Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và trong ngày lễ trọng đại ấy có những con người đã vinh dự được giao những nhiệm vụ đặc biệt.
Trưởng ban tổ chức ngày Lễ Độc lập
Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm cho ông Nguyễn Hữu Đang lo liệu công tác tổ chức ngày Lễ Độc lập với một mệnh lệnh: “Đây là sự kiện lịch sử lớn kết thúc Cách mạng Tháng Tám và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” kèm theo một lời khích lệ đầy tin tưởng: “Việc khó mới giao cho chú!”.
Là người có kinh nghiệm vận động quần chúng và trưởng thành từ thực tế phong trào truyền bá Quốc ngữ, ông Nguyễn Hữu Đang đã nhanh chóng tập hợp được nhân tài, vật lực từ các kiến trúc sư vẽ kiểu đến người thợ mộc trực tiếp thi công, từ các nhà công thương hiến tặng vật liệu đến nhà kỹ thuật cung cấp và lắp đặt các thiết bị phóng thanh… để đúng ngày giờ ấn định, Lễ đài Độc lập đã sừng sững uy nghi giữa Quảng trường Ba Đình.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: TL |
Từ trên lễ đài ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập dân tộc cùng sự ra đời của chính thể Dân chủ - Cộng hòa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Và cũng từ lễ đài ấy, chiếc ấn vàng và cây kiếm tượng trưng của chế độ quân chủ Việt Nam đã được trưng ra trước quốc dân đồng bào, cáo chung cho triều đại phong kiến cuối cùng…
Người thiết kế Lễ đài Độc lập trên Quảng trường Ba Đình
Người thiết kế Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 là Kiến trúc sư (KTS) Ngô Huy Quỳnh. Ông là một trong những học trò cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương, đồng thời là một trong những cây đại thụ của nền kiến trúc Việt Nam.
Ngày 1-9-1945, KTS Ngô Huy Quỳnh được cấp trên giao trọng trách thiết kế và tham gia dựng Lễ đài ở vườn hoa Ba Đình, có thể giản dị nhưng phải trang nghiêm. Sau những phút giây tính toán, KTS Ngô Huy Quỳnh đã chọn phương án dựng lễ đài bằng gỗ theo cách đóng đinh (vì thời gian gấp) và bọc lụa xung quanh trên vàng dưới đỏ để tạo dáng mỹ thuật, vừa nhanh vừa dễ làm. Nơi dựng lễ đài là bồn cỏ tròn ở giữa vườn hoa Ba Đình. Công trình được thiết kế có màu vàng nhạt, vòng hai tay ôm lấy phía sau lễ đài màu đỏ.
Cùng tài năng và sự nỗ lực, ông và các cộng sự hoàn thành công trình nổi tiếng này chỉ trong một ngày đêm (công trình hoàn thành trước rạng sáng ngày 2-9). Màu đỏ, vàng của lễ đài với hai bình hương hai bên, cùng màu của cờ đỏ sao vàng trên cột cờ lễ đài, tất cả cùng nổi lên rực rỡ và sống động.
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ lâm thời đã đứng trên Lễ đài ra mắt quốc dân đồng bào và Người trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Người kéo cờ trong ngày Độc lập
Tại buổi lễ “Tuyên ngôn Độc lập” 2-9-1945 diễn ra ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, bà Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa), quê ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bất ngờ nhận được nhiệm vụ kéo cờ Tổ quốc. Khi ấy bà chỉ thấy lo lắng, cốt sao để hoàn thành nhiệm vụ. Sau này bà mới thấy đó là niềm vinh dự đặc biệt, niềm tự hào khi được chọn là người kéo ngọn cờ độc lập trong thời khắc lịch sử trọng đại ấy.
Vào ngày 2-9 cách đây 70 năm, bà dẫn đầu đoàn Phụ nữ cứu quốc tiến về Quảng trường Ba Đình. Một cán bộ trong Ban tổ chức đến thông báo cử người lên kéo cờ. Các chị em đồng thanh đề nghị bà.
Bà Thi kể lại: “Chúng tôi là đoàn phụ nữ quận Hoàn Kiếm được đứng hàng đầu, vì chúng tôi đi sớm hơn. Tôi đứng chờ ở ngoài, không đứng trong hàng ngũ. Bất ngờ Ban tổ chức yêu cầu cử một người lên kéo cờ. Mọi người nhìn vào tôi vì tôi đứng ngoài. Tôi đi lên lễ đài, tôi gặp một chị mặc quần áo Tày, hai chị em dắt tay nhau lên chân cột cờ. Lần kéo cờ trước Quảng trường Ba Đình đó tôi thấy sự việc quá trọng đại nên thấy sợ lắm. Khi kéo thì tim đập thình thịch. Khi cờ lên đỉnh cột tôi mới thấy nhẹ nhõm”.
Sau Ngày độc lập, bà Lê Thi hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, bà được bầu làm Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc khu Hoàn Kiếm, làm Phó Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Vĩnh Phúc… Đến năm 1956 khi hoà bình lập lại, bà được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc. Tốt nghiệp loại ưu, bà được giữ lại làm giảng viên, rồi đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác nhau./.
PV (St)