Nâng cao sức chiến đấu của Đảng bộ, tích cực thúc đẩy quan hệ sản xuất mới - (Kỳ 8)

06:10, 08/10/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Bước vào vụ đông xuân năm 1962, do mưa nhiều, việc chuẩn bị vụ đông xuân bị chậm lại. Các huyện phía bắc do nước lớn, việc gieo mạ bị chậm. Các huyện phía nam cày ải chậm, lại bị mưa nên ruộng bị mất ải . Tư tưởng lo mất ải, mất mùa, lo đói kém diễn ra phổ biến. Khi cấy xong, trời lại nắng hạn kéo dài, diện tích hạn lên đến 90.000 mẫu. Tư tưởng quần chúng càng thêm xao xuyến. Trên các lĩnh vực sản xuất khác, nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ chủ trương phát động tháng thi đua đột kích từ ngày 13-4 đến 19-5 nhằm phấn đấu vượt mức chỉ tiêu sản xuất vụ đông xuân, chuẩn bị tốt vụ mùa, nhằm:

    - Đẩy mạnh trồng thêm rau màu, lương thực ở khắp mọi nơi, các cơ quan, nhà trường, doanh trại, nông trường cần phát động phong trào trồng cây công nghiệp, cây lương thực và rau màu ở khắp mọi nơi, không để đất hoang. Những chân ruộng chiêm bỏ hoang hoá cần chuẩn bị giống, phân bón để trồng thêm hai vụ lúa ngắn ngày. Kiên quyết chống tư tưởng hai bát úp một, bỏ phí ruộng hoang.

    - Đẩy mạnh phong trào thi đua với hợp tác xã Tân Khang (Trực Ninh), tập trung sức chăm bón, trừ sâu lúa, dập tắt bệnh dịch cho lợn, phát triển chăn nuôi, quyết tâm hoàn thành các công trình thuỷ lợi trong kế hoạch năm 1962 trước ngày 19-5. Bảo đảm kế hoạch đưa nhân lực đi khai hoang trong và ngoài tỉnh.

    Để nhân dân hưởng ứng tích cực tháng thi đua đột kích phải làm tốt công tác tư tưởng từ trong Đảng ra quần chúng, chống chủ quan, bi quan, ngại khó, đồng thời tổ chức chặt chẽ và động viên mọi người hoàn thành công việc được giao.

    Do quán triệt tư tưởng ngay từ đầu vụ nên Đảng bộ và nhân dân Nam Định đã biến khó khăn thành thuận lợi, gây được phong trào thi đua sôi nổi trong quần chúng. Qua phong trào thi đua với Hợp tác xã Tân Khang, thi đua một tháng đột kích. Mỗi cuộc vận động đều nhằm giải quyết khâu yếu nhất, cho nên phong trào từ nơi khá lan ra nơi kém; từ đảng viên, đoàn viên, dân quân lan ra đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhiều nơi đã nêu khẩu hiệu tranh thủ trời nắng, quyết thắng trời mưa, cấy trồng trước tết, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, mất ải thỉ rải thêm phân. Thanh niên, dân quân đã tổ chức những đêm hoa đăng, thắp đuốc, thắp đèn đi cày, cuốc, rắc phân để kịp thời vụ. Từng địa phương một cũng phát động sản xuất, huyện Ý Yên mở chiến dịch Tống Văn Trân bất khuất, Giao Thuỷ có cuộc vận động nổi sóng đường cày, lập công dâng Đảng. Trong phong trào thi đua sôi nổi của quần chúng đã xuất hiện nhiều tập thể cá nhân điển hình tiên tiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phong trào thi đua được phát động thường xuyên sôi nổi ở tất cả các ngành, các cấp từ thành phố đến các vùng nông thôn trong suốt hai năm (1961- 1962). Nhiều tấm gương điển hình tiên tiến của cá nhân, đơn vị có sức cổ vũ quần chúng đã xuất hiện. Tiêu biểu như tập thể tổ 1 máy con ca A - Phân xưởng sợi - Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định được tặng danh hiệu tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa... Các chị Nguyễn Thị Thạc và Nguyễn Thị Hiếu là những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

    Nhờ có sự chỉ đạo cấy kịp thời vụ của các cấp uỷ Đảng và tinh thần khắc phục khó khăn của các tầng lớp nhân dân, vụ đông xuân 1962 đã thu được kết quả khá, năng suất lúa đạt trên 18 tạ/ha. Vụ mùa năm 1962, năng suất lúa còn đạt cao hơn, bình quân đạt 20,7 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 153.817 tấn. Do đó quần chúng càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm xây dựng hợp tác xã với quy mô lớn hơn, nhằm nhanh chóng thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu.

    Bước vào năm 1962, mặc dù nguyên vật liệu khan hiếm, nhưng ngành công nghiệp, thủ công nghiệp đã có những cố gắng khắc phục khó khăn, thực hiện một số chỉ tiêu kế hoạch được tốt. Sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp sáu tháng đầu năm 1962 so với sáu tháng đầu năm 1961 tăng 11%. Trong đó công nghiệp phục vụ nông nghiệp tăng gấp ba lần. Do đó khối lượng hàng hoá phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu cũng tăng lên. Một số xí nghiệp đã tích cực tìm nguyên vật liệu để thay thế. Xí nghiệp chuối đã chuyển sang muối trứng vịt để đảm bảo công ăn việc làm và đời sống của công nhân. Xưởng thuỷ tinh đã nấu thành công từ cát ra thuỷ tinh. Xưởng gạch Tân Đệ đã cải tiến khuôn đúc một thành khuôn đúc đôi, tăng mỗi công đóng gạch lên 130 viên. Trong sáu tháng đầu năm 1962, anh chị em công nhân đã góp được gần 1.000 sáng kiến lớn nhỏ, có sáng kiến tăng năng suất từ ba đến năm lần. Có 120 tổ, đội thi đua đăng ký thành tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa. Tuy giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp địa phương sáu tháng chỉ đạt 89% kế hoạch đề ra, nhưng công nghiệp trung ương đạt 101% kế hoạch.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com