục tiêu, hướng phấn đấu và các biện pháp đẩy mạnh cao trào thi đua. Liền sau đó, Thường vụ Tỉnh uỷ đã kịp thời phổ biến ý nghĩa, yêu cầu, mục đích và kế hoạch của đợt phát động thi đua trong Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng đến cán bộ chủ chốt các ngành, các huyện đang học tập Nghị quyết 9 của Trung ương.
Khi nhận được Chỉ thị 77 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát động cao trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam, Tỉnh uỷ đã họp mở rộng để nghiên cứu, nhất trí với chỉ thị của Trung ương. Hội nghị đã xem xét rà soát lại các chỉ tiêu kế hoạch và các biện pháp phấn đấu, hạ quyết tâm phát động cao trào thi đua từ ngày 1-5-1964; kịp thời biểu dương những điển hình người tốt, việc tốt; đồng thời nghiêm khắc phê phán những tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực, cá nhân chủ nghĩa là trở lực chính hạn chế phong trào quần chúng.
Xác một chiếc máy bay Mỹ bị tự vệ Nông trường Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng bắn rơi. |
Tỉnh uỷ giao cho Ban Tuyên giáo chuẩn bị nội dung kế hoạch mở hội nghị bồi dưỡng hơn 2.000 báo cáo viên cho các ngành, các cấp; chỉ đạo các ngành, các cấp phải gắn cuộc thi đua với nhiệm vụ công tác và thực hiện ba cuộc vận động lớn của Đảng. Trong nội bộ Đảng thì gắn chặt cuộc thi đua với xây dựng chi bộ "Bốn tốt", đảng viên "Bốn tốt". Trong Đoàn Thanh niên thì gắn với phong trào phấn đấu giành danh hiệu "Điện Biên - Ấp Bắc". Phụ nữ có phong trào thi đua "Năm tốt".
Căn cứ vào kế hoạch chung của Tỉnh uỷ, kế hoạch cụ thể của Huyện uỷ, Thành uỷ, các cấp uỷ Đảng ở cơ sở đều tổ chức nghiên cứu học tập lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị của Ban Bí thư, từ đó bàn bạc mục tiêu, biện pháp tiến hành để hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước. Hầu hết các Đảng uỷ ở cơ sở đều làm báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo thực hiện kế hoạch và tiến hành phê bình, tự phê bình nhằm giải quyết tư tưởng hữu khuynh, chủ nghĩa cá nhân theo phương hướng công tác tư tưởng năm 1964 của Bộ Chính trị và Nghị quyết công tác tư tưởng của Tỉnh uỷ.
Sau Hội nghị Đảng uỷ ở cơ sở, các chi bộ Đảng, chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ đều tiến hành sinh hoạt chính trị, nghiên cứu các nghị quyết của Trung ương, tự phê bình và phê bình, kiểm điểm thực hiện kế hoạch nhà nước và tổ chức hành động cách mạng trong đơn vị mình. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ và các cấp uỷ Đảng, các địa phương, các ngành đã gắn nội dung thi đua với nhiệm vụ chính trị của địa phương và các giới mình, nên phong trào có khí thế sôi nổi và thiết thực. Qua phong trào thi đua, nhiều ngành, nhiều địa phương và cá nhân đã lập thành tích xuất sắc. Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định được chọn làm thí điểm của thành phố. Trước đây trung bình mỗi công nhân đứng 4,4 máy dệt, sử dụng 57% công suất máy móc, đạt năng suất 17,7m vải mội ca. Trong đợt thi đua đã đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất nên bình quân mỗi công nhân đã đứng 7 máy, sử dụng được 77% công suất máy, đưa năng suất bình quân lên 27,37m vải một ca. Đồng chí Nguyễn Văn Độ - Bí thư Chi đoàn Thanh niên Công ty xây dựng đã có sáng kiến dùng công suất thừa của máy cưa gắn thêm mũi khoan vào, đưa công suất máy lên 400%. Tuy gia đình rất nghèo, đồng chí đã bỏ ra ba ngày công không có lương và 16 đồng để nghiên cứu thành công sáng kiến này. Đồng chí đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi huy hiệu khen thưởng.
Trong nông nghiệp cũng xuất hiện nhiều điển hình như xã Giao An (Giao Thuỷ) chỉ trong một tháng đã đắp được con đê quai biển dài gần 4 km để tăng thêm diện tích sản xuất. Huyện Nghĩa Hưng trong hai tháng xây dựng xong 15 cống lớn, 100 cống nhỏ để tưới tiêu nước cho đồng ruộng. Nhìn chung các địa phương đã chủ động làm thuỷ lợi, đẩy mạnh việc chăm bón và thu hoạch lúa theo phương châm nhanh, gọn, tốt, không ỷ lại, trông chờ vào sự đốc thúc của cấp trên. Tình trạng tham ô, lãng phí cũng hạn chế được nhiều.
Trong các xí nghiệp công nghiệp, thủ công nghiệp, hợp tác xã đâu đâu cũng có phong trào thi đua với khẩu hiệu mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt. Nhiều cán bộ, đảng viên, công nhân đã xin thêm việc, làm cả ngày nghỉ, giờ nghỉ để hoàn thành công việc với chất lượng cao hơn. Ai ai cũng muốn cống hiến được nhiều hơn cho cách mạng hai miền Nam - Bắc. Các xí nghiệp cơ khí địa phương nhờ có sự cổ vũ của phong trào thi đua đã vượt mức kế hoạch hằng tháng là 6,5%. Từ tháng 5 đến tháng 7-1964, ngành công nghiệp địa phương đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 3,1% trước thời hạn 5 ngày.
(Còn nữa)