Nâng cao sức chiến đấu của Đảng bộ, tích cực thúc đẩy quan hệ sản xuất mới - (Kỳ 6)

03:10, 01/10/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tháng 4-1961, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp thảo luận nhiệm vụ khai hoang mở rộng diện tích, khai thác những tiềm năng sẵn có về đất đai của địa phương đã quyết định:

    Khai phá hết diện tích hoang hoá trong tỉnh và xây dựng vùng ven biển trở thành nơi giàu đẹp. Xây dựng khu vực bãi bồi Bạch Long (Giao Thuỷ) làm điển hình cho kinh tế tập thể; đưa một số dân Xuân Trường, Trực Ninh xuống sản xuất ở các xã ven biển thuộc Giao Thuỷ, Hải Hậu.

    Sớm ổn định cho đồng bào Xuân Trường đang khai hoang ở tỉnh Bắc Giang và tiếp tục đưa nhân dân các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực đi khai hoang ở tỉnh kết nghĩa Hoà Bình. Đồng thời tiếp tục điều nhân lực đi khai hoang ở vùng núi Ninh Bình như huyện Ý Yên đã làm.

    Sau khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các huyện đã nhanh chóng tổ chức thực hiện. Ngay trong tháng đầu, toàn tỉnh đã khai phá được 405 mẫu đất hoang hoá. Huyện Ý Yên đã cấy được 210 mẫu lúa trên diện tích đất hoang.

    Trên cơ sở đã đạt được, tháng 12-1961, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã hai lần họp bàn tiếp tục đề cập đến vấn đề khai hoang ven biển. Để đảm bảo sản xuất không những đối với cấy lúa mà cả nuôi thả cá, làm muối, trồng cói và trồng các cây công nghiệp khác, Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định một số vấn đề cụ thể về quy hoạch vùng duyên hải. Một khu vực chạy dọc theo năm xã ven biển của huyện được khoanh vùng ngăn cách giữa vùng trồng lúa và vùng trồng cây công nghiệp, phát triển nghề cá, muối; xây dựng một số xí nghiệp sản xuất muối phục vụ cho công nghiệp và chế biến thuỷ, hải sản. Khu vực bãi biển xã Hải Thịnh được dành một phần đất để làm nhà nghỉ dưỡng cho cán bộ, công nhân. Sông Phú Lễ được nạo vét phục vụ cho giao thông và tiêu nước chống lụt, ngăn mặn cho cánh đồng lúa phía bắc sông.

    Đảng bộ Nam Định đã xác định nhiệm vụ ra sức phát triển sản xuất, lấy nông nghiệp làm trọng tâm. Hợp tác xã nông nghiệp được coi là nhân tố mới để phát triển nông nghiệp, tích cực củng cố và phát triển hợp tác xã, tăng cường quan hệ sản xuất mới và phát triển sản xuất, đồng thời tiếp tục đưa nông dân còn làm ăn riêng rẽ vào hợp tác xã, mở rộng thêm quy mô tổ chức của hợp tác xã, đưa một phần hợp tác xã từ bậc thấp lên bậc cao.

    Để thực hiện tốt Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Tỉnh uỷ Nam Định xác định nhiệm vụ củng cố và mở rộng hợp tác xã nông nghiệp sau thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa bao gồm cả bốn mặt: phát triển xã viên, củng cố, liên hệ và mở rộng quy mô, đưa hợp tác xã lên bậc cao. Tháng 6-1961, Tỉnh uỷ họp bàn về phương hướng phát triển hợp tác hoá nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, quyết định phấn đấu đưa các hợp tác xã lên bậc cao và quy mô toàn xã vào năm 1964 - 1965; tổ chức hợp tác xã hỗn hợp (lúa, cá, muối); tổ chức quản lý các ngành nghề trong hợp tác xã; quản lý hợp tác xã; thực hiện đường lối giai cấp ở nông thôn; tiến hành đào tạo cán bộ cho hợp tác xã và quyết định chế độ thoát ly sản xuất và phụ cấp.

    Nghị quyết của Tỉnh uỷ đã góp phần chuẩn bị để Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành Hội nghị lần thứ 5 về phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (7-1961). Từ thực tế địa phương, Tỉnh uỷ Nam Định đã nhận xét mức độ hơn hẳn của hợp tác xã so với cách làm ăn riêng lẻ. Tỉnh uỷ cũng mạnh dạn báo cáo với Trung ương về mâu thuẫn đang tồn tại. Trừ một số hợp tác xã khá hẳn lên, còn phần lớn các hợp tác xã, quần chúng lại kêu ca vì thu nhập giảm sút, xã viên không có thời gian làm thêm nghề phụ. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu và thị trưòng tiêu thụ bị quản lý chặt nên các nghề thủ công, nghề phụ gia đình không phát triển. Chỉ có vùng trồng cây hoa lưu niên, có nhiều nghề phụ (Mỹ Lộc, Hải Hậu...), thu nhập từ kinh tế gia đình cao hơn hợp tác xã. Còn vùng không có cây lưu niên, ít nghề phụ, thu nhập từ hợp tác xã cao hơn thu nhập từ kinh tế gia đình. Tuy vậy đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm có hơn 8.000 hộ xin ra hợp tác xã.

    Quy mô hợp tác xã ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện phân công lao động, khai hoang phục hoá, làm thuỷ lợi cải tạo đồng ruộng. Các hợp tác xã đã có phương hướng sản xuất tích cực hơn, công tác quản lý kinh doanh tiến bộ hơn. Tỉnh uỷ và Uỷ ban hành chính tỉnh đã chú ý đến trọng tâm nông nghiệp, trước hết là đẩy mạnh sản xuất lương thực, đồng thời chú trọng chỉ đạo phát triển nông nghiệp một cách toàn diện trên năm mặt trận (tăng năng suất, tăng vụ, khai hoang, chăn nuôi, thả cá). Vì vậy, tình hình sản xuất lương thực đã đạt được những thắng lợi rõ rệt. Giá trị tổng sản lượng lương thực năm 1961 tăng hơn năm 1960 là 18% (chỉ tiêu đề ra là 31%). Do đó đã khắc phục được một phần khó khăn quan trọng về lương thực, thực phẩm của năm 1960 để lại. Tuy nhiên, mức độ sản xuất lương thực còn ở mức trung bình. Bình quân lương thực đầu người quy ra thóc đạt 321 kg, cao hơn năm 1960, nhưng không vượt được những năm 1957- 1959.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com