Nâng cao sức chiến đấu của Đảng bộ, tích cực thúc đẩy quan hệ sản xuất mới - (Kỳ 2)

07:09, 22/09/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 25-2-1961 về cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân, Đại hội đã xác định nhiệm vụ đầu năm 1961 là phải đẩy mạnh việc học tập chỉnh huấn, đề cao công tác phê bình, tự phê bình, nhằm nâng cao nhận thức tư tưởng, trình độ công tác, sửa chữa kịp thời những quan điểm sai lệch, đồng thời nâng cao đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ để chấp hành tốt hơn nữa nhiệm vụ của Đảng.

    Từ tháng 3 đến tháng 8-1961, Tỉnh uỷ Nam Định đã mở cuộc vận động chỉnh huấn đảng viên. Các cơ quan, xí nghiệp đều hoàn thành tốt công tác chỉnh huấn cho đảng viên, thu hút 8.852 đồng chí tham gia học tập. Các huyện đã mở lớp chỉnh huấn cho 2.673 cán bộ huyện, xã. Tại các lớp chỉnh huấn, đảng viên được nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Qua đợt chỉnh huấn, cán bộ và đảng viên đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình trước tình hình, nhiệm vụ mới, thấy rõ vấn đề quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh sản xuất, trước hết là sản xuất nông nghiệp, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng tinh thần tập thể, quyết tâm phấn đấu vươn lên trong mọi lĩnh vực công tác để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cánh đồng lúa của hợp tác xã Yên Tiến (Ý Yên), ngày 13-8-1958.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cánh đồng lúa của hợp tác xã Yên Tiến (Ý Yên),
ngày 13-8-1958.

    Để thống nhất tư tưởng và hành động, kịp thời hướng dẫn, tổ chức và cổ vũ phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, ngày 12-5-1961, Tỉnh uỷ Nam Định quyết định chuyển tờ tin Nam Định thành tờ báo Sông Đào, trực thuộc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Phan Điền - Phó Bí thư Tỉnh uỷ làm Tổng Biên tập. Báo Sông Đào ra số đầu tiên vào ngày 21-7-1961. Báo được phát hành rộng rãi tới các cơ sở sản xuất, các cơ quan trường học, bệnh viện và các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh, góp phần giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; hướng dẫn và phổ biến những kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm công tác, động viên cổ vũ con người mới và việc làm mới; phê phán những tư tưởng, hành động bảo thủ, lạc hậu; góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương.

    Thực hiện tinh thần Nghị quyết 5 (khoá III) về sản xuất nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tổ chức cơ sở có mạnh thì hợp tác xã nông nghiệp mới vững, hợp tác xã có vững thì sản xuất mới tốt và đời sống xã viên mới được nâng cao, cho nên phải ra sức kiện toàn chi bộ, coi đó là một khâu quan trọng trong công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện. Ngày 9-10-1961, Tỉnh uỷ Nam Định ra Nghị quyết về xây dựng Chi bộ tiên tiến ở nông thôn với sáu tiêu chuẩn (lãnh đạo sản xuất tốt, đoàn kết tốt, quản lý tốt, chấp hành chính sách tốt, xây dựng tốt, học tập và công tác quần chúng tốt). Để thực hiện sáu tiêu chuẩn đó, Nghị quyết đã đề ra một số yêu cầu cụ thể như sau:

    - Tích cực bồi dưỡng ý thức giai cấp, tính tiên phong gương mẫu và nhận thức chính trị, tư tưởng đảng viên đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ, làm cho mỗi đảng viên hiểu rõ tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn là bộ phận tiên tiến của giai cấp công nhân ở nông thôn, là đại biểu của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời là đại biểu lợi ích của nông dân.

    - Kiện toàn và bố trí sự lãnh đạo của chi bộ cho phù hợp tình hình phát triển hợp tác xã, đồng thời cải tiến tác phong, lề lối làm việc của tổ chức cơ sở Đảng.

    - Tăng cường và mở rộng đội ngũ đảng viên trong hợp tác xã nông nghiệp. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của các cấp, các ngành nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nông nghiệp.

    - Bồi dưỡng và sử dụng tốt các tổ chức quần chúng.

    Sau khi có Nghị quyết của Tỉnh uỷ, các Huyện uỷ và Thành uỷ đã triển khai quán triệt tới từng cơ sở Đảng. Phong trào thi đua yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội diễn ra sôi nổi khắp mọi nơi. Trong nông nghiệp có phong trào học tập, đuổi kịp và vượt Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình). Ngành công nghiệp có phong trào học tập Duyên Hải (Hải Phòng), thi đua với Duyên Hải nhằm phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Lực lượng vũ trang có phong trào thi đua "Ba nhất" (đạt thành tích nhiều nhất, đều nhất, giỏi nhất). Ngành giáo dục có phong trào thi đua "Hai tốt" với trường Bắc Lý (Hà Nam), quyết tâm dạy tốt và học tốt. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động các ngành các giới thi đua phấn đấu trở thành tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa.

    Qua các phong trào thi đua yêu nước, công nhân, nông dân tập thể, các tầng lớp nhân dân lao động đã phát huy nhiều sáng tạo trong sản xuất và thực hành tiết kiệm. Đảng bộ đã trực tiếp lãnh đạo mọi mặt, mọi ngành, tạo điều kiện cho phong trào tiến bộ toàn diện so với năm 1960 và giành được nhiều thắng lợi có tính chất căn bản. Tổ chức Đảng được củng cố và đẩy mạnh phát triển thêm một bước. Các cấp uỷ đã chú trọng đến công tác củng cố và phát triển Đảng. Các chi bộ nông thôn được sắp xếp theo đơn vị sản xuất và hướng phấn đấu trở thành chi bộ tiên tiến. Các xã kém ngày càng giảm, các xã khá ngày càng tăng.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com