Nâng cao sức chiến đấu của Đảng bộ, tích cực thúc đẩy quan hệ sản xuất mới - (Kỳ 1)

05:09, 17/09/2015

[links()]

    Giữa lúc cách mạng ở miền Bắc đạt được thắng lợi to lớn trong cải tạo và phát triển kinh tế, cách mạng miền Nam có bước nhảy vọt sau đồng khởi, tháng 9-1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được triệu tập. Trong lời khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ đây là: "Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà".

    Đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Đại hội xác định công nghiệp hoá là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ. Đường lối chung đó được Đại hội cụ thể hoá trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) nhằm: "xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa".

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V, ngày 21-5-1963.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V, ngày 21-5-1963.

    Trong không khí thi đua sôi nổi của những ngày xuân Tân Sửu, từ ngày 18 đến ngày 28-2-1961, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ IV (vòng 2) được tiến hành. Tham dự Đại hội có 213 đại biểu chính thức và 15 đại biểu dự khuyết, trong đó có đại biểu của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho là tỉnh kết nghĩa với Nam Định.

    Trong 10 ngày làm việc, ngoài việc nghiên cứu và quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Đại hội đã tổng kết công tác của địa phương và ba năm thực hiện kế hoạch nhà nước về cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - văn hoá (1958-1960) và đánh giá: Các mặt chính trị, kinh tế, xã hội đã có nhiều thay đổi lớn. Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở tất cả các ngành đã hoàn thành căn bản và giành được thắng lợi có tính chất quyết định. Từ nền sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp cá thể, công thương nghiệp tư doanh, quốc doanh nhỏ bé, đã chuyển sang nền kinh tế xã hội chủ nghĩa... Đi đôi với phát triển kinh tế, công tác giáo dục, bảo vệ sức khoẻ đã phát triển mạnh, đời sống của công nhân, nông dân, cán bộ được cải thiện thêm một bước.

    Đại hội cũng nghiêm khắc chỉ ra những khuyết điểm của phong trào và sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ tuy có tiến bộ nhưng chưa toàn diện, còn coi nhẹ công tác cải tiến kỹ thuật, cải tiến công cụ, chưa phát huy hết khả năng của công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Công tác quản lý kinh tế, tài chính còn yếu, tình trạng tham ô, lãng phí còn phổ biến. Chưa thấy hết khả năng to lớn và tiềm năng của nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp của tỉnh. Chưa đánh giá đúng đắn khả năng to lớn và nhiệt tình cách mạng của quần chúng, của tổ chức đảng cơ sở. Tư tưởng dám nghĩ dám làm chưa được phát huy, tinh thần độc lập, chủ động và sáng tạo của địa phương còn yếu. Nhiều cấp uỷ, nhiều cán bộ phụ trách thường làm nhiệm vụ thi hành những chủ trương biện pháp sẵn có hơn là nghiên cứu suy nghĩ đề ra những chủ trương biện pháp có tính sáng tạo để đẩy phong trào tiến mạnh hơn, vững chắc hơn. Công tác chỉ đạo thiếu thường xuyên liên tục. Do đó phong trào khi lên mạnh, khi lắng xuống.

    Căn cứ vào đường lối Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và tình hình cụ thể của địa phương, Đại hội Đảng bộ Nam Định đã đề ra nhiệm vụ chung cho toàn Đảng bộ và nhân dân Nam Định trong thời gian tới nhằm "phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, truyền thống đấu tranh anh dũng, nhiệt tình cách mạng xã hội chủ nghĩa và lao động sáng tạo của toàn dân trong tỉnh để tiếp tục tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần vào xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa; đồng thời góp phần thiết thực đẩy mạnh phong trào cách mạng miền Nam để tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc".

    Đại hội ra Nghị quyết phát triển kinh tế văn hoá cho các năm tới, trước mắt là năm 1961, năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; nhất trí thông qua sáu nhiệm vụ cụ thể của năm 1961 là:

    - Ra sức phát triển nông nghiệp, lấy nông nghiệp làm trọng tâm, đồng thời coi trọng phát triển công nghiệp.

    - Tích cực củng cố và hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phát triển thành phần kinh tế quốc doanh.

    - Trên cơ sở cải tạo xã hội chủ nghĩa, tổ chức và sắp xếp dần ngành kinh tế ở thành thị và nông thôn sao cho hợp lý.

    - Nâng cao kiến thức văn hoá, trình độ kỹ thuật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

    - Trên cơ sở quan hệ sản xuất đã thay đổi, ra sức phát triển kinh tế để cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động.

    - Đề cao cảnh giác, tích cực củng cố lực lượng quốc phòng, lực lượng dân quân và công an, tăng cường trật tự trị an, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đời sống lao động hoà bình của nhân dân.

    Để thực hiện sáu nhiệm vụ trên, Đại hội đề ra ba biện pháp chủ yếu nhằm tăng cường chính quyền dân chủ nhân dân; củng cố và phát huy lực lượng quần chúng, động viên toàn dân tham gia hoàn thành kế hoạch nhà nước năm 1961 đấu tranh để củng cố, xây dựng Đảng bộ ngày càng thêm vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của đảng viên, tăng cường năng lực lãnh đạo của cấp bộ Đảng.

    Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ mới, gồm 36 uỷ viên do đồng chí Lê Thành làm Bí thư.

    Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ IV được xem là Đại hội mở đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chủ nghĩa xã hội, củng cố quan hệ sản xuất mới, đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com