[links()]
(Tiếp theo)
Thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, đến cuối năm 1961, toàn tỉnh có 1.593 hợp tác xã nông nghiệp, gồm 180.094 hộ, bình quân mỗi hợp tác xã có 112 hộ và 271 hợp tác xã bậc cao, gồm 45.800 hộ. Toàn tỉnh có 91% số hộ nông dân vào hợp tác xã (có 23% số hộ vào hợp tác xã bậc cao). Qua phân loại có 568 hợp tác xã đạt loại khá, 719 hợp tác xã trung bình, 309 hợp tác xã kém. Các đội chuyên, tổ chuyên như tổ cày bừa, tổ cấy, tổ làm thuỷ lợi được hình thành. Việc khai hoang, phục hoá, cải tạo đồng ruộng cũng có nhiều thuận lợi. Các hợp tác xã đã có phương hướng sản xuất tích cực hơn, công tác quản lý kinh doanh cũng có nhiều tiến bộ hơn.
Về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thủ công nghiệp, toàn tỉnh đã tổ chức được 403 hợp tác xã và tổ sản xuất bậc trung thu hút 15.192 người, chiếm 47% còn lại 1.528 người đã được tổ chức vào các tổ sản xuất với hình thức thấp hoặc chuyển sang các hợp tác xã nông nghiệp (tổng số thợ thủ công nghiệp ở Nam Định đầu năm 1961 có 33.784 người). Ngoài ra 62 hợp tác xã nhỏ trước đây tổ chức thành 26 hợp tác xã lớn và chuyển từ hợp tác xã bậc trung lên hợp tác xã bậc cao với 1.524 xã viên. Cuốỉ năm 1961, toàn tỉnh đã chuẩn bị mọi mặt cho hợp tác xã gồm 4.400 xã viên có điều kiện chuyển lên hợp tác xã bậc cao. Năm 1961 sản xuất thủ công nghiệp tăng lên gấp hai lần so với năm 1960.
Ngày 29-3-1962, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp kiểm điểm công tác năm 1961 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 1962. Hội nghị đã xác định thành tích năm 1961 chỉ là bước đầu, phong trào chung có chuyển biến nhưng chưa thật mạnh mẽ.
Phát huy những thắng lợi đã đạt được, Tỉnh uỷ đã đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 1962 nhằm quán triệt nhiệm vụ công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở củng cố và phát triển quan hệ sản xuất mới, tìm mọi cách khai thác khả năng tiềm tàng, phong phú của địa phương, sản xuất vượt mức kế hoạch, ra sức tiết kiệm về mọi mặt để không ngừng mở rộng sản xuất nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp nhiều cho Nhà nưóc, thiết thực chuẩn bị cho việc phát triển kinh tế những năm tới, đưa Nam Định tiếp tục tiến lên, trở thành một trong những tỉnh tiên tiến của miền Bắc.
Để thực hiện phương hướng và nhiệm vụ chung, Tỉnh uỷ đề ra các nhiệm vụ cụ thể và biện pháp thực hiện chủ yếu trên các lĩnh vực là:
- Ra sức tăng năng suất toàn bộ diện tích trồng trọt, đồng thời tăng vụ, khai hoang, trồng cây lương thực, coi trọng cây công nghiệp, tăng cường chỉ đạo khai thác mọi tiềm năng vùng biển, phát triển chăn nuôi.
- Sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp địa phương chủ yếu là phục vụ nông nghiệp, hàng tiêu dùng và một phần hàng xuất khẩu.
- Về xây dựng cơ bản, giao thông bưu điện: lấy việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp là chủ yếu nhằm tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các ngành kinh tế, giảm xây dựng cơ bản ở các khu vực phi sản xuất. Tiến hành quy hoạch thành phố Nam Định, mở rộng sản xuất, làm một số công trình công cộng, trước mắt cần chăm lo sửa nhà cho nhân dân thành phố.
- Thương nghiệp, tài chính và ngân hàng phải đẩy mạnh mọi mặt công tác hướng vào phục vụ tốt nhất cho công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Trước mắt cần khắc phục khó khăn của tình hình mất cân đối hiện nay trong nền kinh tế nhằm bảo đảm sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phát triển và đảm bảo đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân.
- Văn hoá, giáo dục, y tế phải gắn chặt với sản xuất và đời sống hơn nữa, phục vụ tốt cho việc hoàn thành kế hoạch nhà nước và góp phần xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
- Bộ máy chính quyền phải phát huy chức năng quản lý kinh tế, quản lý sản xuất, quản lý việc thực hiện kế hoạch nhà nước từ cơ sở. Phát huy hơn nữa chức năng và giữ vững sinh hoạt dân chủ của Hội đồng nhân dân các cấp phù hợp với quan hệ sản xuất mới. Phải giáo dục thường xuyên tinh thần đề cao cảnh giác, phát động phong trào bảo vệ trị an, bảo mật phòng gian để góp phần củng cố quốc phòng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà.
Nghị quyết của Tỉnh uỷ về phương hướng nhiệm vụ năm 1962 được truyền đạt tới các cấp uỷ Đảng. Các ngành đều hướng vào thực hiện các nhiệm vụ công tác, động viên phong trào quần chúng thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm để giành thắng lợi toàn diện kế hoạch năm 1962.
(Còn nữa)