Khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới - (Kỳ 5)

05:10, 29/10/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Cải tiến quản lý đợt 2 đã xác định được phương hướng sản xuất, bước đầu đã nắm vững hai chân (trồng trọt và chăn nuôi), ba bước (cây lương thực, cây công nghiệp và chăn nuôi). Do đó năng suất và sản lượng lúa tăng, cây màu phát triển khá, cây công nghiệp nhất là cây cói tăng nhanh. Chăn nuôi lợn tập thể phát triển mạnh. Quản lý lao động và quản lý tài vụ cũng có nhiều tiến bộ. Công tác cải tiến và áp dụng kỹ thuật mới đã tập trung vào các khâu chính (nước, phân, giống). Hầu hết các hợp tác xã đã thành lập các tổ khoa học kỹ thuật, nhằm áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như nuôi bèo hoa dâu, ngâm giống (ba sôi hai lạnh, chế biến phân bón). Đã có 68 hợp tác xã đạt loại khá (40%), 85 hợp tác xã thuộc loại trung bình (50%), 15 hợp tác xã thuộc loại kém (8,8%), 2 hợp tác xã phải bỏ dở (1,2%).

Khẩu đội pháo 14,5 ly nhà máy đồ hộp xuất khẩu bắn rơi may bay Mỹ vào tháng 5 năm 1972.
Khẩu đội pháo 14,5 ly nhà máy đồ hộp xuất khẩu
bắn rơi may bay Mỹ vào tháng 5 năm 1972.

    Thông qua cuộc vận động, vai trò lãnh đạo của chi bộ Đảng ở cơ sở được tăng cường thêm một bước. Cán bộ, đảng viên nhận rõ ưu, khuyết điểm trong việc lãnh đạo sản xuất và việc củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ cốt cán được bố trí lại phù hợp với yêu cầu của cách mạng. Mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với quần chúng ngày càng thêm gắn bó, khí thế cách mạng của quần chúng được phát huy. Trong quá trình cải tiến đợt 2, đã tổ chức thêm được 21 chi bộ, 11 tổ đảng mới, kết nạp thêm được 341 đảng viên. Lực lượng trẻ trong chi bộ được tăng cường, nên đã đấu tranh thắng lợi với tư tưởng bảo thủ, sợ mất địa vị, trước đây không dám kết nạp số thanh niên tích cực vào Đảng. Đi đôi với việc kết nạp đảng viên mới, đã thi hành kỷ luật 26 đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm. Hầu hết các hợp tác xã đã kiện toàn Ban Chấp hành các chi đoàn và kết nạp thêm được 572 đoàn viên mới. Trong quá trình cải tiến, bộ máy lãnh đạo của hợp tác xã cũng được kiện toàn; thay đổi 35 chủ nhiệm, 66 phó chủ nhiệm, 27 kế toán, 126 đội trưởng, 171 đội phó...

    Qua thực tiễn chỉ đạo cải tiến hợp tác xã đợt 2, các cấp uỷ Đảng hiểu sâu hơn tình hình phong trào hợp tác hoá của tỉnh. Tỉnh uỷ đã đúc kết một số kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo công tác cải tiến hợp tác xã đợt 3, đợt 4, đợt 5 được tiến hành trong năm 1964 là: công tác chuẩn bị phải rất chu đáo, phải nhận thức cho đầy đủ ý nghĩa của cuộc đấu tranh tự phê bình và phê bình trong đợt cải tiến quản lý hợp tác xã, phải thật sự dân chủ và quyết tâm đi vào phát động phong trào quần chúng, phải quán triệt đầy đủ tinh thần vừa bàn, vừa làm.

