Nam Định khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8-1945

09:09, 02/09/2015

Hoà với phong trào yêu nước và cách mạng của cả nước, ngay từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhân dân Nam Định đã liên tiếp khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Đặc biệt từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã từng bước phát triển, bền bỉ, kiên cường vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách và liên tiếp giành thắng lợi.

Cơ sở chính trị được tổ chức, rèn luyện và nhân rộng

Khi thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ nhất, Nam Định là nơi đông dân cư ở vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, Thành phố Nam Định là trung tâm công nghiệp dệt - sợi lớn của cả nước; đồng thời là quê hương của nhiều trí thức yêu nước giác ngộ cách mạng. Không cam chịu cảnh sống nô lệ, bần hàn cơ cực, nông dân liên minh với công nhân trong tỉnh đã kiên quyết đấu tranh chống đế quốc phong kiến áp bức bóc lột và sớm lập ra tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng (thường gọi là Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội) từ tháng 7-1927. Đến cuối năm 1929, các chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng: Phố Vải Màn (nay là Hai Bà Trưng), nhà máy Đèn, nhà máy Điện, Trường Thành Chung… (Nam Định) và chi bộ ghép ở Ý Yên - Vụ Bản lần lượt được thành lập. Sau hội nghị hợp nhất ba tổ chức Đảng của cả nước (ngày 3-2-1930), tổ chức Đông Dương cộng sản Đảng của tỉnh cũng chuyển thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ cách mạng mà Luận cương Chính trị của Đảng đã vạch ra, Đảng bộ tỉnh sau khi thành lập đã bắt tay ngay vào lãnh đạo, phát động quần chúng đấu tranh giành quyền lợi dân sinh. Mở đầu cao trào cách mạng những năm 1930-1931 trong tỉnh là cuộc đình công lớn của hơn 4.000 công nhân nhà máy Sợi Nam Định, từ ngày 25-3 đến 16-4-1930, với mục tiêu đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, chống sa thải thợ… Những tháng cuối năm 1930, tiếp diễn nhiều cuộc biểu tình khác ở cả khu vực thành phố và nông thôn diễn ra rất sôi nổi, mạnh mẽ. Đặc biệt là phong trào tổ chức truy điệu nông dân Tiền Hải (Thái Bình) bị địch sát hại đã có sức cổ vũ mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân và làm quân địch khiếp sợ.

Chùa Tự Lạc, nơi họp bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở 2 huyện Xuân Trường - Giao Thủy ngày 20-8-1945. Ảnh: TL
Chùa Tự Lạc, nơi họp bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở 2 huyện Xuân Trường - Giao Thủy ngày 20-8-1945. Ảnh: TL

Từ cuối năm 1931, đế quốc Pháp điên cuồng khủng bố cách mạng. Nhiều đảng viên và quần chúng tích cực bị bắt, phong trào cách mạng trong tỉnh tạm lắng và duy trì ở mức thấp hơn. Số đảng viên còn lại, sau khi tạm lánh một thời gian ngắn đã nhanh chóng bắt mối liên lạc, củng cố tổ chức và rút vào hoạt động bí mật, việc tuyên truyền cách mạng, bảo vệ Đảng được tăng cường.

Trong tù, các chiến sĩ cộng sản bị địch tra tấn hết sức dã man nhưng vẫn kiên trung, bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng, tiếp tục học tập và đấu tranh vạch mặt kẻ thù. Một số cán bộ, đảng viên ưu tú của Đảng bộ như Nguyễn Hới (tức Hạp), Trần Đình Phụng (tức Chúc), Trần Văn Lan, Trần Như Cảnh, Lê Ngọc Rư, Lê Mạnh Hiền, Ngô Huy Ngụ, Nguyễn Văn Lịch (tức Tám, Mẫn), Trần Thị The (chị Cả)… đã anh dũng hy sinh và là những tấm gương sáng về ý chí kiên cường, dũng cảm, góp phần cổ vũ động viên, thôi thúc phong trào cách mạng tiếp tục vững bước đi lên.

