[links()]
(Tiếp theo)
Các phong trào thi đua sản xuất, chống Mỹ được đẩy mạnh. Lực lượng thanh niên toàn tỉnh đã làm 1.156.000 gánh phân xanh, 2.455.690 m3 đất thuỷ lợi, xuất hiện 1.173 kiện tướng làm phân giỏi và 4.372 kiện tướng thuỷ lợi. Các hợp tác xã ở Trực Ninh, Vụ Bản, Ý Yên còn có các đội thanh niên xung phong cải tiến kỹ thuật, các đội chống hạn, chống bão lụt... Phong trào quyên góp vốn xây dựng Nhà máy dệt 8-3 và thành lập các nhóm trông giữ trẻ của Hội Phụ nữ; phong trào thi đua "Tiền tiến" của công đoàn; đặc biệt phong trào thi đua "Nam Định - Bình Nhưỡng" của công nhân dệt Nam Định và tháng thi đua hữu nghị với thiếu nhi Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức) của thiếu nhi Nam Định đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp, đạt kết quả tốt.
Tại Nhà máy dệt Nam Định, cùng với phong trào thi đua "Nam Định - Bình Nhưỡng", năm 1960 Đảng uỷ Nhà máy phát động phong trào "Ba nhanh một giảm" nhằm xây dựng các tổ sản xuất thành tổ tiên tiến, đạt ba tiêu chuẩn: xây dựng và làm theo định mức, nội bộ đoàn kết chặt chẽ, có năng suất cao. Tổ 10 kíp C xưởng sợi AB và tổ 3 kíp C xưởng dệt được chỉ đạo xây dựng điển hình. Phong trào thi đua phát triển mạnh mẽ, liên tục và mang tính tập thể khá cao, lôi cuốn đông đảo công nhân tham gia. Hàng loạt máy cúi, máy thùng, máy con, máy dệt phổ thông, tay đập ngang đã được cải tiến. Công nhân xưởng nhuộm cải tiến máy Rigơ Ba Lan đưa năng suất nhuộm vải từ 1 lá lên 2 lá, năng suất tăng 100%. Xưởng thoi sản xuất thành công thoi nội thay thế thoi nhập ngoại. Từ 1958 - 1960, công nhân đã phát huy được 483 sáng kiến cải tiến kỹ thuật; có những công nhân đã phấn đấu đưa mức đứng máy dệt từ 12 máy mức cao nhất trước đó lên 24 máy; mức bảo đảm cọc sợi từ 800 cọc tăng lên 1.240 cọc. Hầu hết các phân xưởng luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 3% trở lên. Nhiều mặt hàng được cải tiến cho phù hợp với thị hiếu của nhân dân như lụa tơ, sa tanh, kim cương, Alben. Có mặt hàng vắng mặt từ năm 1939 đã được sản xuất trở lại.
Các tổ chức Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Nông hội còn tích cực tuyên truyền vận động hội viên hưởng ứng ký tên vào bản kiến nghị, viết thư và quyên góp được 3,5 triệu đồng ủng hộ nhân dân Angiêri trong cuộc đấu tranh chính nghĩa chống thực dân Pháp.
Tối 7-9-1959, tại Câu lạc bộ thành phố Nam Định, đại biểu các tầng lớp nhân dân thành phố dự mít tinh hưởng ứng lời kêu gọi của uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới và chào mừng Đoàn đại biểu của uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới đến thăm. Thành phố Nam Định được uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam tặng bằng danh dự và Huy chương vì hoà bình.
Chấp hành chủ trương và quyết định của Trung ương về việc Nam Định kết nghĩa với Mỹ Tho, phong trào thi đua "Vì miền Nam ruột thịt, vì Mỹ Tho thân yêu" trở thành hành động cách mạng sôi nổi. Từ năm 1958, hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình được tổ chức, hàng ngàn khẩu hiệu, hàng vạn chữ ký đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Giơnevơ, đòi hiệp thương thống nhất Nam - Bắc, đòi huỷ bỏ "Luật 10-59" và lên án hành động thảm sát dã man hàng ngàn đồng bào yêu nước tại Nhà tù Phú Lợi. Trong chiến dịch sản xuất "Nam Định - Mỹ Tho", huyện Ý Yên đào đắp 1.983.273 m3 đất thuỷ lợi, huyện Nghĩa Hưng hoàn thành con đường mang tên Mỹ Tho - Chợ Gạo dài 15km; các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, Ý Yên đã đào xong con sông dài 24km mang tên Nguyễn Văn Tiếp. Chị em Xưởng dệt Nam Định làm thêm 17.272 giờ, lấy tiền ủng hộ nhân dân Mỹ Tho. Học sinh các trường đã làm vườn hoa, vườn thí nghiệm mang tên Mỹ Tho và hưởng ứng phong trào "Ai đến Mỹ Tho nhanh nhất" bằng số điểm học tập cao nhất của mình. Tủ sách Nam Định - Mỹ Tho ra đời gồm 7.000 cuốn sách các loại. Thực hiện Nghị quyết ngày 14-12-1959 của Thường vụ Tỉnh uỷ "về một số nhiệm vụ công tác cán bộ miền Nam", Nam Định đã tiếp nhận 354 cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết, sắp xếp ổn định nơi ở và làm việc, giúp cán bộ và đồng bào yên tâm xây dựng miền Bắc, góp phần vào cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Từ tháng 7-1954 đến tháng 12-1960, hơn 5 năm trong điều kiện hoà bình, có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Nam Định tiếp tục phát huy truyền thốhg yêu nước và ý chí cách mạng tiến công, dũng cảm vượt qua khó khăn thử thách nhanh chóng ổn định tình hình, phục hồi sản xuất, từng bước ổn định đời sống nhân dân; tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh chống phá âm mưu địch dụ dỗ cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam; thực hiện có kết quả các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đó là cải cách ruộng đất và sửa chữa sai lầm của cải cách ruộng đất, cải tạo các thành phần kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bước đầu xây dựng và phát triển kinh tế - văn hoá, làm cho bộ mặt nông thôn từng bước biến đổi sâu sắc.
Thấm nhuần quan điểm của Đảng "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", Đảng bộ tỉnh Nam Định không ngừng chăm lo củng cố khối liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo, làm cơ sở cho việc tăng cường khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương - giáo, mở rộng dân chủ với nhân dân và kiên quyết chuyên chính với kẻ địch. Công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng được tăng cường nhằm nâng cao tinh thần giác ngộ cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, tập hợp đông đảo quần chúng tạo thành lực lượng to lớn đưa phong trào cách mạng không ngừng tiến lên.
Trong quá trình trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh, Đảng bộ ngày càng trưởng thành, tăng về số lượng, chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng; khối đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ được củng cố, ý chí phấn đấu và tinh thần phục vụ nhân dân được nâng cao. Công tác học tập rèn luyện tư cách đạo đức, phê bình và tự phê bình, đấu tranh chống tư tưởng chủ nghĩa cá nhân được đẩy mạnh, tạo bước vững chắc cho Đảng bộ và nhân dân Nam Định bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).