Khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới - (Kỳ 3)

05:10, 22/10/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế miền núi, công tác khai hoang trong nội địa tỉnh và các tỉnh miền núi đã được tiến hành từ năm 1960. Nhưng chỉ sau Hội nghị phát động của Tình uỷ ngày 2-1-1963, phong trào mới có sự chuyển biến và có tính chất quần chúng ở nhiều huyện. Phạm vi địa bàn đã được mở rộng tới bảy tỉnh (Hoà Bình, Hà Bắc, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang và Lào Cai). Sáu tháng đầu năm 1963 có 11.127 người đi tham gia xây dựng kinh tế miền núi, trong đó có 5.260 lao động, 241 đảng viên, 312 đoàn viên, 50 đảng uỷ viên. Huyện đi nhiều nhất là Xuân Trường (3.890 người, đạt 56% kế hoạch), riêng xã Xuân Thượng có 728 người, chiếm 13% dân số. Đến cuối năm 1963 có 4.566 hộ, 21.571 nhân khẩu đi các tỉnh miền núi, đạt 113,5% kế hoạch và gấp 2 lần so với tổng số người đi trong hai năm 1961-1962 cộng lại. Sáu tháng đầu năm 1964 có 11.236 người đi, bằng 83% kế hoạch. Nếu cộng những năm trước lại, toàn tỉnh có 38.145 người đi tham gia phát triển kinh tế miền núi trong 13 tỉnh. Toàn tỉnh có 42.000 người chuyển đi các công trường, lâm trường, đạt 545% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Dân quân xã Mỹ  Xá vừa sẵn sàng vừa giúp bộ đội chuyển đạn ra mặt trận đánh máy bay Mỹ, năm 1964.
Dân quân xã Mỹ Xá vừa sẵn sàng chiến đấu vừa giúp bộ đội chuyển đạn ra mặt trận đánh máy bay Mỹ, năm 1964.

    Các cấp uỷ và chính quyền nơi đi và nơi đến đã quan tâm chu đáo, chuẩn bị tốt địa bàn, tạo điểu kiện thuận lợi cho đồng bào ổn định nơi ăn chốn ở và bắt tay vào sản xuất kịp thời vụ. Nhờ vậy, ngay năm đầu, đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới chẳng những sản xuất đủ tiêu dùng mà còn bán cho Nhà nước một lượng lương thực khá lớn.

    Đạt được những kết quả trên là do nhận thức và sự chỉ đạo của các cấp uỷ ngày càng rõ và sâu sắc hơn. Công tác khai hoang được đặt ra cụ thể, mức độ rõ ràng, tập trung vào các địa bàn chính để vận động. Trong chỉ đạo, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã nắm chắc công tác giáo dục chính trị, giải quyết tốt tư tưởng, gắn liền với giải quyết tốt các chính sách. Ban khai hoang của tỉnh và các huyện được tăng cường thêm cán bộ để giúp Tỉnh uỷ và Huyện uỷ trực tiếp chỉ đạo phong trào, nêu rõ khó khăn, thuận lợi đúng mức; lấy những điển hình khắc phục khó khăn và sản xuất tốt để giáo dục đồng bào thực sự tự nguyện, không gò ép; làm cho cả người đi, người ở thấm nhuần ý nghĩa khai hoang đem lại nhiều lợi ích cho nhiệm vụ chung. Đối với miền xuôi có điều kiện phá "xiềng ba sào", tăng diện tích cây trồng, phân công lao động, phân bố lại sản xuất, tăng năng suất lao động; miền núi có điều kiện khai thác tài nguyên đất đai, sản xuất phát triển thêm và cải thiện đời sống cho người đi khai hoang.

    Tuy nhiên, đến cuối năm 1964, do điều kiện sản xuất khó khăn, cũng như lương ăn, vải mặc thiếu thốn nên một số người đi khai hoang đã bỏ về. Vì vậy cuộc vận động đồng bào đi khai hoang tập trung vào củng cố những thành quả đã đạt được.

    Ngày 23-11-1962, Bộ Chính trị có Nghị quyết về việc mở cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, củng cố quan hệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống của nông dân, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện cuộc vận động này, Tỉnh uỷ đã chọn 22 hợp tác xã làm thí điểm. Ngày 20-3-1963, Tỉnh uỷ họp chính thức phát động cải tiến đợt 1 ở 88 hợp tác xã trong toàn tỉnh.

    Nhờ có sự chỉ đạo của Trung ương và kinh nghiệm thực tế của đợt thí điểm, nên công tác lãnh đạo của các cấp uỷ tương đối chặt chẽ, sát sao ngay từ đầu. Ở Nam Định, ngoài việc thành lập Ban chi đạo cải tiến quản lý giúp Tỉnh uỷ, Thường vụ Tỉnh uỷ trực tiếp chỉ đạo và nghe báo cáo hằng tuần. Các đồng chí trong cấp uỷ và trong Ban chỉ đạo thường xuyên xuống kiểm tra giúp đỡ cơ sở. Ở huyện, thành phố đều có các đồng chí Thường vụ chuyên trách, hoặc đồng chí Bí thư Huyện uỷ trực tiếp chỉ đạo điểm. Trong cải tiến đợt 1, có 195 cán bộ tỉnh và huyện về giúp các hợp tác xã với một tinh thần trách nhiệm rất cao, lo toan công việc của xã và hợp tác xã.

    Sau một tháng phát động, ngày 27-4-1964, Ban chỉ đạo cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã sơ kết đánh giá khẳng định hầu hết cán bộ, đảng viên đều nhất trí với tinh thần của Nghị quyết, sự cần thiết phải tiến hành cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật để phát triển nông nghiệp. Những nơi chưa cải tiến, tỉnh mở được ba lớp huấn luyện cho 1.627 bí thư, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã. Học tập Nghị quyết Bộ Chính trị, kinh nghiệm của 22 hợp tác xã cải tiến thí điểm và một số kinh nghiệm khác, nhiều địa phương đã có phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất với các đơn vị đang thực hiện cuộc cải tiến; chi bộ họp bàn về củng cố hợp tác xã. Vùng ngoại thành Nam Định và huyện Giao Thuỷ, quần chúng xin vào hợp tác xã đông hơn.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com