    Do ảnh hưởng của công tác cải tiến quản lý hợp tác xã, phong trào hợp tác hoá năm 1963 đã vượt qua nhiều khó khăn, ngày càng được củng cố vững mạnh. Số người xin vào hợp tác xã tăng 4.804 hộ. Đã hợp nhất 185 hợp tác xã nhỏ thành 78 hợp tác xã và tách 69 hợp tác xã quá lớn thành những hợp tác xã có quy mô vừa phải trên 100 hộ. Trong 1.408 hợp tác xã: khá có 427 hợp tác xã, trung bình có 636 hợp tác xã, kém là 289 hợp tác xã... Đặc biệt ngày càng nhiều hợp tác xã khá về các mặt, phong trào ở một số nơi từ yếu kém đã vươn lên khá như: Lục Thuỷ (Xuân Trường), An Bài (Hải Hậu), Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), Sa Châu (Giao Thuỷ)...

    Nhờ sản xuất phát triển, năm 1963 so với năm 1962 mức lương thực bình quân đầu người tăng 3,9 kg, đây là thành công lớn trong điều kiện sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tổng giá trị sản lượng vượt 0,87%, diện tích vượt kế hoạch 1,77 ha, đưa hệ số sử dụng ruộng đất từ 1,73 lần lên 1,76 lần. Trong sản xuất lương thực, tỷ trọng sản lượng màu tăng từ 11,4% lên 18,1%, về diện tích cây công nghiệp tăng từ 1,96 lên 2,1%; tính chất độc canh từng bước được khắc phục.

    Đợt 3 và 4 cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã của tỉnh đã tiến hành ở 425 hợp tác xã, chiếm 30% tổng số hợp tác xã toàn tỉnh. Sau gần chín tháng thực hiện cuộc vận động, toàn tỉnh có 132 hợp tác xã đạt loại khá, chiếm 32%; 234 hợp tác xã đạt loại trung bình, chiếm 55%; 53 hợp tác xã thuộc loại kém, chiếm 12,4%; 6 hợp tác xã phải bỏ dở, chiếm 0,6%.

    Công tác cải tiến quản lý hợp tác xã đợt 5 được tiến hành từ tháng 9-1964 ở 482 hợp tác xã và đã hoàn thành vào đầu tháng 12-1964. Trước khi tiến hành cải tiến đợt 5, những hợp tác xã kém và trung bình chiếm tới 94% (chỉ có 29 hợp tác xã khá, 460 hợp tác xã trung bình và kém). Tỉnh uỷ đã xác định quyết tâm rất cao trong các cấp, bảo đảm cho đợt 5 đạt yêu cầu nhằm nhanh chóng đưa những hợp tác xã kém và trung bình tiến kịp phong trào chung. Do lãnh đạo tập trung nên đợt 5 đã hoàn thành tốt. Ngoài các mặt đấu tranh nhập tư liệu sản xuất, xác định phương hướng cải tiến quản lý, cải tiến tài vụ, xây dựng cơ sở vật chất, do đặc điểm của đợt này là nhiều hợp tác xã yếu nên công tác tổ chức đã được ưu tiên hàng đầu: phát triển thêm 469 đảng viên mới, đưa 1.774 hộ vào hợp tác xã, chuyển 28 hợp tác xã lên bậc cao, phát triển thêm 1.241 đoàn viên, xây dựng 369 chi hội phụ nữ (phần lớn là hợp tác xã nơi có đồng bào theo đạo Thiên Chúa).

    Sơ bộ đánh giá công tác cải tiến hợp tác xã đợt 5: 155 hợp tác xã đạt loại khá, chiếm 32%; 269 hợp tác xã đạt trung bình, chiếm 56%; 58 hợp tác xã còn kém, chiếm 12%.

    Như vậy tới cuối năm 1964, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp đã được tiến hành 5 đợt ở 1.193 hợp tác xã, chiếm 83% tổng số hợp tác xã trong toàn tỉnh. Số còn lại trên 200 hợp tác xã thuộc loại nhỏ và kém nát, không tiến hành cải tiến. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chuẩn bị tổng kết vòng I và bàn kế hoạch vòng II sẽ tiến hành vào năm 1965.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com