Sau Đại hội Đảng lần thứ nhất (tháng 3-1935) họp tại Ma Cao (Trung Quốc), phong trào cách mạng trong tỉnh bước sang cao trào mới; phát triển mặt trận dân chủ, triệt để lợi dụng những khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp để tuyên truyền, tổ chức quần chúng đấu tranh, phát triển tổ chức bí mật của Đảng. Mặt khác, do sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân cả nước buộc thực dân Pháp ở Đông Dương phải trả tự do cho hàng trăm cán bộ, đảng viên cộng sản bị chúng giam giữ, tù đày. Nhiều chiến sĩ cộng sản ưu tú được thử thách, tôi luyện, trưởng thành trong nhà tù đế quốc trở về quê hương tiếp thêm sức mạnh cho phong trào cách mạng. Qua cuộc khủng bố trắng của địch, các tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng ở cơ sở đã từng bước được khôi phục, củng cố và các cuộc đấu tranh cách mạng lại nổ ra với nhiều hình thức mới, sức mạnh mới.

Những năm 1936-1939, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng của Trung ương Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, trong toàn tỉnh đã tiến hành hơn 30 cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ. Các cuộc đấu tranh diễn ra liên tục, hình thức phong phú, linh hoạt thu hút được đông đảo quần chúng tham gia và đạt được nhiều mục tiêu chính trị cơ bản. Ở nông thôn, nông dân lập ra các tổ chức Ái hữu, Hội cấy, Hội cày, Hội gặt, Hội lợp nhà, Hội Tư văn, Hội Âm nhạc, Hội Đá bóng… cùng tập hợp giúp nhau khi khó khăn hoạn nạn; cùng đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống các hủ tục phong kiến. Tranh thủ điều kiện hợp pháp, Đảng bộ tổ chức phát hành rộng rãi tài liệu sách báo công khai, tuyên truyền đường lối của Đảng và hướng dẫn quần chúng đấu tranh cách mạng. Nhờ đó nhân dân hiểu thêm về Đảng, nâng cao giác ngộ cách mạng. Khối liên minh công - nông được củng cố vững chắc. Lực lượng chính trị được mở rộng. Năng lực lãnh đạo của Đảng bộ được trưởng thành về nhiều mặt.

Khi Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ, thực dân Pháp ở Đông Dương lại đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ở trong tỉnh, ngày 29-11-1939, địch mở cuộc khủng bố trắng, chúng khám xét 122 vụ, bắt đi nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Song, nhờ sự chuẩn bị lực lượng và cơ sở chính trị khá vững, nên những đảng viên còn lại đã nhanh chóng tìm cách liên lạc với Đảng, khôi phục tổ chức, tiếp tục hoạt động.

Xây dựng lực lượng và khởi nghĩa giành thắng lợi

Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941), công tác xây dựng lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa trong tỉnh được triển khai tích cực và rất sôi động. Hầu hết các địa phương, cơ sở đều thành lập các đoàn thể Cứu quốc, mở rộng Mặt trận Việt Minh, thu hút đông đảo lực lượng quần chúng tham gia. Sau khi cơ bản phục hồi được phong trào, củng cố lại tổ chức, Ban Cán sự Đảng của tỉnh đã nhanh chóng lãnh đạo cao trào kháng Nhật chuẩn bị giành chính quyền. Giữa lúc nhân dân bị đói khổ cùng cực, từ tháng 3 đến tháng 5-1945, Đảng bộ đã huy động mọi người vào trận tuyến đấu tranh với khẩu hiệu và mục tiêu thiết thực: “Phá kho thóc giặc Nhật cứu đói” cho dân, chống cường hào ác bá áp bức bóc lột, làm cho phong trào cách mạng của quần chúng dâng lên như thác lũ. Cuộc đấu tranh ở nhiều xã, nhiều huyện giành được thắng lợi cả về kinh tế và chính trị. Qua cao trào, quần chúng cách mạng được thử thách, tập dượt; cán bộ, đảng viên có thêm kinh nghiệm lãnh đạo đấu tranh, lực lượng cách mạng được bổ sung; thế và lực cách mạng càng thêm vững chắc.

Nắm chắc thời cơ, nhân dân đã sẵn sàng, địch đã hoang mang tan rã cao độ, ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) quyết định Tổng khởi nghĩa. Đồng chí Hà Kế Tấn, Uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ được cử về tỉnh thành lập Uỷ ban Khởi nghĩa và được cử làm Trưởng ban. Kế hoạch khởi nghĩa ở tỉnh Nam Định được triển khai mau lẹ.

