Trong những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi tìm gặp, nghe những câu chuyện của các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) và càng thêm cảm phục những người phụ nữ đã thầm lặng hy sinh cả cuộc đời cho Tổ quốc.
Bà mẹ VNAH Trịnh Thị Nhũ ở xóm 12, xã Giao Hà (Giao Thủy), có 3 người con là liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Ở tuổi 98, sức đã yếu nhưng mẹ Nhũ vẫn minh mẫn. Mẹ kể, các con của mẹ khi ấy mới 15, 16 tuổi, vẫn còn đang trong tuổi cắp sách tới trường, đã giấu mẹ đăng ký xung phong đi bộ đội. Cuối năm 1967, mẹ tiễn con trai cả là Bùi Văn Kiên, vừa mới tròn 16 tuổi lên đường nhập ngũ. Một tháng sau, con trai Bùi Trọng Thủy, khi ấy chưa đầy 15 tuổi đã lên UBND xã khai tăng tuổi, giấu thêm vài cục đá vào túi quần cho nặng cân để đăng ký nhập ngũ. Thương các con tuổi còn quá trẻ nhưng vì đất nước có chiến tranh, mẹ nén lòng động viên con rèn luyện sức khỏe, chân cứng đá mềm để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau thời gian huấn luyện, hai anh đều tranh thủ về thăm nhà một đêm trước khi hành quân vào chiến trường. Chiến tranh khốc liệt, thời gian đầu, gia đình còn nhận được thư của anh con cả Bùi Văn Kiên, sau rồi bặt tin. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trong niềm vui lớn của cả dân tộc, bao gia đình hân hoan đón chồng, con trở về thì riêng mẹ nhận một nỗi đau quá lớn: Hai con trai của mẹ đã hy sinh. Anh Bùi Văn Kiên là đội viên đội cảm tử hy sinh năm 1969, tại chiến trường miền Nam. Anh Bùi Trọng Thủy hy sinh năm 1973, khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả tại Căm-pu-chia. Tiếp bước các anh, người con trai thứ 4 của mẹ là Bùi Xuân Ngọc lên đường nhập ngũ năm 1974 và xuất ngũ năm 1975. Năm 1978, khi vợ anh mang thai đứa con đầu lòng được 2 tháng thì anh tái ngũ, lên đường bảo vệ biên giới phía Bắc. Nỗi đau một lần nữa lại ập đến với mẹ: Đầu năm 1979, Bùi Xuân Ngọc đã anh dũng hy sinh. Vượt lên những nỗi đau, mẹ tích cực tham gia công tác ở địa phương, nuôi dạy, giáo dục các con cháu nỗ lực học tập, rèn luyện, công tác tốt. Nhiều con, cháu nội, ngoại của mẹ hiện là sĩ quan quân đội, công an, giáo viên và thành đạt ở nhiều ngành nghề khác.
|
Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Phong ở làng Lý Nhân, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). |
Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Phong ở làng Lý Nhân, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) có 2 con là liệt sĩ. Dù tuổi cao, sức khỏe đã yếu và không còn minh mẫn, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, những ký ức xưa tràn về làm cảm xúc của mẹ lại trào dâng. Hai lần tiễn con đi là hai lần mẹ khóc thầm lặng lẽ. Năm 1964 và 1966, hai con trai của mẹ là Nguyễn Quốc Phòng và Nguyễn Văn Phương xung phong đi bộ đội đều ở tuổi 16. Từ ngày ấy, gia đình không nhận được tin tức gì của các anh. Dù kinh tế khó khăn nhưng ông bà chắt bóp, dành dụm tiền mua chiếc đài bán dẫn rồi đêm nào cũng lắng nghe tin tức từ chiến sự, nghe ngóng tin tức của đơn vị, nơi các anh chiến đấu. Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, mẹ mới nhận được tin các con đã hy sinh. Trong một trận chiến ác liệt, vào tháng 7-1970, tại một địa danh của tỉnh Phú Yên, Nguyễn Quốc Phòng cùng đồng đội bị bom giặc bỏ trúng hầm, cả 7 người đều hy sinh. Nguyễn Văn Phương hy sinh sau anh trai đúng một tháng tại Tây Ninh trong lần cùng đồng đội vận chuyển lương thực gặp phải mìn lá của giặc cài lại. Đã 35 năm trôi qua nhưng mẹ vẫn đau đáu nhớ thương hai con của mẹ. Mẹ ước dù chỉ một lần được thắp hương lên mộ cho con, nhưng hình hài hai con của mẹ đã hòa với nước non sông núi.
Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở xóm 14, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc), Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Chắt và chồng là ông Nguyễn Văn Huần tuổi cao, sức yếu, trí nhớ không còn minh mẫn, quên hầu hết các chuyện trong quá khứ nhưng cứ ai nhắc đến hai con trai đã hy sinh là lại thương nhớ, ôn lại những kỷ niệm về các con khi còn nhỏ. Hai anh đều hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả tại Căm-pu-chia. Phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng đã được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ xã Ninh Xuân, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh); phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thể được đưa về Nghĩa trang Tây Ninh. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình mới vào thăm viếng mộ, chưa thể đưa các anh về quê hương.
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, gần 20 vạn người con quê hương Nam Định đã lên đường nhập ngũ, trong đó có trên 36 nghìn người đã anh dũng hy sinh, hơn 25 nghìn thương, bệnh binh. Toàn tỉnh có gần 2.000 bà mẹ được Đảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ VNAH". Mỗi Bà mẹ VNAH có một hoàn cảnh khác nhau nhưng các mẹ đều có điểm chung là lòng nhân ái, bao dung, yêu nước thiết tha. Công lao to lớn của các Bà mẹ VNAH, những người đã hiến dâng chồng và những người con yêu quý cho độc lập, tự do của Tổ quốc, không gì có thể so sánh được. Sự hy sinh đó mãi mãi được Tổ quốc, được các thế hệ ghi nhớ, tri ân./.
Bài và ảnh:
Minh Tân