Ngay sau khi Lệnh Tổng khởi nghĩa được ban bố, trong phạm vi cả nước, từ ngày 14-8-1945 rất nhiều xã, huyện thuộc các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Hà Đông (miền Bắc); Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Khánh Hoà (miền Trung); Mỹ Tho, Sa Đéc… (miền Nam) đã kịp thời khởi nghĩa cướp chính quyền. Ngày 16-8, một đơn vị giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào đánh chiếm Thị xã Thái Nguyên mở đường tiến về Hà Nội…

Tin khởi nghĩa khắp nơi dồn dập dội về trong tỉnh.

Ban Cán sự Đảng tỉnh đã tập trung ở huyện Trực Ninh và nắm khá chắc tình hình. Trực Ninh là nơi có cơ sở chính trị và lực lượng cách mạng mạnh hơn cả, lại xa thành phố có thể tránh được sự chú ý hoặc phản ứng nhanh của địch, viên tri huyện mới về nhậm chức…, do đó được chọn làm điểm mở đầu phát động quần chúng vũ trang khởi nghĩa. Vào 15 giờ chiều ngày 17-8, đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh do đồng chí Phạm Ngọc Hồ chỉ huy cùng với lực lượng Thanh niên Cứu quốc của huyện (khoảng gần 100 người với vũ khí thô sơ gậy tre, 2 súng bắn chim, 1 tiểu liên, 1 súng ngắn) từ thôn Nam Lạng tiến về bao vây huyện đường kêu gọi binh lính đầu hàng. Quan quân trong huyện không dám chống cự, phải giao nộp vũ khí, sổ sách.

Tại huyện Nam Trực, sáng ngày 18-8, đồng chí Phạm Ngọc Hồ, Bí thư Ban Cán sự đưa mấy chục người trong đội tự vệ vũ trang từ Trực Ninh đang phối hợp với lực lượng quần chúng kéo vào huyện lỵ. Hoảng sợ trước khí thế cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi ở Trực Ninh, viên tri huyện ở đây đã vội vã đầu hàng.

Tại huyện Ý Yên, khí thế khởi nghĩa ở một số nơi (An Hoà, Lỗ Xá, Thượng Đồng…) đã rất sôi động từ ngày 19-8, nhưng địa phương chưa nhận được chỉ thị của cấp trên. Ngày 20-8, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Nam, đồng chí Trần Quyết trực tiếp chỉ đạo lực lượng Việt Minh các thôn: Nhuộng, Ngòi phối hợp với lực lượng khởi nghĩa huyện Thanh Liêm kéo về huyện lỵ tại Bo. Viên tri huyện vắng mặt, binh lính hoảng sợ không dám chống cự. Lực lượng khởi nghĩa tuyên bố chiếm huyện, tịch thu triện, vũ khí (gồm 10 súng trường, 1 súng ngắn) và tiền (16 nghìn đồng Đông Dương). Sáng 22-8 lực lượng Việt Minh một số nơi: Thượng Đồng, Đông Biểu, Hoàng Nê, Tống Xá, An Hoà, An Cừ… kéo về huyện lỵ. Tới nơi thì biết khởi nghĩa đã giành được chính quyền từ 2 ngày trước.

Ngày 20-8, đồng chí Đinh Thúc Dự chỉ huy cướp chính quyền ở phủ Xuân Trường. Một lực lượng khác phối hợp tiến hành đánh đồn binh Lạc Quần.

Tại Hải Hậu, mặc dầu chưa nhận được lệnh khởi nghĩa, ngày 20-8 một số cán bộ Việt Minh địa phương đã chủ động tập hợp lực lượng quần chúng đánh chiếm đồn Văn Lý. Đồng thời, một bộ phận do đồng chí Nguyễn Trường Thuý chỉ huy về chiếm huyện lỵ. Chính quyền cách mạng lâm thời do đồng chí Đặng Xuân Thiều làm Chủ tịch.

Tại Nghĩa Hưng, sáng 20-8, lực lượng cách mạng đánh chiếm đồn Ngòi Cái, rồi tiến xuống Giao Lạc bức viên Bang tá của huyện giao nộp ấn tín, sổ sách. Cùng ngày, lực lượng cách mạng ở Hào Kiệt, Lương Kiệt do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch lãnh đạo kéo vào phủ lỵ giành chính quyền.

Tại Vụ Bản, ngày 20-8, lực lượng vũ trang cách mạng do đồng chí Trần Đức (tỉnh cử về) và đồng chí Ngô Đình Nam chỉ huy đánh chiếm huyện đường, thu 20 súng trường và toàn bộ đạn dược, ấn tín, tài liệu của chính quyền tay sai.

Ở Thành phố Nam Định, dưới sự chỉ đạo của Việt Minh, hàng nghìn quần chúng cách mạng biểu tình đòi giải phóng chính trị phạm bị bắt giam; do áp lực lớn buộc phát xít Nhật và chính quyền bù nhìn phải trả lại tự do cho số lớn tù chính trị mà chúng giam giữ. Các đảng viên vừa mới ra tù, tranh thủ chia nhau đi các nơi vận động quần chúng tổ chức cuộc biểu tình lớn ngay ngày 19-8 ở thành phố. Cùng tiếp sức cuộc biểu tình có thêm hàng nghìn người gồm công nhân, tiểu thương, tiểu chủ, thợ thủ công, học sinh, viên chức và nông dân từ ngoại thành kéo về. Đoàn người đông đảo giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ “Ủng hộ Việt Minh”, “Giải phóng chính trị phạm”…, biến cuộc biểu tình thành cuộc tập hợp, biểu dương lực lượng cách mạng, trực tiếp áp đảo kẻ thù. Lực lượng vũ trang chủ yếu của quân Nhật ở Nam Định là tiểu đoàn bảo an gồm hơn 500 tên (hầu hết là binh sĩ nguỵ) bị phân hoá, số đông lừng chừng không dám phản ứng, chống cự.

Trước tình thế cách mạng chuyển biến hết sức mau lẹ, sôi động, ngày 20-8 đồng chí Hà Kế Tấn (Xứ uỷ viên Bắc Kỳ) về Thành phố Nam Định họp với lãnh đạo phong trào cách mạng và thành lập Uỷ ban Khởi nghĩa gồm 7 người, do đồng chí làm Chủ tịch. Cùng ngày, một lực lượng thuộc đội Danh dự và ở Hội Văn hoá cứu quốc, dân chủ Đảng Hà Nội được Xứ uỷ giao nhiệm vụ cũng về đến Nam Định phối hợp khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng khởi nghĩa đã nhanh chóng cử đại diện vào dinh Tỉnh trưởng Nguyễn Huy Xương yêu cầu y đầu hàng. Đồng thời yêu cầu viên Đốc lý cho in gấp 3 vạn tờ truyền đơn kêu gọi nhân dân mít tinh vào chiều ngày 21-8. Do có sự thoả thuận giữa Uỷ ban Khởi nghĩa với đại diện Bộ Tư lệnh quân Nhật (không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Minh), lực lượng khởi nghĩa đã vào bắt những tên đầu sỏ chính quyền tay sai đang lẩn trốn trong doanh trại quân Nhật, nên về cơ bản việc cướp chính quyền đã về tay cách mạng, chỉ còn trụ sở Ngân hàng là nơi quân Nhật ngoan cố chiếm giữ, với lý do “phải bàn giao cho đồng minh”. Đến 3 giờ chiều ngày 21-8, cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Dốc Lò Trâu (phía đường Hưng Yên, phía phải đường Trường Chinh hiện nay). Trước lễ đài rợp màu băng rôn, cờ đỏ sao vàng, gần ba vạn nhân dân nội, ngoại thành mừng vui khởi nghĩa thắng lợi và lắng nghe hiệu triệu của Việt Minh về thực hiện 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh. Uỷ ban Khởi nghĩa tuyên bố xoá bỏ chính quyền bù nhìn, thiết lập chính quyền cách mạng. Uỷ ban Cách mạng lâm thời tỉnh gồm 7 người, do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Chủ tịch; Uỷ ban Cách mạng lâm thời Thành phố Nam Định do đồng chí Nguyễn Văn Hoan làm Chủ tịch ra mắt nhân dân. Cuộc khởi nghĩa trong tỉnh hoàn toàn thắng lợi./.

Ngô Tiến Vạnh
Hội Khoa học lịch sử tỉnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com